Chiến lược thực thi EVFTA

- Thứ Tư, 01/07/2020, 08:26 - Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội chính thức phê chuẩn ngày 8.6 vừa qua và dự kiến sẽ có hiệu lực thực thi vào ngày 1.8 tới. Bộ Công thương cho biết, Kế hoạch hành động của Chính phủ về thực hiện EVFTA dự kiến sẽ chính thức trình Thủ tướng sau 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao về việc Hiệp định có hiệu lực.

Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng để hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt bản Kế hoạch hành động nhằm tối đa hóa lợi ích, tiềm năng mà EVFTA có thể mang lại cho nước ta.

Hiện nay, mặc dù Kế hoạch hành động chính thức chưa được ban hành nhưng nhiều bộ, ngành đã chủ động thực thi nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình. Như Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, ngay từ cuối tháng 5 đã ban hành kế hoạch triển khai 25 nhiệm vụ, chia thành 5 nhóm công tác trọng tâm với thời hạn cụ thể. Đơn cử như về công tác tận dụng Hiệp định EVFTA để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, cơ quan này cam kết các hoạt động nghiên cứu về thị hiếu, dư địa, các cam kết của EU, khả năng sản xuất trong nước… chi tiết đến từng mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh và được ưu đãi nhiều về thuế quan sẽ được thực hiện ngay trong quý II năm nay, từ đó phân tích, đánh giá cơ hội, khả năng tăng trưởng xuất khẩu và xây dựng phương án thực hiện ngay sau khi EVFTA có hiệu lực… Các cuộc tập huấn, các hoạt động truyền thông về nội dung của EVFTA cũng đã được một số bộ, ngành thực hiện với tần suất khá dày trong thời gian qua. 

Bản dự thảo Kế hoạch hành động của Chính phủ về thực thi EVFTA cũng đã được gửi đến Quốc hội từ khá sớm, đồng bộ với hồ sơ phê chuẩn Hiệp định tại Kỳ họp thứ Chín. Trong đó, đã xác định được các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Dẫu vậy, theo yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, Kế hoạch hành động chính thức sẽ phải gia cố thêm rất nhiều, chi tiết và mạch lạc hơn nữa. Ngay trong Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, Quốc hội đã giao trực tiếp cho Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.

Từ bài học kinh nghiệm vẫn đang nóng hổi trong việc chưa phát huy được hết tiềm năng, cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa qua, các đại biểu Quốc hội cũng đặt ra một yêu cầu gắt gao đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phải dồn sức làm và làm thực chất việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, minh bạch hơn nữa để doanh nghiệp trong nước “lớn lên”, đủ lực tham gia và chiến thắng ở thị trường EU. Các bộ, ngành liên quan phải phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của nước ta để sớm tham gia vững chắc vào thị trường EU, trước mắt, phải có biện pháp giữ, duy trì thị phần tại các nước EU trong điều kiện đại dịch Covid - 19.

Sự chủ động của một số cơ quan trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến EVFTA như vừa qua là rất đáng ghi nhận. Nhưng điều quan trọng hơn nữa chính là các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp hành động nhịp nhàng, nhuần nhuyễn với nhau, không để nhiệm vụ của cơ quan này làm chậm trễ hay gây ách tắc, cản trở nhiệm vụ của cơ quan khác.

Khi EVFTA có hiệu lực cũng chính là thời điểm chúng ta bắt đầu một cuộc đua đầy cam go và thử thách. Thời cơ và cơ hội thì phần lớn đều ở dạng tiềm năng còn khó khăn, thách thức sẽ hiển hiện ngay trước mắt. Kế hoạch thực thi EVFTA càng kỹ lưỡng, chi tiết và thấu đáo bao nhiêu thì cơ hội giành chiến thắng sẽ càng lớn bấy nhiêu. Sau phê chuẩn của Quốc hội là hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Và phải là hành động quyết liệt với một chiến lược rõ ràng và một tâm thế chủ động, biết đặt và phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết ở từng bộ, ngành, địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện Hiệp định và các doanh nghiệp. 

Hải Lam