Chân thành và thực chất

- Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:19 - Chia sẻ
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa, tối 10.7, tại Nhà hát Dân tộc, Thủ đô Bắc Kinh đã diễn ra một sự kiện đặc biệt. Lần đầu tiên, người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam và Trung Quốc cùng tham dự chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu hữu nghị”, cùng tham quan triển lãm Không gian văn hóa và giới thiệu một số tác phẩm văn học đặc sắc của Việt Nam... Đây chỉ là một trong những biểu hiện sinh động, thể hiện tình cảm hữu nghị, chân thành và trọng thị mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc dành cho Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta. Không chỉ tăng cường tình cảm hữu nghị, chuyến thăm đã đạt được những kết quả tốt đẹp, thực chất, hướng đến một tương lai phát triển ổn định, bền vững của cả hai quốc gia.

Không quên nguyện ước ban đầu

Lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đánh giá cao và rất mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam. Đó là thông điệp được các nhà Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc nhắc đi nhắc lại trong các cuộc hội kiến, hội đàm với Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Bởi lẽ, đây không chỉ là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam kể từ năm 2015 mà còn là chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước ta kể từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Khu Công nghệ cao Trung Quan Thôn
Ảnh: Trọng Đức

Trong lịch sử 70 năm thành lập CHND Trung Hoa thì có đến 69 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hai quốc gia không chỉ “núi liền núi, sông liền sông” hay như Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc tiếp Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại lễ đường Nhân dân là “láng giềng vĩnh viễn” mà còn chia sẻ với nhau rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, thể chế chính trị, mô hình xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội... Vì thế, dù còn có điểm bất đồng, song Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhân đại toàn quốc Lật Chiến Thư, Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương đều khẳng định, Trung Quốc và Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu. Trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam cần hợp tác trên tinh thần xây dựng, không quên nguyện ước ban đầu khi thiết lập quan hệ ngoại giao gần 70 năm trước; tiếp tục phát huy mạnh mẽ các điểm đồng và ra sức kiềm chế, kiểm soát những vấn đề còn bất đồng. Làm được như vậy sẽ giảm bớt những va chạm vì đại cục của hai nước.

Còn Chủ tịch Nhân đại toàn quốc Lật Chiến Thư nêu rõ, hai nước cần tăng cường hợp tác nhằm mục tiêu mang lại đời sống hạnh phúc cho nhân dân, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; tiếp tục phát huy những cơ chế hợp tác hiện có và làm phong phú nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam.

Điều này cũng tương đồng với quan điểm, chủ trương nhất quán của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về củng cố và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đi vào thực chất, thiết thực và có hiệu quả vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định với các nhà Lãnh đạo Trung Quốc: Việt Nam sẵn sàng cùng với Trung Quốc chỉ đạo các cấp, các ngành hai bên tích cực mở rộng và nâng cao hiệu quả cùng hợp tác có lợi trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định và bền vững.

Sẽ có những dự án kiểu mẫu trong hợp tác kinh tế

Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở và chân thành, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các nhà lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã thống nhất tiếp tục tuân thủ và thực hiện nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước trên các lĩnh vực.

Với những vấn đề được xem là nhạy cảm trong quan hệ hai nước, hai Bên cũng đạt được sự đồng thuận và cam kết tích cực. Trong đó, với vấn đề trên biển là thực hiện nghiêm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm giữ ổn định trên biển, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực. Với vấn đề biên giới trên bộ là, tăng cường chỉ đạo, ủng hộ các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các cơ quan và địa phương vùng biên giới hai nước; nghiên cứu các biện pháp phù hợp để quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động thời vụ tại khu vực biên giới; tích cực hỗ trợ, khuyến khích các địa phương, nhất là các địa phương biên giới phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác hiện có, tăng cường giao lưu, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Với lĩnh vực kinh tế - thương mại song phương là, đẩy mạnh thực hiện Bản ghi nhớ về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, xây dựng tốt kế hoạch, xác định các lĩnh vực ưu tiên và khởi động đàm phán giữa hai Chính phủ về kế hoạch 5 năm phát triển hạ tầng, xây dựng khu vực kinh tế biên giới, tăng cường đầu tư, liên thông mậu dịch giao thương trên tinh thần cầu thị, linh hoạt. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ nhất trí cao với đề xuất của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân về việc hai Bên cần tích cực áp dụng các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm cân bằng lợi ích, cùng có lợi và cam kết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để giải quyết vấn đề xuất siêu giữa hai nước. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng nêu rõ mong muốn, tới đây sẽ có một số dự án kiểu mẫu trong hợp tác kinh tế hai nước.

Không chỉ dừng lại ở cam kết, mong muốn của các nhà Lãnh đạo cấp cao mà nhiều Tập đoàn kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc cũng đã bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam trên cơ sở cam kết về chất lượng, tiến độ, trình độ công nghệ hiện đại không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới và nhất là yêu cầu bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững mà Việt Nam đang đặt ra cho các nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng tôi sẽ xây dựng lại hình ảnh các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam”, ông Nghiêm Giới Hòa - nhà sáng lập Tập đoàn Thái Bình Dương, một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thế giới về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xếp thứ 96/500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu - đã chân thành chia sẻ với các thành viên Đoàn đại biểu QH Việt Nam như vậy. Bởi ông hiểu rằng, trên thực tế đã có những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhưng không bảo đảm chất lượng, tiến độ, làm đội vốn dự án khiến người dân Việt Nam không có thiện cảm.

Chưa đầy nửa năm nữa, Việt Nam - Trung Quốc sẽ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nguyện ước ban đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông khi đặt nền móng cho tình hữu nghị, đoàn kết, vừa là “đồng chí vừa là anh em” và sau này được các thế hệ lãnh đạo cách mạng hai nước dày công xây dựng, vun đắp cũng chính là để Việt Nam, Trung Quốc cùng nhau phát triển, cùng nhau đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Tình đoàn kết hữu nghị đó chính là tài sản vô cùng quý báu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước phải cùng nhau trân trọng, gìn giữ và phát triển vì đại cục của mỗi nước nhưng cũng là vì đại cục hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. 

Ghi chép của Phạm Thúy