Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử

- Thứ Tư, 06/03/2013, 08:46 - Chia sẻ
Nghị viện các nước trên thế giới nhiều ít đều có nữ nghị sỹ tham gia nghị trường, ở Việt Nam, từ chỗ chỉ có 3% nữ đại biểu (10/333) trong QH nhiệm kỳ đầu tiên (1946 - 1960), đến QH Khóa XIII ( 2011-2016) có 122 nữ đại biểu trên tổng số 500 đại biểu, chiếm tỷ lệ 24,4%, đứng thứ 6 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 39 trong tổng số 189 quốc gia trên thế giới.

Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng các nữ đại biểu ngày càng được nâng lên. Số nữ đại biểu có trình độ đại học, trên đại học ngày càng nhiều, chiếm 91,36 %; số nữ đại biểu là người dân tộc cũng chiếm tỷ lệ khá cao (31,96%) ngày càng khẳng định vai trò, uy tín của phụ nữ trong QH và trong bộ máy nhà nước. Nhiều nữ ĐBQH được cử tri tín nhiệm bầu tham gia QH liên tục 6 khóa (từ khóa VI - XI) như chị Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội; 5 khóa như các chị Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; liên tục 4 khóa (từ Khóa X - XIII) như các chị Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH; Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm Nữ ĐBQH Việt Nam... Sự ra đời của Nhóm Nữ ĐBQH vào đúng dịp kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10.1930 – 20.10.2011) càng khẳng định vai trò đại diện nhân dân của các nữ ĐBQH, đồng thời còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Các chị không những đã đóng góp trí tuệ, tâm huyết để hoàn thành các chức năng của cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân mà còn trực tiếp giữ những trọng trách trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.


Các nữ ĐBQH bên hành lang Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII Ảnh: Duy Thông
Ngoài việc gánh vác sứ mệnh vinh quang và trách nhiệm nặng nề là đại biểu của nhân dân, các chị còn thực hiện thiên chức của phụ nữ, người vợ, người mẹ mà có người đã dùng hình ảnh Vai gánh gia đình, vai gánh non sông để riêng tặng các chị - những nữ ĐBQH.

Trong Chương trình hành động của mình, Nhóm Nữ ĐBQH đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm đó là tham gia tích cực các hoạt động của QH và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; phát huy hơn nữa kỹ năng của các nữ ĐBQH trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII; tăng cường giao lưu, trao đổi, thảo luận về vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới; nâng cao năng lực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cho nữ đại biểu quốc hội; đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới. Theo báo cáo phát triển con người của Liên Hợp Quốc, Việt Nam có chỉ số bình đẳng giới xếp thứ 48/187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nữ ĐBQH Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách, pháp luật nhằm thu hẹp khoảng cách về giới để thực hiện công ước quốc tế và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Hướng tới nhiệm kỳ QH Khóa XIV và các nhiệm kỳ tiếp theo, tỷ lệ nữ ĐBQH và tỷ lệ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngày càng tăng.

Trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò trọng yếu mà lịch sử dân tộc đã ghi nhận. Đó là chiến thắng quân Đông Hán của Hai Bà Trưng; Bà Triệu cưỡi voi phất cờ dấy binh khởi nghĩa; thái hậu Dương Vân Nga, nguyên phi Ỷ Lan, đô đốc Bùi Thị Xuân... là những người phụ nữ xuất chúng, tài ba, có công lao trong dựng nước, giữ nước và lưu danh mãi trong lòng dân tộc. Tiếp nối truyền thống hào hùng đó, phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh được Bác Hồ khái quát qua tám chữ vàng: Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang, quyết giữ nước và bền gan dựng nước. Đó là nữ tướng Nguyễn Thị Định, các chị Út Tịch, Trần Thị Lý, Đặng Thùy Trâm, 10 cô gái anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái Truông Bồn... là những hình ảnh đẹp đẽ nhất, biểu tượng cho phẩm chất cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống hội tụ trong bốn từ Công, dung, ngôn, hạnh hoặc đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, đức hy sinh thầm lặng song phụ nữ Việt Nam hiện đại, nhất là nữ ĐBQH phấn đấu có thêm các phẩm chất: trí tuệ, tự tin, năng động, sáng tạo, vì nước, vì dân.

 Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, thay cho lời kết, xin dẫn câu thơ của nhà thơ Huy Cận ca ngợi người phụ nữ Việt Nam:

Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ.

Lê Như Tiến
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ