Chính sách & cuộc sống

Cẩn trọng với dự án “khủng”!

- Thứ Năm, 05/05/2016, 08:17 - Chia sẻ
Đất nước đang phải gánh những “trái đắng” không đáng có từ những dự án “trên giời” do non tư duy, thiếu tầm chiến lược mà ký tá vội vàng! Nào Vinashin, Vinalines với khát vọng trở thành quốc gia đóng tàu biển, vận tải đường biển nổi danh, giờ đang là đống sắt phế liệu và núi nợ xấu ở các ngân hàng. Nào những nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhà máy gang thép Thái Nguyên Tisco “ném” cả “núi” bạc tiền gần chục nghìn tỷ đồng, giờ đang “phủ mền, đắp chiếu” kia. Nào cảng Cái Mép - Thị Vải đổ vào đó số vốn quá to, bạc tiền quá lớn, mà hiệu suất sử dụng chả đáng gì? Chưa kể bao nhiêu dự án lãng phí khác chả thể kể hết tên!

 Điều giống nhau ở các dự án này, đều được “vẽ ra” với ngôn từ vuốt ve câu chữ, kêu hơn cả “chuông khánh”! Thôi thì hiệu quả kinh tế tuyệt vời. Thôi thì sử dụng lao động lớn, giải quyết nhu cầu xã hội. Thôi thì tạo “bứt phá” mới để thế giới biết đến sự sáng tạo thông minh của người Việt Nam mình đâu có thua ai?

Còn dự án “thủy lộ và thủy điện” của doanh nghiệp (DN) Xuân Thiện - Xuân Thành mở tới 6 nhà máy thủy điện trên sông Hồng, mà Bộ KH - ĐT trình Chính phủ còn to phe hơn, còn kêu hơn cả chuông khánh nhiều! Thử hỏi ai không mừng với những tư duy sáng tạo, với những ý tưởng chinh phục, chế ngự thiên nhiên, để vươn tới sự giàu. DN giàu lên, cũng là đất nước tăng trưởng, quốc gia ngẩng cao đầu, bạn bè nể phục. Nhưng dư luận, các nhà khoa học, các chuyên gia có tầm nhìn xa, thì lại lộ ra đủ băn khoăn về cái dự án “chuông khánh” này. Dòng sông Hồng cha ông bao đời gọi là sông Cái, sông Mẹ, hàng năm đem phù sa tưới mát cho cả vùng đất lúa các tỉnh duyên hải sông Hồng, nuôi sống cả mấy chục triệu dân, giờ DN tính đến chặn dòng mở thủy điện ư? Có hay cả miền Trung du, Tây Bắc chúng ta đã có tới 3 nhà máy thủy điện lớn Hòa Bình, Sơn La, sắp tới là thủy điện Lai Châu khánh thành, thì đó là cả một trung tâm làm ra điện lớn nhất Đông Nam Á tới 6.500MW cung ứng cho đất nước 25 tỷ kWh. Vậy thì có cần thiết phải ngăn dòng sông Mẹ, sông Cái này để làm tới 6 tổ hợp thủy điện nữa không? Nhỡn tiền bao con sông nơi miền Trung, Tây Nguyên cũng vì xây dựng thủy điện nhỏ mà hạn cháy đất kia. Nhìn xem bao dòng sông đang bị các dự án thủy điện giết chết, khô cạn trơ đáy, đến nước sinh hoạt cho con người cũng phải mua, thì Bộ KH - ĐT nghĩ gì trước khi trình Chính phủ cái dự án “thủy lộ và thủy điện” trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện? Vốn đầu tư quá lớn tới 24.510 tỷ đồng mà vốn vay thương mại tới 70%, liệu các ngân hàng có dám mạnh tay mở két? Nghe dự án DN đề xuất đắp 6 đập mở 6 nhà máy thủy điện với công suất cỡ 228MW, cung ứng cả tỷ kWh cứ như múc nước sông Hồng dễ quá chăng? Lại nghe ông Phó Giám đốc Công ty Xuân Thiện Nguyễn Huy Hoàng khẳng định như “đóng đinh”: Dự án đã được các bộ, ngành liên quan đồng ý, chỉ chờ Thủ tướng ký duyệt!

Lại nghe những hiệu quả như “trái ngọt cầm tay” của dự án khi điện làm ra, DN sẽ bán với giá 1.900 đồng/kWh, mà giật mình cho sức hút mê mẩn của hai tiếng “lợi nhuận”: Giật mình vì 6 cái nhà máy thủy điện này Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói thẳng không nằm trong quy hoạch điện VII của Quốc gia mà Thủ tướng vừa thông qua, và cũng chưa có cả khảo sát địa chất thủy văn. Vậy thì căn cứ khoa học kiểu gì, bám vào quy hoạch tổng thể ở đâu để dự án nói là khả thi? Rồi giá điện DN tung ra con số 1.900 đồng/kWh thì dễ chừng DN Xuân Thiện định “chẹt cổ” DN và người dùng điện để thu lợi nhuận đầy túi sao?

Ấy là chưa kể khi chặn dòng sông Hồng thì chế ngự dòng chảy thế nào, cuộc sống của cả mấy chục triệu dân vùng duyên hải sông Hồng sẽ đi đâu, về đâu? Và còn rất nhiều hệ lụy khác nữa...

Tất cả phải cân nhắc kỹ càng và thận trọng trước một dự án động chạm đến cả một vùng rộng lớn duyên hải sông Hồng - nơi cả mấy chục triệu dân cư đang sinh sống. Chúng ta không thiếu điện đến nỗi phải mở thủy điện bằng mọi giá! Đã quá nhiều bài học về những dự án đầu tư nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, giờ Quốc gia đang gánh nặng nợ kia. Vậy nên càng phải tỉnh táo, thận trọng với dự án “thủy lộ và thủy điện” sông Hồng của DN Xuân Thiện - Xuân Thành này? Các ĐBQH cần giám sát chặt chẽ, có tiếng nói mạnh mẽ; các nhà khoa học, các chuyên gia cần mổ xẻ đến cùng lợi hại, được mất, để không ký tá vội vàng cho những dự án kêu hơn cả chuông khánh, bỏ bạc tiền lớn mà chưa biết hệ lụy đến đâu?

Thanh Quang