Bảo đảm an toàn đê điều ở Hà Nội

Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 09:05 - Chia sẻ
Khắc phục những vi phạm Luật Đê điều vốn phổ biến lâu nay như xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông; đổ thải, san lấp lấn chiếm lòng sông, bãi sông; khai thác, tập kết cát sỏi trái phép ở bãi sông, lòng sông... thời gian qua UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý vi phạm. Tuy vậy, với hệ thống đê điều lớn, đi qua địa bàn hầu hết các quận, huyện... đòi hỏi cần có sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.

 1.821 vụ việc vi phạm chưa được xử lý

Theo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, từ ngày 21.12.2019 đến 20.6.2020, trên địa bàn thành phố phát sinh tổng số 33 vụ việc vi phạm, xử lý được 1 vụ, tồn đọng 32 vụ.

Từ bao đời nay, những tuyến đê ven sông vẫn là những tấm lá chắn quan trọng bảo vệ con người, tài sản trước thiên tai mưa, bão. Mặc dù thời gian gần đây số lượng vụ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội đã giảm so với những năm trước, nhưng những vi phạm tồn tại cũ và những vi phạm mới phát sinh vẫn rất nghiêm trọng, và đáng lo ngại.

Số liệu từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong khi đó mới chỉ xử lý được 5 vụ, còn tồn đọng 55 vụ. Ngoài ra, rất nhiều vụ vi phạm từ những năm trước vẫn còn tồn đọng. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2019, toàn thành phố tồn đọng 1.821 vụ việc chưa được xử lý. Tình trạng vi phạm phổ biến là xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều và trên bãi sông; đổ thải, san lấp lấn chiếm lòng sông, bãi sông; khai thác, tập kết cát sỏi trái phép ở bãi sông, lòng sông; xe quá tải trọng lưu thông trên đê. Trong đó, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ, nhất là trong thời điểm mùa mưa, bão. Đáng chú ý, trong số 116 vụ vi phạm mà Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội thống kê từ năm 2019 đến nay thì có tới 34 vụ xây dựng công trình trên mái đê, 12 vụ xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kè…

Theo ngành chức năng cho biết, những vụ việc vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hệ thống đê điều, gây nhiều hệ lụy. Đơn cử, trên các tuyến đê, kè sông Đà, sông Hồng, sông Đáy… thuộc địa bàn các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thanh Oai thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố sạt lở ngay trong mùa mưa bão năm 2020. Gần đây nhất, ngày 20.8.2020, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP Hà Nội báo cáo trên địa bàn thành phố đã xảy ra sự cố sụt, sạt cống qua đê trạm bơm Tảo Khê, đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Cùng ngày, vào 10 giờ 30 ngày 20.8.2020, toàn bộ thân đê hữu Đáy phía trên cống đã bị sụt, sạt thành hố sâu với đường kính hơn 10m, độ sâu hơn 8m; đường bê tông mặt đê sạt, lún từ (20 - 40cm)...

Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vi phạm pháp luật về đê điều cũng như việc tồn tại, phát sinh những vi phạm mới, khó khăn trong xử lý vi phạm pháp luật về đê điều có nhiều, nhưng mấu chốt vẫn là do chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên quản về đê điều và chính quyền một số địa phương thiếu chặt chẽ, dẫn đến công tác phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, triệt để...

Vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đê ở Hà Nội  

Ảnh: IT 

Xử lý dứt điểm vi phạm mới 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, diễn biến thời tiết mùa mưa bão năm nay phức tạp, khó lường, có thể xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan, mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật… Việc tồn tại số lượng lớn vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố là mối đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê; gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão... 

Do vậy, để xử lý vi phạm, thời gian qua, UBND TP Hà Nội; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý vi phạm. Cụ thể, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 2419/VP-KT, ngày 23.3.2020 về tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Theo đó, yêu cầu các các ngành nông nghiệp, môi trường, xây dựng; giao thông và vận tải, công an, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm ngay từ khi phát sinh, đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa và xử lý vi phạm đê điều, mới đây UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Theo đó, cùng với việc yêu cầu UBND các cấp phối hợp với Chi cục Ðê điều và Phòng chống lụt bão và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều; rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều đúng quy định pháp luật về đất đai, đê điều và các quy định pháp luật có liên quan, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật... Quyết định này, cũng nêu rõ vi phạm pháp luật về đê điều phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật...

Tuy vậy thiết nghĩ, đê điều của TP Hà Nội là hệ thống lớn, đi qua địa bàn của hầu hết các quận, huyện, thị xã (26/30 quận, huyện, thị xã)… Do đó, để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều nói chung, tránh những vi phạm đê điều phát sinh mới, đòi hỏi sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, như vậy mới có thể bảo đảm hệ thống đê điều của thành phố được an toàn, hạn chế thấp nhất những sự cố xảy ra trong mùa mưa bão.

Hải Thanh