Trò chuyện đầu tuần:

Chấm dứt thời kỳ "hạ cánh an toàn"

- Thứ Hai, 06/07/2020, 06:18 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7, theo đánh giá của Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp PHẠM VĂN HÒA, sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ "hạ cánh an toàn". Chúng ta kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức kể cả khi cán bộ đó đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Bên cạnh đó, việc bỏ chế độ biên chế suốt đời là cú hích để đội ngũ viên chức phải không ngừng nỗ lực trong công việc.

 Giảm sức ì của viên chức

- Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới từ ngày 1.7.2020 sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

Ảnh: Hoàng Ngọc

- Quy định này được đưa ra nhằm mục đích giảm sức ì đối với viên chức, xóa bỏ tư tưởng đã vào Nhà nước là “ấm chân”, suốt đời không cố gắng, không nỗ lực để hoàn thành tốt công việc. Đồng thời tạo ra một cú hích để đội ngũ viên chức được tuyển dụng sau ngày 1.7.2020 có động lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo sự cạnh tranh giữa đội ngũ viên chức trong bộ máy hiện tại và đội ngũ viên chức sắp được tuyển dụng.

Việc bỏ viên chức suốt đời còn tạo cơ chế linh hoạt cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, đơn vị nào có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt hơn sẽ thu hút nhiều người tài năng hơn. Ngược lại viên chức cũng phải cố gắng để đáp ứng yêu cầu công việc.

- Thưa ông, quy định này cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực sự công tâm, khách quan trong tuyển dụng, đánh giá viên chức?

- Người nào không hoàn thành nhiệm vụ hay làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì chính đơn vị sự nghiệp có cơ chế đào thải và thu hút người tài thay thế. Tất nhiên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi ký hợp đồng với người lao động phải rèn luyện, uốn nắn, giáo dục họ làm việc thật tốt. Người đứng đầu không được quyền khi viên chức phản ánh, góp ý mà ghét bỏ, cho rằng cá nhân đó không tốt và không ký tiếp hợp đồng. Phải giữ tâm trong sáng, đánh giá đúng, trúng viên chức ở các mức độ hoàn thành nhiệm vụ khác nhau để xác định ký tiếp hay không ký tiếp hợp đồng. Không bao che, bênh vực người làm sai, không trù dập, ghét bỏ người ngay thẳng. Và cơ quan Thanh tra Nhà nước phải làm sao để xử lý trách nhiệm giữa người đứng đầu đơn vị và viên chức một cách hài hòa, thống nhất ý chí hành động, vì mục đích phục vụ, cống hiến, làm cho đơn vị ngày càng vững mạnh.

- Cũng có ý kiến lo ngại, bỏ biên chế suốt đời sẽ làm giảm sức hút của các đơn vị sự nghiệp công lập?

- Viên chức được tuyển theo vị trí việc làm làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng xác định thời hạn (luật quy định phải ký hợp đồng với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng). Tùy theo vị trí việc làm mà xác định bảng lương như quy định của luật. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải bố trí đúng ngành nghề để phát huy sở trường của viên chức. Cứ làm việc, phấn đấu tốt thì người viên chức chắc chắn được ký tiếp hợp đồng, trừ phi không hoàn thành nhiệm vụ, bị kiểm điểm nhiều lần, hoặc làm không ra trò trống gì mới đáng lo ngại. Sự đổi mới này giúp viên chức tận tụy với công việc, nghề nghiệp hơn. Từ đó, Nhà nước, xã hội cũng sẽ ứng xử với những cống hiến của họ cho phù hợp.

Làm sai phải chịu trách nhiệm đến nơi, đến chốn

- Thưa ông, điểm đáng lưu ý nữa của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là quy định xử lý mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Với quy định này, chúng ta đã gỡ được nút thắt rất lớn trong câu chuyện xử lý cán bộ sai phạm khi họ đã về hưu trong giai đoạn vừa qua, thưa ông?

- Với quy định này, chúng ta đặt dấu chấm hết cho thời kỳ "hạ cánh an toàn". Nếu sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì cán bộ, công chức vẫn phải chịu một trong những hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bởi rất nhiều trường hợp, trong thời gian công tác, cán bộ, công chức chưa bị phát hiện và xử lý vi phạm. Đến khi nghỉ hưu mới phát hiện mà chưa có quy định thì rất khó xử lý. Trước đó, chúng ta quy định thời hiệu xử lý về mặt chính quyền đối với cán bộ, công chức chỉ có hai năm, hết hai năm là không còn thời hiệu xử lý kỷ luật. Quy định xử lý về mặt chính quyền lần này kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật như các quy định về mặt đảng.

- Có ý kiến cho rằng, quy định này tác động chủ yếu là về mặt tinh thần, danh dự, nên có thể hiệu quả sẽ không được như kỳ vọng. Ông có nghĩ như vậy?

- Cán bộ, công chức là "đầy tớ" của nhân dân, làm gì cũng phải vì dân, vì nước và có trách nhiệm với chính những việc mình làm. Tôi cho rằng, tác dụng lớn nhất của quy định kể trên chính là nhằm phòng ngừa, răn đe những người có chức, có quyền trong thời gian đương chức phải giữ gìn phẩm giá, phải nỗ lực hết sức để hoàn thành chức trách của mình. Đồng thời, cũng sẽ ngăn chặn tình trạng, không phải cứ đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” lại thích làm gì thì làm, bởi nếu làm sai anh phải chịu trách nhiệm đến nơi, đến chốn.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Thảo