Cần tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:48 - Chia sẻ
Tại diễn đàn "Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020” ngày 17.9, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam Trương Duy Nghĩa đặt vấn đề: Ngành năng lượng mỗi năm được đầu tư rất lớn từ 8 - 10 tỷ USD để phát triển công nghệ nhưng đến nay vẫn nhập khẩu công nghệ là chính chứ không xây dựng được ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng.

Công nghệ phần lớn phụ thuộc nước ngoài

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong giai đoạn qua, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của ngành còn thiếu và chưa đồng bộ, trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực chậm được nâng cao, kết quả nội địa hóa còn hạn chế...

Chia sẻ về những tấm pin trong điện mặt trời, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô cho biết, hiện nay những nước phát triển như Mỹ, Đức không còn sản xuất tấm pin mặt trời mà chuyển sang nước thứ ba là Trung Quốc. Trung Quốc rất nhanh nhạy trong việc cập nhật tiến bộ khoa học để sản xuất ra các tấm pin mặt trời có công suất rất cao và nước ta cũng chủ yếu nhập khẩu tấm pin từ Trung Quốc.

Ông Vinh cho rằng, Việt Nam cần tính tới kế hoạch làm chủ công nghệ sản xuất năng lượng để tránh phụ thuộc như hiện nay. Tuy vậy, việc này rất khó khăn vì phải xác định nếu tự sản xuất thì giá thiết bị của Việt Nam phải rẻ hơn hàng nhập khẩu. Đối với công nghệ điện gió, Phần Lan, Mỹ, Thụy Điển sản xuất tuabin gió hàng trăm năm nay, chúng ta nếu sản xuất được cũng khó cạnh tranh về giá và chất lượng.

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam Trương Duy Nghĩa nhìn nhận, ngành năng lượng mỗi năm đầu tư rất lớn từ 8 - 10 tỷ USD nhưng vẫn nhập khẩu công nghệ là chính chứ không xây dựng được ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng một chiến lược nội địa hóa các hạng mục của ngành năng lượng nhưng đến nay chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Toàn cảnh diễn đàn

Ảnh: An Thiện

Công nghệ tác động lớn nhất đến sản xuất năng lượng

Ông Tùng cho hay, về mặt công nghệ, năng lượng được xác định là một trong các lĩnh vực cần tập trung phát triển từ rất sớm, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng, Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như nhiều chính sách, chương trình khác. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn, làm chủ cũng như phát triển và nội địa hóa công nghệ/thiết bị trong lĩnh vực năng lượng, cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Công nghệ năng lượng sẽ tác động lớn nhất đến cách sản xuất năng lượng vào năm 2040, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia cấp cao của Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam cho biết. Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới do Hội đồng Năng lượng thế giới chủ trì, tiến hành dựa trên cuộc khảo sát tại 100 quốc gia.

Theo đó, công nghệ sẽ tác động lớn nhất đến cách sản xuất năng lượng vào năm 2040 trước tiên là các thiết bị lưu trữ năng lượng, bởi nó có thể xử lý các biến động khác nhau của nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khi có sự thay đổi lớn về nguồn cung và có khả năng làm hài hòa cung và cầu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các tấm pin mặt trời cải tiến sẽ có tác động lớn nhất đến việc sản xuất năng lượng. Với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, các tấm pin mặt trời ngày càng rẻ và hiệu quả hơn.

Nhấn mạnh Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam Trương Duy Nghĩa cho rằng, cần tiến hành khảo sát ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong ngành năng lượng ở các nước, từ đó đề xuất quy mô đầu tư, các hình thức đầu tư để trong tương lai Việt Nam hình thành được ngành công nghiệp chế tạo thiết bị trong ngành năng lượng tái tạo. “Công nghệ về năng lượng mặc dù có trình độ phức tạp nhưng lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng và đảm nhiệm được” ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn thì Chính phủ cần khuyến khích đầu tư xã hội hóa, doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực này sẽ tốt hơn.

An Thiện