Chìa khóa đột phá

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:36 - Chia sẻ
Những năm gần đây, ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điều gì đã giúp y tế Phú Thọ trở thành điểm sáng trong khu vực như vậy. Báo Đại biểu Nhân dân đã trao đổi với Thầy thuốc Ưu tú, TS. NGUYỄN HUY NGỌC - Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ xung quanh nội dung này.

Xin ông cho biết đôi nét về bước phát triển của y tế Phú Thọ thời gian qua, đâu là nguyên nhân giúp ngành có bước chuyển đáng ghi nhận như vậy?

-  Để y tế Phú Thọ có bước bứt phá một cách đồng đều, toàn diện trong các năm qua, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là y tế Phú Thọ đã nhận được sự quan tâm sâu sát, nhất quán trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, luôn xác định đầu tư cho y tế chính là đầu tư cho phát triển một cách bền vững, vì con người và cho con người. Đi đôi với đó là sự thông thoáng trong việc tạo ra các cơ chế chính sách đầu tư, phát triển hệ thống y tế của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Y tế và sự ủng hộ giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Thầy thuốc Ưu tú TS. Nguyễn Huy Ngọc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về Công tác phòng chống dịch Covid-19

Những kết quả sau là minh chứng sự đầu tư về y tế của tỉnh: Hiện mạng lưới y tế Phú Thọ gồm BVĐK tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa; 4 trung tâm tuyến tỉnh; 11 TTYT huyện hai chức năng, 2 TTYT huyện một chức năng, 1 mô hình viện - trường, 277 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 1 bệnh viện tư nhân, 2 bệnh viện ngành, đảm trách việc khám chữa bệnh cho khoảng 1,4 triệu dân. BVĐK tỉnh Phú Thọ là đơn vị xếp hạng I và có năng lực chuyên môn rất tốt nên được Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ là tuyến cuối trong công tác khám chữa bệnh của một số tỉnh lân cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái và Vĩnh Phúc.

Chúng tôi xác định phải có đội ngũ giỏi và ứng dụng tiến bộ y học thì mới tạo đột phá, giúp người dân được tiếp cận các kỹ thuật y tế cao và tốt nhất ngay tại cơ sở, do đó thời gian qua ngành y tế Phú Thọ tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ 4 khâu đột phá là cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và công nghệ. Ngoài cơ sở vật chất được đầu tư khá tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao được thu hút, đào tạo, đào tạo lại liên tục tại các cơ sở uy tín trong và ngoài nước. Trong 5 năm qua, chúng tôi đã thu hút được gần 1.000 bác sĩ về tỉnh công tác, trong đó nhiều người có trình độ CKI, CKII, bác sĩ nội trú; điều đó là cơ sở để thực hiện tốt việc tiếp nhận, triển khai các kỹ thuật được chuyển giao từ tuyến Trung ương.

Cùng với đó, ngành y tế Phú Thọ đã triển khai quyết liệt Đề án Ứng dụng tổng thể CNTT trong ngành y tế tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 với 3 mục tiêu lớn: Quản trị y tế thông minh, chăm sóc sức khỏe và dự phòng thông minh, khám chữa bệnh thông minh. Hiện ngành đang triển khai mô hình Khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine); phần mềm Quản lý bệnh viện HIS; Hệ thống thông tin xét nghiệm (phần mềm LIS); Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS; triển khai y bạ điện tử, bệnh án điện tử, thanh toán điện tử… để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế đạt hiệu quả cao, toàn diện.

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà ngành y tế Phú Thọ nhận được sau khi tham gia các đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, thưa ông?

- Những kết quả mà ngành y tế Phú Thọ thu được từ Đề án thì rất nhiều khi BVĐK tỉnh Phú Thọ được tham gia là bệnh viện vệ tinh của 8 bệnh viện tuyến Trung ương trên cơ sở cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tận tình của các thầy thuốc tuyến Trung ương, từ đó BVĐK Phú Thọ đã triển khai thành công rất nhiều kỹ thuật hiện đại ngay tại đơn vị, sau đó BVĐK tỉnh lại tiếp tục hỗ trợ phát triển chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện được 100% kỹ thuật hạng I và trên 50% kỹ thuật thuộc hạng đặc biệt.

- Cùng với cả nước, ngành y tế Phú Thọ đã tập trung phòng chống dịch Coivd-19 như thế nào, thưa ông?

- Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế đã phối hợp cùng với các cấp, các ngành của tỉnh đã và đang chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm ca bệnh; chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân lực y tế để đáp ứng phòng, chống dịch. Theo đó, Sở Y tế xây dựng và triển khai Kế hoạch đáp ứng với 04 cấp độ dịch bệnh do Covid-19 tới tất cả địa phương và các đơn vị y tế: Xây dựng các phương án chủ động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác truyền thông phòng chống dịch; Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Đối với các đơn vị khám chữa bệnh: Nghiêm túc triển khai thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT; Công khai đường dây nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế Phú Thọ; Triển khai các biện pháp bình ổn giá trang thiết bị phòng chống dịch.

Mặc dù đến nay tỉnh Phú Thọ chưa phát hiện thấy trường hợp nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn nhưng chúng tôi xác định luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trong cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế do đó luôn phải nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

 - Trong bối cảnh Phú Thọ cũng phải tập trung chống dịch Covid-19, có một hình ảnh rất xúc động là đoàn các thầy thuốc Phú Thọ lên đường vào Quảng Nam để chia lửa cho các đồng đội của mình. Ông nói gì về điều này?

 - Chỉ trong một ngày, sau khi Sở Y tế tỉnh Phú Thọ phát động phong trào tình nguyện đã có gần 100 y bác sỹ, điều dưỡng của tỉnh đã xung phong tình nguyện đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Quảng Nam. Tỉnh Phú Thọ cũng ủng hộ Quảng Nam 2.000 bộ trang phục bảo hộ phòng, chống dịch. Đây là tình cảm, là tinh thần muốn sẻ chia sẻ sự vất vả, khó khăn cùng đồng nghiệp trên tuyến đầu chống dịch với mong muốn cùng Quảng Nam nhanh chóng khống chế dịch bệnh Covid-19. Qua đây cũng là dịp để chúng tôi học hỏi thêm kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh sau chuyến công tác này.

  - Xin cảm ơn ông!   

Anh Hiến thực hiện