Cháy rừng - có khói và không khói

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 08:28 - Chia sẻ
Cháy rừng về cơ bản được coi là thảm họa tự nhiên. Nhưng tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam thì chẳng cần có đám cháy nào mà rừng vẫn cứ mất đi.

Cháy có khói

Thiệt hại trong các đám cháy rừng thường khó ước đoán. Thêm vào đó, cháy rừng còn gây tổn thất đến chi phí, công sức của người dân địa phương đã bỏ ra trong quá trình thực hiện phòng ngừa cháy rừng qua nhiều năm. Đây là điều đáng tiếc hơn cả.

Đối với môi trường, cháy rừng có những ảnh hưởng nghiêm trọng. Các đám cháy giải phóng khí nhà kính (GHG), chúng đóng góp đáng kể vào sự biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu dẫn đến các khu rừng bị khô hơn và suy thoái - đây là hai nguyên nhân làm tăng tính dễ bị tổn thương của chúng đối với lửa. Chính vì vậy, số lượng và quy mô của các đám cháy sẽ có xu hướng tăng lên và tạo thành một vòng lặp với sự nóng lên toàn cầu. Các đám cháy rừng hàng năm trên thế giới giải phóng từ 1,7 cho đến 4,1 tỷ tấn carbon dioxide vào khí quyển. Ngoài ra, khoảng 39 triệu tấn metan (CH4) cũng như 20,7 triệu tấn oxit nito (NOx) và 3,5 triệu tấn sulfur dioxide (SO2).

Nhiều người sẽ bất ngờ khi 15% lượng khí nhà kính GHG toàn cầu được tạo ra từ những vụ cháy rừng. Cháy rừng gây ra 32% lượng khí carbon monoxide toàn cầu, 10% khí thải metan và 86% lượng khí thải bồ hóng độc hại. Rõ ràng biến đổi khí hậu nhanh chóng trong khoảng một thập niên qua đã làm tăng số ngày nắng nóng, khô với nguy cơ cháy cao và kéo dài mùa cháy, điều này sẽ làm tăng tần suất cháy rừng cũng như diện tích rừng bị ảnh hưởng. 

Tôi từng tham gia một vài đồ án masterplan ở khu vực Địa Trung Hải thì thấy rằng vấn đề cháy rừng của họ khá giống với miền Trung - Việt Nam. Khí hậu ở đây cũng rất nóng (như Hy Lạp, Bồ Đào Nha). Mùa khô có nắng nóng đỉnh lên đến 38 - 42 độ và chính phủ các nước này coi cháy rừng là thảm họa có tính tất yếu. Việc khai thác gỗ cũng dẫn tới sự suy thoái của các khu rừng, nó làm tăng số lượng của các cây bụi, cây lùm ở khu vực sát mặt đất - những cây này khi bị khô thì đóng vai trò tạo cháy lan (groundfire), nó như mồi lửa chính để dẫn cháy lan rộng và gây khói đặc cản trở hoạt động chữa cháy của con người.

Để đối phó với sự suy thoái đến từ nạn khai thác thì người ta từng nỗ lực bù đắp diện tích rừng bằng các loài cây tiên phong điển hình là thông, keo. Mặc dù vậy, cây thông là cây dễ cháy do nhựa của nó bén lửa, mật độ cây thông thường dày, đứng liên tiếp nhau nhưng mật độ cành lại thưa, có thể nói bản thân cây thông, nó đã là một loại mồi lửa (cấu trúc giống như là xếp củi bếp lò). Các nước Địa Trung Hải cho đến nay phải giảm mức trợ cấp trồng cây thông là vì lý do ấy. Người ta cũng giảm diện tích trồng độc canh và tăng trợ cấp các hoạt động nông nghiệp truyền thống có tác dụng ngăn cháy, ví dụ như việc chăn cừu ăn cỏ thì có tác dụng ngăn cháy lan...

Và những đám cháy không khói

 “Cháy không khói có liên quan đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Đây chính là lý do vì sao mà nhiều nước phát triển tuyệt đối không cho phép thay đổi kế hoạch sử dụng đất. Điều này thì lại diễn ra khá phổ biến ở nước ta”.

Cháy không khói có liên quan đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Phân loại đất sử dụng qua một số đồ án tổng mặt bằng ở Hy Lạp thì thấy làm khá chặt chẽ. Qua đối chiếu thì điều này thậm chí được làm khá ráo riết ở các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc. Các khu vực greenbelt (vành đai xanh) được quy định rõ ràng về kế hoạch sử dụng đất, bởi vì việc tùy tiện phê duyệt giấy phép xây dựng ở các khu rừng phòng hộ thì dễ gây ra nguy cơ cháy do sự bất cẩn của con người và hoạt động sống của họ. Đây chính là lý do vì sao mà người ta tuyệt đối không cho phép thay đổi kế hoạch sử dụng đất.

Trong các hệ sinh thái dễ bị cháy ở Địa Trung Hải thì thực tế đã chỉ ra rằng, biện pháp phòng cháy thường có hiệu quả về lâu dài và tiết kiệm hơn chi phí chữa cháy trực tiếp. Do đó, một chính sách chữa cháy rừng toàn diện sẽ được thực hiện, với trọng tâm đặt vào bốn vấn đề chính về quản lý cháy rừng là phòng ngừa, chuẩn bị, phản ứng và phục hồi, thay vì chỉ dựa vào việc chữa cháy trực tiếp. Sự tham gia của xã hội dân sự có thể là một khả năng kinh tế và hiệu quả để giảm đáng kể tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của hỏa hoạn. Yếu tố cốt lõi chính sách này, đầy bất ngờ, lại thuộc về phận sự của kiến trúc sư quy hoạch trong vấn đề quy hoạch sử dụng đất (như đã nói ở trên). 

Điều này đang được thực hiện rất triệt để trong thời gian gần đây tại Trung Quốc, một số đồ án masterplan tổng mặt bằng lớn hàng chục triệu mét vuông tôi có dịp tham gia ở Quảng Châu, Đường Sơn, Nam Kinh (có liên quan đến các khu văn phòng, cơ sở nghiên cứu, trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn)... nơi mà các chính sách được đưa từ trên xuống rất cụ thể. Trung Quốc, Hàn Quốc có rất nhiều ví dụ ta có thể học hỏi. 

Cháy rừng về cơ bản được coi là thảm họa tự nhiên “Wildfire”. Tuy vậy, chính quyền vẫn có thể củng cố các hoạt động ngăn ngừa một cách chủ động. Đặc biệt, cũng cần phải nhớ rằng ở rất nhiều nơi, chẳng cần có đám cháy nào mà rừng vẫn cứ mất đi. Các “đám cháy không khói” ấy cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với cân bằng sinh thái mà đôi khi chúng ta làm ngơ và không hề có bất cứ hoạt động chữa cháy nào diễn ra cả.

KTS Lê Quang (từ Berlin)