Chỉ sức ép là có thật!

- Thứ Sáu, 21/08/2020, 08:14 - Chia sẻ
Không trực tiếp xây dựng nhà máy sản xuất cho mình như cách Samsung, LG thường làm, Apple chọn con đường thuê gia công sản phẩm và Foxconn, Luxshare là những nhà sản xuất lớn được Apple tin dùng. Vì thế, giấc mơ iPhone “Made in Vietnam” bắt đầu nhen nhóm khi gần đây Foxconn Việt Nam liên tục tăng vốn đầu tư; còn Luxshare rầm rộ tuyển dụng nhân sự làm việc cho các dự án ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An và lãnh đạo Apple đã nhiều lần đến thăm nhà xưởng của tập đoàn này ở Bắc Giang.

Iphone “Made in Việt Nam” là một giấc mơ rất “đáng”. Nếu nó thành sự thực, thì kèm theo danh tiếng trên toàn cầu còn là lợi ích kinh tế khổng lồ, mà để mường tượng ta có thể nhìn vào Samsung chỉ ở góc độ thương mại. Năm ngoái, Samsung xuất khẩu 59 tỷ USD, con số này chiếm hơn 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, người ta nói rằng, xuất khẩu của Samsung trồi sụt thế nào sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế.

Dù vậy, thực tế là cho tới thời điểm mày, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở đồn đoán. Chưa có bất cứ lời khẳng định nào về việc Apple chọn Việt Nam là nơi sản xuất, lắp ráp các sản phẩm như iPhone, iPad.

Chỉ sức ép cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt là có thật, đặc biệt trong luồng dịch chuyển đầu tư hậu Covid-19 và trước đó là thương chiến Mỹ - Trung!

Chính phủ Ấn Độ - quốc gia có lợi thế cạnh tranh tương đương Việt Nam - vừa công bố một chương trình ưu đãi sản xuất đặc biệt trị giá 5,5 tỷ USD trong vòng 5 năm cho 5 công ty sản xuất điện thoại thông minh nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này. Hàng loạt thương hiệu đang “xếp hàng” để được nhận ưu đãi này, trong đó có cả Foxconn, Wistron, Oppo…

Trong khi Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu lần lượt có các chính sách kêu gọi các doanh nghiệp “trở về nhà” thì Trung Quốc tìm mọi cách để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tháng 8 này, Trung Quốc chính thức tuyên bố sẽ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tới 10 năm cho các doanh nghiệp điện tử, nhất là các công ty sản xuất chip.

Làn sóng dịch chuyển thương mại và đầu tư hậu Covid-19 hứa hẹn mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội và lợi ích. Nhưng nếu chúng ta không nhanh chóng khắc phục những điểm yếu cố hữu - công nghiệp hỗ trợ yếu kém, hạ tầng giao thông quá tải, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu - thì ngay cả giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu cũng là thách thức không nhỏ, chứ chưa nói tới việc thu hút “đại bàng”. Bởi vì, các nhà đầu tư chất lượng cao thường nhắm tới những điểm đến có khả năng cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao, có nền tảng công nghệ thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D) tốt và hệ thống hỗ trợ hoàn hảo, dịch vụ hậu cần bảo đảm…

Trong ngắn hạn, giấc mơ iPhone “made in Việt Nam” không dễ trở thành sự thật. Bởi lẽ 349 trong số 600 công ty cung ứng linh phụ kiện cho Apple hiện đóng tại Trung Quốc, Nhật Bản xếp thứ 2 - có trên dưới 100 công ty, còn Việt Nam mới chỉ có khoảng 11 doanh nghiệp, tính cả Foxconn và Luxshare. Hơn nữa, muốn giải quyết những nút thắt kể trên để gọi được "đại bàng" đến làm tổ thì cần phải có không chỉ các chính sách đột phá về khuyến khích nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và mà còn cả thời gian.

Dẫu vậy, ngạn ngữ phương Tây có câu "không gì là không thể". Nếu Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương nỗ lực tăng tốc cả trong hoạch định và thực thi chính sách cũng như tận dụng tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thì rất có thể một ngày nào đó “táo khuyết” sẽ được “trồng” trên đất nước chúng ta!

Hà Lan