Chính sách của một số nước về đưa lao động ra nước ngoài làm việc

Chặt chẽ để phát huy hiệu quả

- Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:47 - Chia sẻ
Gửi người lao động đi làm việc tại nước ngoài là một trong những chủ trương được nhiều nước đang phát triển, thu nhập thấp và trung bình đặc biệt quan tâm. Bởi trong bối cảnh khả năng tạo việc làm trong nước còn hạn chế, tình trạng thất nghiệp cao, thu nhập của người lao động thấp trong khi nguồn nhân lực lại dồi dào, đây là biện pháp thu hút nguồn kiều hối quý giá hữu hiệu. Rất nhiều các quy định pháp luật liên quan đã được quan tâm xây dựng để các chính sách về lĩnh vực trên này được hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

Tầm quan trọng của kiều hối

Kiều hối đóng vai trò khá quan trọng đối với nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Nguồn tài chính này góp phần bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của một bộ phận người dân nhận kiều hối, đồng thời thúc đẩy đầu tư phát triển đất nước.

Mỗi năm, hàng tỷ USD được người lao động di cư gửi về quê hương. Đối với nhiều quốc gia, đây là nguồn tiền chiếm một phần khá lớn trong GDP. Thậm chí, ở một số quốc gia thu nhập thấp và trung bình, tiền từ kiều hối còn vượt quá viện trợ nước ngoài và lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2019, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 554 tỷ USD, trong đó dòng kiều hối chảy vào khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tăng 2,6% lên mức 147 tỷ USD. Năm 2020, dòng kiều hối thế giới dự kiến giảm mạnh do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng dự đoán có thể hồi phục vào năm 2021 dù chưa chắc chắn. Dẫu vậy, đây vẫn là nguồn tài chính quốc tế quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh FDI nhiều khả năng còn giảm sâu.


Nguồn : BusinessWorld

Hệ thống quy định chat chẽ

Vì muốn thu hút được nguồn kiều hối quý giá, nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển đã chủ động xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ về lĩnh vực đưa người lao động sang nước ngoài làm việc. Đó là các quy định bao trùm nhiều khía cạnh từ cấp phép, đến vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo hộ công dân đến các yêu cầu đối với ngành nghề đặc thù…

Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ở Philippines, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải là doanh nghiêp được thành lập tại Philippines và có ít nhất 75% vốn thuộc sở hữu của công dân Philippines. Bên cạnh đó, họ phải có một số vốn nhất định cũng như phải bảo đảm có một lượng tiền mặt trong tài khoản ngân hàng và trái phiếu bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Lao động quy định để duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hơn nữa thời hạn của giấy phép cũng khá đặc biệt, đối với các doanh nghiệp bắt đầu tham gia hoạt động này, thời hạn của giấy phép là 1 năm (gọi là giấy phép tập sự hoặc thử thách). Sau thời gian này, nếu doanh nghiệp hoạt động không vi phạm các quy định của pháp luật và đưa được trên 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ được gia hạn thêm 3 năm nữa, nâng tổng thời hạn cấp phép là 4 năm. Các lần gia hạn tiếp theo, thời hạn của giấy phép là 4 năm. Trong khi đó, thời hạn này ở Thái Lan là 2 năm (làm thủ tục gia hạn 30 ngày trước khi hết hạn), Lào là 2 năm, Trung Quốc là 3 năm (làm thủ tục gia hạn 90 ngày trước khi hết hạn), Sri Lanka là 1 năm…

Vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được nhiều nước chú trọng để bảo vệ tốt nhất cho người lao động. Nói chung, luật pháp về di cư lao động quốc tế của các nước gửi đi đều có chung nguyên tắc sau: Vai trò của Nhà nước với tư cách là người tổ chức và giám sát thực hiện chính sách di cư lao động quốc tế; Di cư lao động quốc tế là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền lợi và tính mạng và nhân phẩm của công dân, do đó phải đặt dưới sự quản lý, giám sát đặc biệt của Nhà nước; Nhà nước phải tổ chức bộ máy với nguồn lực cần thiết đủ sức can thiệp, trợ giúp trực tiếp đến từng người lao động ở nước ngoài trong trường hợp khẩn cấp; Các nguồn lực tài chính của Nhà nước hỗ trợ xúc tiến công tác di cư lao động quốc tế ở các nước được đưa đến tận tay người thụ hưởng là người lao động chứ không thông qua các tổ chức dịch vụ, môi giới…

Philippines có chương trình quốc gia về người lao động làm việc ở nước ngoài. Chính phủ thành lập hội đồng tư vấn liên ngành, chịu sự giám sát và phải báo cáo thường kỳ Quốc hội. Bộ Lao động và Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm thực thi luật. Nước này tổ chức bộ máy quản lý lao động và trợ giúp người lao động Philippines tại các cơ quan đại diện ở nước ngoài tại những nơi có đông lao động, đồng thời bố trí biên chế Tùy viên lao động làm nhiệm vụ nghiên cứu và xúc tiến thị trường lao động. 

 Ở Thái Lan, công tác quản lý nhà nước giao cho Văn phòng quản lý việc làm ngoài nước thuộc Tổng cục Lao động, Bộ Nội vụ Thái Lan. Văn phòng này chuyên trách việc cấp phép, giám sát hoạt động của các tổ chức tuyển dụng lao động tư nhân, xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện làm việc cũng như tổ chức bảo vệ người lao động ở nước ngoài. Hiện nay Thái Lan có khoảng 200 công ty tư nhân hoạt động dịch vụ môi giới và 3 ngân hàng chuyên trách cho người lao động vay vốn với lãi suất thấp để đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài do các Sở Lao động địa phương Thái Lan thực hiện. Chính phủ hỗ trợ cho các trung tâm, kể cả của tư nhân tham gia đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong khi đó ở Indonesia, Luật số 39/2004 về Tuyển dụng và Bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài  có nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước như: Quy định tại Điều 5 về sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương trong việc quản lý và giám sát việc tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài hay việc ký hợp đồng giữa doanh nghiệp và người lao động ở Điều 55. Indonesia cũng quy định việc hồi hương người lao động ở nước ngoài trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như chiến tranh. Điều này đề cập đến trách nhiệm phối hợp của Đại sứ quán Indonesia tại nước ngoài và các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ trong việc hợp tác giải quyết vấn đề tại Điều 73. 

Còn ở Trung Quốc, Bộ Lao động chịu trách nhiệm tổ chức quản lý nhà nước, Bộ Công An tham gia giám sát và xử lý vi phạm.

Đối với vấn đề bảo hộ công dân ở nước ngoài, nói chung các nước nêu cao trách nhiệm của Đại sứ quán và tùy viên lao động trong việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Một số nước có đề cập đến số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tối thiểu để có căn cứ lập văn phòng đại diện giải quyết các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật nhiều nước cũng có những quy định đối với một số ngành nghề đặc thù như nghề thuyền viên đi biển hay giúp việc. Đối với nghề giúp việc gia đình, Philippines, nơi có số lao động làm nghề này ở nước ngoài này nhiều nhất thế giới, Chính phủ đã đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể như người lao động phải tối thiểu 23 tuổi, được nhận lương tối thiểu là 400 USD, được bảo đảm các điều kiện việc làm cơ bản, giờ nghỉ trong ngày, ngày nghỉ trong tuần… Họ phải có chứng chỉ năng lực do Cơ quan Nghề quốc gia cấp và phải tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết bắt buộc trước khi ra nước ngoài làm việc...

Còn về nghề đặc thù khác là thuyền viên đi biển, từ năm 2008, Philippines quy định, trong trường hợp chiến tranh hoặc các rủi ro khách quan khiến thuyền viên buộc phải hồi hương về nước sẽ được Quỹ Rủi ro chiến tranh chi trả chi phí hồi hương và hỗ trợ...

Thái Anh