Mở lại đường bay quốc tế:

Cần thống nhất quy trình kiểm soát y tế

- Thứ Hai, 07/09/2020, 05:39 - Chia sẻ
Trước mắt, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất khôi phục 6 đường bay thương mại quốc tế và chỉ dành cho một số đối tượng. Các chuyên gia cho rằng, sự thận trọng này là cần thiết và để bảo đảm an toàn dịch bệnh, các bộ liên quan phải tích cực phối hợp với nhau và với đối tác để thống nhất quy trình kiểm soát y tế và kiểm soát từ gốc. Cùng với đó, Chính phủ sớm chỉ đạo nghiên cứu mở cửa thị trường du lịch, không để nước đến chân mới nhảy.

“Thận trọng là đúng!”

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phương án đề xuất khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước.

Ảnh minh họa
Nguồn: ITN

Theo đó, từ 15.9, sẽ mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các đường bay đi Đài Loan, Campuchia, Lào sẽ được tái khởi động từ 22.9. Đối tượng được đi trên những chuyến bay này gồm: Nhà ngoại giao, công vụ, công dân Việt Nam có nhu cầu về nước; công dân Việt Nam đi lao động tại các nước (trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc) và người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm.

Cũng theo đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải, công dân Việt Nam sau khi làm thủ tục nhập cảnh phải cách ly tập trung 14 ngày và bảo đảm xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính trong thời gian cách ly. Đối với người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm nhập cảnh trên 14 ngày, phải cách ly tập trung 14 ngày, sau đó tiếp tục giám sát y tế 14 ngày theo hướng dẫn tại văn bản 2847 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày), thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 4674 của Bộ Y tế (không phải cách ly tập trung 14 ngày song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch).

Về chi phí, người nước ngoài chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm của mình khi làm để được nhập cảnh vào Việt Nam; công dân Việt Nam được miễn toàn bộ đối với chi phí xét nghiệm.

Nhiều chuyên gia tán thành mở lại đường bay quốc tế, coi đây là giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn dịch bệnh.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào đầu tư nước ngoài, vì thế rất cần khôi phục đường bay quốc tế. “Quan trọng là chúng ta vừa mở cửa, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh. Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phải làm việc với nước đối tác để thống nhất quy trình kiểm soát y tế. Tinh thần là bảo đảm an toàn dịch bệnh, đồng thời tạo thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư vào nước ta làm việc”.

Theo ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế dành cho chuyên gia, người lao động, chưa đề cập tới khách du lịch, cho thấy sự cẩn trọng của cơ quan chức năng và “làm như vậy là đúng”.

Nhất trí mở lại đường bay quốc tế, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh điều kiện đi kèm là phải ưu tiên chống dịch. “Chuyên gia, nhà đầu tư không có nhiều thời gian nên chúng ta không thể cách ly 14 ngày. Như vậy, Bộ Y tế phải có quy trình kiểm soát y tế cụ thể, rõ ràng, kiểm soát từ gốc - ở nước họ, theo cách công nhận kết quả của nhau mà Singapore đang áp dụng và kiểm soát khi họ vào Việt Nam - thông qua phối hợp đối tác của họ ở trong nước, với chính quyền địa phương nơi họ đến làm việc, cư trú”.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế cần sớm công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc (kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, cài đặt Bluezone…) đối với hành khách (trước khi lên tàu bay, trên tàu bay, xuống máy bay, khi nhập cảnh, phân luồng để vào khu cách ly…); công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo cho các đối tác, hành khách; công bố các tiêu chí đối với những nơi có hệ số an toàn cao để có thể tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế, đồng thời có hướng dẫn việc thu phí đối với người cách ly.

Ảnh minh họa
Ảnh: H.Triều

Tính phương án mở cửa du lịch

Đánh giá cao sự thận trọng trong đề xuất khôi phục 6 đường bay quốc tế, song ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, ngay thời điểm này, các bộ, ngành liên quan cần đặt lên bàn câu hỏi: Nếu mở cửa đón khách du lịch quốc tế, chúng ta phải làm gì? “Chúng ta phải lên kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, rõ trách nhiệm để khi mở cửa thị trường du lịch, chúng ta sẽ làm trơn tru, chứ không đợi nước đến chân mới nhảy”.

4 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Các thị trường này sắp bước vào mùa đông nên nhu cầu du lịch biển khá lớn. Theo các doanh nghiệp lữ hành, nếu tiếp cận được nguồn khách từ những thị trường này, ngành du lịch sẽ giảm bớt phần nào khó khăn hiện nay.

Tại cuộc họp báo về phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều 4.9, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, khi mở lại đường bay quốc tế, số lượng khách vận chuyển nhập cảnh vào Việt Nam dự kiến khoảng 5.000 người/tuần. Các bộ, ngành đã tính toán kỹ phương án kiểm tra y tế ở sân bay đi/sân bay đến, năng lực bảo đảm kiểm soát dịch của hãng hàng không, năng lực tại các khu vực cách ly… Từ nay tới 15.9, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ làm việc thêm với nhà chức trách hàng không các nước và vùng lãnh thổ về khai thác số lượng khách, tần suất khai thác bay, các biện pháp cách ly...

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định đã bàn bạc rất kỹ các phương án và thống nhất sẽ mở lại đường bay thương mại quốc tế từ ngày 15.9. Cách ly 5.000 người nhập cảnh/tuần có nhiều phương án như cách ly tại nhà, tại phân xưởng, nơi sản xuất, cách ly tại nơi tập trung, cách ly riêng đối với khách là chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc và với khách bay thương mại… bảo đảm quy định.

Ông Phạm Trung Lương cho rằng, có thể coi việc mở lại đường bay quốc tế cho chuyên gia, người lao động là bước “thử nghiệm”. Trên cơ sở này, các đơn vị chức năng sớm xây dựng và hoàn thiện quy trình đón khách du lịch bảo đảm an toàn dịch bệnh, qua đó giúp ngành du lịch, ngành hàng không và cả nền kinh tế từng bước phục hồi.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng lưu ý, khi đón khách du lịch có thể áp dụng cách công nhận kết quả của nhau như nhiều nước đang làm nhưng phải bảo đảm thống nhất về quy trình, công nghệ xét nghiệm, tránh tình trạng vừa qua, một số người ở nước ta xét nghiệm âm tính, sang nước khác lại dương tính và ngược lại. “Du khách đến Việt Nam phải thực hiện nghiêm quy định phòng dịch của Việt Nam nhưng không nên bắt họ cách ly 14 ngày vì đã có kết quả xét nghiệm PCR và được công nhận lẫn nhau rồi”.

Để cứu vãn nền kinh tế, trong đó có ngành hàng không, Singapore từng bước mở đường bay quốc tế đến các quốc gia kiểm soát dịch tốt. Sau Malaysia và 6 tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc, từ 1.9, Chính phủ Singapore mở đường bay quốc tế đến Brunei và New Zealand. Khách du lịch đến Singapore không bị cách ly 14 ngày nhưng bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước 48 giờ, kể từ lúc nhập cảnh vào nước này. Nếu kết quả dương tính với Covid-19, khách sẽ bị cách ly và phải trả tiền điều trị. Khách nước ngoài không được đi lại bằng phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt, mà phải di chuyển bằng taxi, hoặc thuê phương tiện cá nhân. Trong 50 ngày kể từ thời điểm mở một số đường bay quốc tế, Singapore đã đón 83 nghìn khách du lịch, trong đó có 152 người dương tính với Covid 19.

Tại châu Âu, rất nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và nằm trong khu vực Schengen (bao gồm Pháp, Italy, Na Uy, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Iceland, Australia, Thụy Sĩ, Belarus và một số nước khác) đã mở cửa biên giới trở lại và cho các đường bay quốc tế hoạt động để đón khách du lịch, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.

Thanh Lan