Phòng, chống đuối nước ở trẻ

Can thiệp từ cộng đồng

- Thứ Ba, 07/07/2020, 05:24 - Chia sẻ
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh, để giảm tỷ lệ tử vong đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành đoàn thể và của cả cộng đồng. Trong đó, cần quan tâm đến can thiệp trực tiếp tại cộng đồng, đến việc hỗ trợ trực tiếp trẻ em các kỹ năng tự vệ trong môi trường nước, các kỹ năng bơi, hỗ trợ cho gia đình và cộng đồng kiến thức, kỹ năng để giám sát, quản lý trẻ.

Gần 9.000 trẻ được dạy bơi an toàn

Tháng 6.2018, Quỹ từ thiện Bloomberg tài trợ thông qua Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai Chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn từ 2018 - 2020. Việc triển khai do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là chủ quản cùng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện. 

Nỗ lực phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em
Nguồn: ITN

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1715/BGDĐT-GDTC về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong việc tuân thủ quy định về an toàn khi tham gia hoạt động xã hội trong đời sống hằng ngày; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước.

Đánh giá việc triển khai dự án, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay chương trình đã triển khai 3 cấu phần chính là: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; hỗ trợ các biện pháp bảo đảm trông giữ trẻ an toàn, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 - 15 tuổi.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, Chương trình đã triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Sóc Trăng... vì đây là những địa phương có số lượng trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất cả nước. Theo đó, hơn 550 giảng viên nòng cốt và tuyến tỉnh được đào tạo chuẩn về bơi an toàn, phòng chống đuối nước và cấp chứng nhận bởi Tổng cục Thể dục - thể thao; hơn 4.700 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và trên 700 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn. Đáng ghi nhận, tính riêng năm 2019, gần 9.000 trẻ được dạy bơi an toàn và gần 18.000 trẻ em được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, trong thời gian ngắn, chương trình đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; Các ban quản lý chương trình các cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã để điều phối triển khai các hoạt động nhanh chóng, kịp tiến độ với hiệu quả cao. Phương pháp, tài liệu và cách tiếp cận của chương trình được xây dựng bài bản, khuyến nghị của quốc tế và phù hợp với tình hình địa phương. Điều quan trọng là ý thức về bảo vệ trẻ trong môi trường nước đã được gia đình, địa phương quan tâm và chú trọng hơn. Nhờ đó mà số trẻ được học bơi, học kỹ năng bơi an toàn tại nhà, tại địa phương gia tăng. Ở nhiều địa phương đã có những sáng kiến xây dựng bể bơi di động để dạy bơi miễn phí cho trẻ em.

Vẫn còn 2.000 trẻ bị đuối nước mỗi năm

Mặc dù đạt được những kết quả trên, song thực tế cho thấy đuối nước ở trẻ em vẫn ở mức cao và vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Đây không chỉ là thách thức mà còn là điều đáng suy ngẫm để chúng ta phải nhanh chóng hành động bảo vệ an toàn cho trẻ em. Ngày 26.5.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg “về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện Quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em”, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em rơi vào hoàn cảnh lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và của toàn xã hội để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước. Việc trẻ em tử vong do đuối nước là một trong các vấn đề được Quốc hội quan tâm và ưu tiên giám sát tại các cấp. Hiện nay, Việt Nam đã bước sang năm thứ 30 thực hiện Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong đó có mục tiêu 3, “bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và phúc lợi xã hội cho mọi người ở mọi lứa tuổi thì việc triển khai các giải pháp nhằm hạn chế đuối nước ở trẻn em quan trọng hơn bao giờ hết” - Phó Chủ nhiệm Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng việc quan trọng để thực hiện tốt Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính là cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của toàn xã hội. Đồng thời, cần nhân rộng những mô hình dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ ngay tại cơ sở. Huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Ở cơ sở cần tạo điều kiện để thu hút sự tham gia của cá nhân, tổ chức vào việc xây dựng bể bơi an toàn cho trẻ, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi.

Thái Yến