Thực thi EVFTA:

Chấp nhận luật chơi mới để vươn lên trong chuỗi giá trị

- Thứ Sáu, 07/08/2020, 08:08 - Chia sẻ
“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi EVFTA sáng 6.8 tại Hà Nội.

Thích ứng với luật chơi của EU

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, EVFTA có hiệu lực hứa hẹn mang lại những dự báo lạc quan về tăng trưởng xuất khẩu. Tuy vậy, cần đặt vấn đề là chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính tốt đẹp đó, nhất là để nâng mình lên trong quan hệ hợp tác với các đối tác EU - khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới.

“EU là thị trường yêu cầu cao, khắt khe về chất lượng hàng hóa, dịch vụ nên không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng. Do đó, EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn của EU đang có dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, với 13 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về cách làm, trong đó có cả các vấp váp, thua thiệt để tự đứng lên tiếp tục tiến bước. Một trong những hạn chế lớn nhất, theo Thủ tướng, là nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế và việc tận dụng cơ hội cũng khiêm tốn. Nhiều cơ quan còn chậm xây dựng văn bản pháp luật liên quan; hướng dẫn thực thi còn thiếu thống nhất gây khó cho doanh nghiệp; còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở nguồn nhân lực, chất lượng quy mô sản xuất còn nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, việc thực hiện EVFTA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Bởi lẽ, thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của nước ta còn hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả năng hấp thụ công nghệ hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cùng với những cam kết về việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam. Điều này đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, vấn đề trước mắt với doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi EVFTA chưa phải là doanh số xuất khẩu mà là thích ứng với các luật chơi của EU bởi đây chính là định hướng cho nhiều khu vực thị trường khác. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tránh tâm lý “thấy gì hay của thị trường cũng lao vào bất chấp sở trường, sở đoản của mình” trong khi làm ăn với các đối tác EU.

Các đại biểu quốc tế tham dự hội nghị

Ảnh: Lâm Hiển 

Doanh nghiệp phải hợp tác, liên kết 

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, để cụ thể hóa thông điệp phát triển bền vững như tinh thần của EVFTA, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và chuyên môn hóa về nội dung, hướng tới từng đối tượng. Đặc biệt cần xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia có kiến thức sâu về các hiệp định thương mại tự do và EVFTA.

Đồng thời, để giúp doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội EVFTA mang lại, cần tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. “Chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ cả ở cấp Trung ương và địa phương, đó là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy, những chính sách được ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống và giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh được tốt hơn”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng Chương trình hành động thực thi EVFTA, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định cho các cơ quan quản lý ở địa phương, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định. Bộ sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng để các luật này được thi hành đầy đủ từ ngày 1.1.2021.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công của việc thi hành EVFTA.  

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”. Bộ Công thương là cơ quan đầu mối, là “nhạc trưởng” điều phối các nỗ lực thực thi EVFTA, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai hiệu quả các cam kết Hiệp định. Từ đó tạo niềm tin của các nước EU đối với Việt Nam.

Thủ tướng lưu ý cần hình thành các quy hoạch phát triển gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng; khắc phục tình trạng dịch vụ logistics vốn đang có chi phí cao hiện nay so với các nước. Cần đặc biệt chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước trong hội nhập quốc tế, ví dụ cần cán bộ giỏi về luật pháp quốc tế, có thể tranh tụng quốc tế khi cần thiết. Không chỉ công nhân lành nghề mà kể cả cán bộ quản lý cao cấp cũng cần được đào tạo.

Nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế để tham gia EVFTA hiệu quả, Thủ tướng nêu rõ, cần nội luật hóa cam kết, hướng dẫn thực thi Hiệp định, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng Chính phủ điện tử, giúp doanh nghiệp giảm chi phí … "Các doanh nghiệp và đặc biệt là các hiệp hội - chủ thể góp phần quyết định tạo nên thành công của hội nhập và thực thi EVFTA - phải hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của nhau và liên kết chuỗi. Nếu riêng rẽ từng doanh nghiệp thì khó có đủ sức mạnh cạnh tranh, không tận dụng được hiệu quả cơ hội EVFTA mang lại", Thủ tướng nói.

Minh Hương