Chính sách và cuộc sống

Chất lượng công chức “sạch” từ đầu vào

- Thứ Hai, 17/06/2019, 07:50 - Chia sẻ
Để có một đội ngũ cán bộ công chức chất lượng thì ngay từ “đầu vào” tuyển dụng đã phải bảo đảm chất lượng. Với logic như vậy, việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (dự luật - PV) đưa ra quy định tại Khoản 2, Điều 39 về kiểm định chất lượng đầu vào công chức trước khi các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, tuyển dụng công chức được kỳ vọng sẽ tạo ra một chuẩn mực chung đối với chất lượng đầu vào của cán bộ, công chức. Nhưng điểm tiến bộ này cũng gần như ngay lập tức gây băn khoăn bởi đến thời điểm trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, nội dung này trong hồ sơ dự luật vẫn rất mờ nhạt, thậm chí mơ hồ.

Ai, cơ quan nào có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào của công chức? Khả năng, điều kiện, cách thức kiểm định như thế nào? Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đầu vào của cán bộ, công chức ra sao?... Trong khi đó, cán bộ, công chức ở mỗi lĩnh vực lại đòi hỏi những tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất khác nhau. Công chức làm việc tại cơ quan hành chính khác với công chức làm việc tại các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cơ quan lập pháp, khác với cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan tư pháp. Công chức ở cơ quan trung ương đòi hỏi năng lực, trình độ, kỹ năng khác với công chức của cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện… Nếu giao cho một cơ quan kiểm định chất lượng đầu vào của cán bộ, công chức nói chung thì liệu có bảo đảm yêu cầu không? Hay cuối cùng lại sinh ra bộ máy, lại thành lập một trung tâm, một trường đào tạo để thi, lại xây trụ sở, tuyển dụng con người, “đẻ” ra những “giấy phép con”? Những câu hỏi cơ bản như vậy đều chưa được làm rõ dù 3 tháng trước khi kỳ họp của QH diễn ra, báo cáo thẩm định dự luật của Bộ Tư pháp đã yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo phải thuyết minh, giải trình; tiếp đó, trong Báo cáo thẩm tra chính thức, Ủy ban Pháp luật cũng yêu cầu phải đánh giá tác động và phân tích rõ khả năng áp dụng của quy định này, bởi đây là một chính sách mới.

Sự mơ hồ của quy định này, như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đã chỉ ra là, những văn bản dưới luật lại quy định theo kiểu “quyền anh, quyền tôi” trong ngành thì không khéo sẽ lợi dụng chính sách, lạm dụng quyền lực, dẫn đến không kiểm soát được. Đầu vào của cán bộ, công chức toàn quốc nếu làm tốt sẽ là nền tảng “sạch” để có một đội ngũ cán bộ, công chức tốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, nhưng nếu do sự thao túng của ai đó được giao thẩm quyền thì bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức “sẽ có vấn đề” và khi đó, hệ lụy là khôn lường.

Kiểm định chất lượng đầu vào của cán bộ, công chức thực ra không phải câu chuyện mới, mà đã được áp dụng ở nhiều nước. Nhật Bản là một trong những quốc gia đã thực hiện rất tốt điều này. Một kỳ thi tuyển công chức quốc gia được tổ chức bởi Cơ quan Nhân sự quốc gia, trong đó, thí sinh phải làm một bài thi trắc nghiệm, một bài thi luận và một cuộc phỏng vấn. Nếu thí sinh nào qua được cả 3 bài thi này thì Cơ quan Nhân sự quốc gia sẽ gửi danh sách đến các bộ, ngành cần tuyển cán bộ, công chức để thí sinh tham gia phỏng vấn. Các bài thi nhấn mạnh vào việc kiểm tra, đánh giá năng lực ứng dụng, khả năng tư duy logic thay cho kiểm tra kiến thức; quan tâm kiểm tra nhân cách, thái độ công tác; kiểm tra năng lực lập kế hoạch và năng lực trình bày của ứng viên qua phần thảo luận chính sách để kiểm chứng. Riêng với ngạch công chức lãnh đạo, quản lý, thì ứng viên sẽ phải trải qua một quá trình sàng lọc và cạnh tranh gay gắt. Việc lựa chọn này được quy định cụ thể theo các tiêu chuẩn của Cơ quan nhân sự quốc gia.

Như vậy, tham khảo kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công vấn đề này để thiết kế các điều khoản cụ thể hơn, chắc chắn cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật sẽ thuyết phục được các nhà lập pháp luật hóa quy định về kiểm định chất lượng đầu vào của cán bộ, công chức toàn quốc. Trong đó, điều quan trọng nhất vẫn là công khai, minh bạch về thẩm quyền, cách thức và nội dung kiểm định để không ai có thể can thiệp, “gửi gắm” con anh, con em hay thậm chí thao túng công tác đánh giá, kiểm định để tư lợi. “Sạch” từ “đầu vào” sẽ giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức “tinh” về năng lực và “sạch” về phẩm chất đạo đức.

Lam Anh