Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Chi tiết nhưng vẫn thiếu

- Thứ Tư, 12/12/2018, 08:36 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) (dự thảo Luật) chưa làm rõ được những nội dung phản ánh yêu cầu mới của phát triển nguồn nhân lực quốc gia trong hội nhập, cũng như những nội dung để đưa nền giáo dục nước nhà tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến. Đây là nhận xét của PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng tại Hội thảo góp ý vào dự thảo Luật do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 11.12.

Cần tư duy bứt phá

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều, như vậy, so với dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Năm đã tăng 34 điều. Các chuyên gia khẳng định, dự thảo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đề cập đầy đủ các khía cạnh của hoạt động giáo dục.


Tuy nhiên, PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng, dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ được các nội dung phản ánh yêu cầu mới của việc phát triển nguồn nhân lực quốc gia nhằm đáp ứng những thách thức của thời đại và quá trình hội nhập cũng như những nội dung để đưa nền giáo dục nước nhà tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến. Ví dụ như, các nội dung khuyến khích người học bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, khuyến khích tư duy độc lập, nâng cao phong cách, khả năng suy nghĩ độc lập, giao tiếp và sáng tạo hay mối quan hệ giữa giáo viên - học sinh trong các trường học là bình đẳng và thân thiện, tôn trọng quyền riêng tư… vẫn chưa được đề cập.

Chuyên gia Nguyễn Vi Khải, nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cũng đặt câu hỏi: Luật này đã tương xứng với mục tiêu phát triển nền kinh tế tri thức và đáp ứng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 hay chưa? “Nước ta đang đứng trước thực tế: Tham nhũng ngày càng tinh vi, bộ máy cồng kềnh, đạo đức xã hội nổi cộm nhiều bức xúc… Phải chăng, cần có tư duy bứt phá vượt lên ngay trong dự luật cơ bản này”, ông Khải đề xuất.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật gồm: Hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục. TS. Trần Việt Hùng, Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, quy định như vậy vừa thừa, vừa thiếu, vừa chưa chính xác. Ví dụ, thiếu cơ sở giáo dục dân lập, tư nhân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp… Mặt khác, cũng cần nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh của luật chỉ giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, vì hiện nay đã xuất hiện liên kết giáo dục, đào tạo giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam với các cơ sở giáo dục khác trên thế giới.

Minh định rõ luật khung và luật chuyên ngành về giáo dục

PGS. Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông chỉ ra điểm bất cập trong mối quan hệ giữa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, tên luật này là Luật Giáo dục (sửa đổi), tuy nhiên, Điều 5 của dự thảo Luật có ghi rõ hệ thống giáo dục quốc dân gồm có các cấp: Giáo dục mầm non, gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo. Giáo dục phổ thông, gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông. Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo khác. Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Nhưng thực tế luật này chỉ chi tiết hóa cho giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được tách ra thành các luật riêng.

Ông Bùi Thiện Dụ cho rằng, có thể bố trí như vậy nhưng dù sao Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn là luật gốc cho giáo dục. Do đó, việc tách ra hai lĩnh vực đặc thù là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học nên được ghi nhận cụ thể ngay ở phần đầu, cụ thể là ở mục 1 “phạm vi điều chỉnh”. Đồng thời, các luật riêng cho lĩnh vực giáo dục đại học hay giáo dục nghề nghiệp cũng phải thống nhất, tương thích với những phần chung của luật này.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS. Trần Việt Hùng cho rằng, hiện nay chúng ta đã có Luật giáo dục đại học và Luật giáo dục nghề nghiệp, vì vậy, việc ban hành Luật giáo dục phổ thông, Luật giáo dục mầm non (hoặc Luật giáo dục trước tuổi học) xem ra cần và hợp lý hơn là xem xét, sửa đổi Luật giáo dục. Khi đã có các luật chuyên ngành, Luật Giáo dục sẽ sửa thành luật khung, chỉ tập trung quy định những vấn đề chung, vấn đề liên thông giữa các cấp học, vấn đề giáo dục thường xuyên… Phân định như thế giúp dễ xây dựng luật hơn. “Ta có thể thấy chức năng, nhiệm vụ của trường mầm non khác chức năng, nhiệm vụ của trường phổ thông và càng khác xa chức năng, nhiệm vụ của trường đại học. Vị trí, vai trò, tiêu chuẩn cũng như nhiệm vụ và quyền hạn của nhà giáo giữa các cấp, các loại hình giáo dục cũng khác nhau, không thể quy định chung được. Hơn nữa, giáo dục phổ thông và giáo dục trước tuổi học cũng là những vấn đề nóng trong dư luận xã hội hiện nay” - TS Trần Việt Hùng nói.

Khải Minh