Kiểm soát khí thải xe máy

Chậm vì thiếu quy định cụ thể

- Thứ Ba, 15/09/2020, 05:54 - Chia sẻ
Theo TS. HOÀNG DƯƠNG TÙNG, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, việc Hà Nội xem xét thực hiện chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố” là rất đáng hoan nghênh. Ông cũng tỏ ra tiếc nuối, bởi lẽ “việc này đáng ra phải làm sớm hơn” nhưng do chưa có quy định cụ thể nên đến nay mới chỉ thí điểm.

Phải làm rõ mục tiêu của chương trình

- Quan điểm của ông thế nào về việc Hà Nội đang xem xét để thực hiện thí điểm việc đo khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ?

- Phải khẳng định đây là chương trình rất đáng hoan nghênh. Bởi lẽ, dù Quyết định 16/2015/QĐ - TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ yêu cầu đến ngày 1.1.2018 phải thu hồi, xử lý xe mô tô, xe gắn máy hết hạn sử dụng, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được vì thiếu quy định về niên hạn sử dụng xe máy cũng như kiểm soát khí thải, nguồn thải… 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để thực hiện chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”, đơn vị sẽ lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông. Nếu xe không bảo đảm điều kiện sẽ được Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam hỗ trợ kinh phí đổi xe mới từ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp. Dự kiến, chương trình sẽ triển khai từ tháng 9 đến tháng 12.2020.

Hà Nội hiện còn khoảng 2,5 triệu xe máy (trên tổng số gần 6 triệu chiếc) đăng ký trước năm 2000 và rất nhiều xe trong số đó không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải. Qua nghiên cứu cho thấy, phát thải từ hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 - nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong ô nhiễm môi trường (theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới - WHO).

- Dư luận cho rằng kinh phí hỗ trợ đổi xe cũ quá ít, chỉ từ 2 - 4 triệu đồng, ông nghĩ sao?

- Thực tế, xe máy quá cũ thường do những người lao động nghèo sử dụng, nên hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng để họ mua xe mới giá 15 - 20 triệu đồng là vấn đề không đơn giản.

Tuy vậy, ở đây cần tách bạch 2 vấn đề thí điểm kiểm soát khí thải và thu đổi xe cũ. Được biết, nguồn kinh phí hỗ trợ này là từ phía Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). Theo tôi, mức hỗ trợ như thế nào là việc của doanh nghiệp và chúng ta nên tách bạch với mục tiêu của chương trình này. Đáng tiếc, Hà Nội lại chưa tách bạch khiến dư luận hồ nghi, cho rằng doanh nghiệp đang lợi dụng cơ quan nhà nước để kích cầu mà quên mất mục tiêu của chương trình.

- Vậy mục tiêu của chương trình này cần được nhìn nhận thế nào?

- Mục tiêu của chương trình này nên được xác định rõ là thí điểm kiểm soát khí thải xe máy để góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, trên cơ sở đó chính quyền thành phố sẽ sơ kết, tổng kết, đánh giá mặt được, chưa được, cần làm gì tiếp theo… Góc độ quản lý nhà nước chỉ nên xét đến mục tiêu này chứ không phải là mục tiêu đổi xe cũ khiến dư luận hồ nghi, thậm chí phản ứng.

Sớm có quy định cụ thể về niên hạn xe để bắt buộc dừng lưu thông với xe phát thải lớn gây ô nhiễm.
Nguồn ITN

Bộ Giao thông - Vận tải quá chậm

- Ông nhiều lần lên tiếng rằng phải kiểm soát khí thải xe máy để hạn chế ô nhiễm nhưng đến nay Hà Nội mới thực hiện thí điểm sau rất nhiều đợt ô nhiễm không khí, thậm chí còn bị xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2019 (theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí Airvisual). Rõ ràng, chúng ta đang làm quá chậm?

- Quyết định 16/2015/QĐ - TTg quy định thu hồi mô tô, xe máy quá cũ để xử lý song lại không làm rõ thế nào là xe máy quá cũ, không được phép lưu hành. Đáng ra, Bộ Giao thông - Vận tải phải chủ động đưa ra quy định này từ sớm hơn, trong đó có căn cứ về phát thải. Hiện vẫn chưa có là quá chậm, chưa kể lại phải chờ đến hiệp hội doanh nghiệp đứng ra làm chứ không phải là Bộ. Do đó, phía Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP Hà Nội cần vào cuộc cùng với VAMM thực hiện chương trình thí điểm này, sau đó cùng sơ kết, đánh giá, đề ra lộ trình thực hiện đại trà.

- Đại diện VAMM cho biết, đơn vị này sẽ hỗ trợ Hà Nội lắp đặt 8 trạm đo khí thải mô tô, xe máy. Việc đo này chỉ có ý nghĩa giúp nhận biết mức độ phát thải của từng phương tiện chứ không kết luận xe nào được lưu hành, xe nào phải thu hồi, đồng nghĩa rất có thể xe phát thải lớn vẫn tiếp tục được lưu hành. Liệu không khí Hà Nội có thực sự được cải thiện sau chương trình này?

- Chắc chắn có cải thiện, bởi kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là việc làm bình thường ở nhiều nước nhưng ở ta không hiểu sao mãi vẫn chưa làm. Bây giờ dù quá muộn song nếu tiếp tục để muộn thêm sẽ càng khó giải quyết.

Thực tế, Hà Nội cũng đã tính đến việc giảm phương tiện cá nhân để giảm phát thải. Do vậy, để kiểm soát khí thải xe máy, mô tô, sau đợt thí điểm này đòi hỏi chính quyền thành phố cần tính đến phương án, lộ trình triển khai trong các năm tới, như làm thế nào để việc kiểm soát này thuận tiện cho người dân, có giá thành phù hợp, cần hỗ trợ của Nhà nước ra sao? Việc dán nhãn thế nào để phân biệt xe đã kiểm tra và xe chưa kiểm tra, có tiêu chí cụ thể cho phép xe được đi vào các tuyến phố là gì?...

Đặc biệt, phải sớm đưa ra quy định đối với niên hạn xe. Xe quá niên hạn buộc phải dừng lưu hành, thu hồi. Muốn vậy, Bộ Giao thông - Vận tải phải làm sớm việc này để có cơ sở thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng có quá ít?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết hiện chưa có nhà sản xuất xe máy nào tiếp nhận xe thải bỏ. Trong khi đó, có rất nhiều xe đã quá cũ, phát thải lớn tiếp tục lưu hành, gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, Hiệp hội đề xuất chương trình thí điểm kiểm soát khí thải này tại TP Hồ Chí Minh và tới đây là Hà Nội trên cơ sở tự nguyện của người dân, do đó “có thể không phù hợp với mọi đối tượng”. Theo đó, nếu người dân thấy cần đổi xe mới, VAMM sẽ hỗ trợ kinh phí. “Mục đích không phải để thu càng nhiều xe càng tốt mà nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng, tuyên truyền cho người dân để họ hiểu sản phẩm nào nên được thu hồi và tái chế. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến tất cả đều khó khăn, chúng tôi đưa ra mức hỗ trợ này hoàn toàn vì trách nhiệm xã hội, không có động cơ gì khác”, vị này nói.

Đan Thanh thực hiện