Chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải

Cần lộ trình phù hợp

- Thứ Ba, 30/07/2019, 07:35 - Chia sẻ
Trung bình mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh thu gom và xử lý hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng khoảng 10%. Theo các chuyên gia, để đáp ứng khả năng tiếp nhận và thu gom lượng rác này, việc cải tạo hạ tầng, chuyển đổi phương tiện thu gom là cần thiết. Tuy nhiên, thành phố cần có lộ trình cụ thể, phù hợp để quá trình chuyển đổi thành công.

Phương tiện thu gom còn lạc hậu

Theo Khảo sát gần đây do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh thực hiện, hệ thống thu gom rác tại nguồn công lập bao gồm Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và 22 công ty dịch vụ công ích quận huyện, được trang bị gần 3.500 phương tiện (thùng 660 lít và 240 lít), chủ yếu hoạt động tại các khu vực tuyến đường trung tâm và công trình công cộng. Còn lại, lực lượng thu gom rác dân lập hiện có 80 công ty tư nhân, 12 hợp tác xã, 2 nghiệp đoàn và 2.200 tổ lấy rác dân lập. Lực lượng này cũng đang sử dụng gần 2.200 phương tiện tự chế như xe lôi, xe kéo, xe ba gác…

Theo Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Lê Trung Tuấn Anh, phần lớn lượng trang thiết bị thu gom đã rất lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, chủ yếu là xe tải cũ, xe ba gác, xe tự chế, xe lôi, xe lam... Quy mô thu gom của lực lượng rác dân lập cũng rất manh mún, phân tán nhiều đối tượng, nhiều khu vực và không đồng nhất với lực lượng thu gom rác chính quy, nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu an toàn môi trường, mỹ quan và vệ sinh đô thị. Tại một số quận huyện, xe chở rác thường xuyên để tình trạng nước rỉ rác chảy tràn ra đường phố trong quá trình vận chuyển. Thậm chí, rác thải bị bỏ 2 - 3 ngày không thu gom, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động thu gom rác, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Trần Văn Thạch cho biết, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi thành hợp tác xã, công ty tư nhân để tăng khả năng chuyển đổi phương tiện thu gom. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp để cải thiện hạ tầng thu gom rác thải; cũng như hỗ trợ nghiệp đoàn, tổ thu gom rác dân lập gia nhập các hợp tác xã, các công ty dịch vụ công ích, hoặc chuyển đổi phát triển lên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Sở cũng công bố mức giá thu gom rác thải tần suất 1 lần/ngày và các mẫu phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, kết hợp quy định thời gian chuyển đổi là hết tháng 10.2019.


Phần lớn lượng trang thiết bị thu gom rất lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường
Nguồn: ITN

Bất cập trong chuyển đổi

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay Sở đã vận động 616 tổ thu gom rác dân lập chuyển đổi bằng cách thành lập công ty tư nhân, gia nhập hợp tác xã thu gom rác dân lập, hoặc gia nhập vào công ty dịch vụ công ích quận huyện. Có 7 quận, huyện là quận 9, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi đã hoàn thành việc chuyển đổi 100% lực lượng thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc công ty tư nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều chủ đường dây rác dân lập có tâm lý e ngại, chưa đồng thuận thực hiện. Nguyên nhân là do các chính sách chưa rõ ràng. Theo đại diện Nghiệp đoàn Thu gom rác dân lập quận 5, hiện chưa có những chính sách, quy định rõ ràng cho quyền lợi của các nghiệp đoàn khi tham gia vào các công ty dịch vụ công ích hoặc hợp tác xã. Chưa kể, các tiêu chí cho vay vốn để chuyển đổi trang thiết bị chưa rõ, việc tiếp cận nguồn vốn vay còn phức tạp, thủ tục hành chính rối rắm. Trong khi đó, thành phố cũng chưa quyết liệt, chặt chẽ trong hoạt động quản lý, xử lý những trường hợp không thực hiện chuyển đổi, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường trong hoạt động thu gom.

Ngoài ra, đại diện tổ chức Enda Việt Nam cũng cho rằng, bất cập lớn nhất của TP Hồ Chí Minh là cơ cấu lực lượng thu gom rác thải chính vẫn tập trung ở bộ phận thu gom rác dân lập. Số rác lực lượng này thu gom đang chiếm 60% tổng lượng rác thu gom trên toàn thành phố. Số còn lại 40% do lực lượng thu gom rác chính quy thuộc các công ty dịch vụ công ích thực hiện. Theo đó, toàn bộ các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển phải đáp ứng theo yêu cầu từng rác thải phân loại.

Trong bối cảnh phải đáp ứng quy định của thành phố về nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển rác, lực lượng thu gom rác dân lập cần thiết phải chuyển đổi phương tiện thu gom. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Lê Trung Tuấn Anh, cần có lộ trình để chuyển đổi và phù hợp với từng địa bàn nội thành, ngoại thành. Phương tiện này cũng phải đáp ứng các yêu cầu như tiếp nhận được thùng rác 220 lít và có hệ thống nâng thùng rác. Đặc biệt, thành phố cần phải tính toán lại mức phí thu từ chủ nguồn thải sao cho bù đắp được chi phí đầu tư và vận hành phương tiện thu gom rác sau chuyển đổi.

Nhật Phương