Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Cây mận trổ hoa

- Thứ Hai, 28/12/2015, 08:14 - Chia sẻ
Korin Ogata là họa sĩ thế kỷ XVIII nổi tiếng thế giới bởi những bức vẽ về mùa xuân và hoa trên nhiều chất liệu. Điển hình là cặp tác phẩm trên nền gỗ sơn Cây mận đỏ - trắng đã trở thành niềm tự hào của nước Nhật.

Trong không gian tĩnh lặng, những cây mận mọc lên hai bên bờ con suối được Korin Ogata cúp cảnh ấn tượng đến kinh ngạc. Cây mận trắng dường như chỉ được khắc họa một phần rất nhỏ của cành mận sà xuống dòng suối cắt 1/3 góc tranh theo hình tam giác. Cây mận đỏ lại là sự đối nghịch theo chiều ngược lại, thân cây xù xì tạo thành đường lượn khéo léo dọc theo bức tranh. Nếu ghép hai bức tranh lại, Korin Ogata dường như đã tạo nên một dòng suối hoàn chảy thành mạch giữa bức bình phong bốn tấm.


Cây mận đỏ - trắng (Red and White Plum Blossoms), cặp bình phong, bạc và vàng lá trên giấy của Ogata Korin, vẽ năm 1710, kích thước 156cm x 172,2cm/tranh, Bảo vật quốc gia Nhật Bản

Trong nghệ thuật phương Đông, khác hoàn toàn với nghệ thuật phương Tây, các họa sĩ thường mô tả cảnh vật không hoàn toàn theo con mắt họ nhìn thấy với khái niệm không gian thấu thị. Những hình ảnh được đặt trên tranh, không bao giờ mô tả cảnh thiên nhiên cụ thể, mà thiên nhiên đó như một dấu ấn về những nét đặc trưng khái quát của vật thể. Tất cả được thu gọn vào trong một khắc nhìn mà nghệ sĩ đã có thể bao quát hết cả hiện thực lẫn trừu tượng của cảnh vật. Do đó, dẫu hai cây mận, thoạt nhìn chỉ như bức tranh trang trí nền phẳng, nhưng rõ ràng ngắm càng lâu, càng sâu, thì không gian thanh bình càng hiện ra rõ nét. Korin đã vẽ ra tâm trạng của cả mùa xuân chứ không đơn thuần phô diễn kỹ thuật tạo hình điêu luyện.

Không chỉ vậy, cặp bức tranh này còn vẽ ra những biểu tượng đầy ẩn dụ của nghệ thuật phương Đông. Triết lý âm dương ngũ hành hiện ra trên bốn mặt của chiếc bình phong. Không phải bỗng nhiên Korin tạo hình hai cây mận theo hai chiều khác nhau với lối diễn đạt vừa tương đồng nhưng cũng hết sức khác biệt. Vẫn là những cành mảnh mai, nhưng rõ ràng cây mận trắng mang chất yểu điệu, trong khi cây mận đỏ lại là sự gân guốc. Chúng tượng trưng cho sự đối nghịch mà hòa đồng của âm - dương. Trắng - thuộc về âm - mềm mại, Đỏ - thuộc về dương - cứng cỏi. Còn dòng suối ở giữa, nếu tách hoặc ghép hai bức tranh lại đều có cảm giác như đó là một dòng chảy lượn dịu dàng như biểu tượng âm - dương ta thường gặp. Mảng phẳng của nền đất sáng rực như tạo đối trọng với màu sẫm họa sĩ tạo ra ở nền con suối. Đất là dương, suối là âm, những vân nước ngoằn nghèo lại là dương trong âm; cây mận đỏ hay trắng lại là biểu tượng của âm trong dương. Tất cả như hòa quyện với nhau tạo nên một mùa xuân an bình.

Có thể nói, nếu xét từng bức tranh đơn lẻ, sự phá cách trong bố cục và lối tạo ra những hình trang trí cũng là phong cách điển hình của Korin Ogata. Ông hầu như đã kế thừa và phát triển chúng từ họa phái Kano - trường phái nghệ thuật được ưa chuộng ở Nhật Bản thế kỷ XIV - XV. Nhưng điều khác biệt là, Korin đã tạo ra sự đơn giản đến kinh ngạc trong mô tả chi tiết. Ngoài ý nghĩa âm dương kể trên, thì nền vàng được tạo ra bởi hợp kim vàng lá dán trên giấy tưởng như phẳng lỳ, nhưng lại tạo nên khoảng rỗng đặc biệt. Trên đó, những nếp vân tự nhiên của chất liệu đã tạo nên cảm nhận khác, khiến cho những nhát bút cứng cỏi, chi li, xương khẳng của cành mận trở nên hoạt bát hơn. Những bông hoa dù trắng hay đỏ cũng được nổi bật hơn dẫu chỉ như những đốm nhỏ báo hiệu mùa xuân. Đường lượn của con suối cắt một góc của tác phẩm, vốn là điều tối kỵ trong bố cục, nhưng ở đây lại hoàn toàn khác, làm cho cây mận chỉ được mô tả một phần thân hay một phần cành trở nên hợp lý, cân đối.

Không gian được vẽ ra, dẫu không dựa trên nguyên tắc thấu thị nào, nhưng chiều sâu không gian lại nằm ở ranh giới của sự cảm nhận, trong sự thay đổi vị thế của những vật thể trong tranh. Do đó bức tranh đã khắc vào tâm khảm người thưởng ngoạn ấn tượng khó phai. Chính tác phẩm này cuối thế kỷ XIX, khi nghệ thuật Nhật Bản tạo nên cơn sốt trong hội họa châu Âu, đã tác động không nhỏ đến những tác phẩm đậm chất trang trí trong họa phái Art Nouveaux (Tân nghệ thuật), tạo ra những hình thức mới trong giao lưu Đông - Tây.

Trang Thanh Hiền