Tên trang: Bầu cử Quốc hội Singapore 2020

Chiến thắng kém ngọt ngào

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 05:38 - Chia sẻ
Sáng 11.7 vừa qua, Ủy ban Bầu cử Singapore (ELD) đã chính thức công bố kết quả bầu cử Quốc hội nước này. Theo đó, đảng Hành động nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long giành thắng lợi với số ghế áp đảo. Điều đó đồng nghĩa, đảng PAP sẽ tiếp tục dẫn dắt đất nước Singapore thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, việc để mất một số ghế nhất định đã khiến chiến thắng lần này trở nên bớt ngọt ngào.

Nỗi đau và sự bất định

Theo kết quả cuối cùng, đảng PAP đã giành chiến thắng tại 28 đơn vị bầu cử với 83 ghế nghị sĩ, chiếm 89% số ghế tại Quốc hội. Mặc dù vậy, đảng này mất 8,62% số phiếu ủng hộ so với năm 2015. Trong khi đó, đảng Công nhân Singapore (WP) do luật sư Pritam Singh lãnh đạo là đảng đối lập duy nhất nắm toàn bộ 10 ghế đại biểu còn lại với chiến thắng tại 3 đơn vị bầu cử.

Đảng PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long giành chiến thắng
Nguồn: CNBC

Tại cuộc họp báo ngày 11.7, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng PAP đã có “một sự ủy thác rõ ràng” để tiếp tục dẫn dắt Singapore vượt qua khủng hoảng, nhưng cũng thừa nhận “tỷ lệ phiếu bầu không cao như kỳ vọng” và việc để mất thêm một khu vực bầu cử nhiều nghị sỹ khác tại Sengkang GRC là “sự thất vọng và tổn thất lớn” đối với PAP. Theo ông, kết quả này phản ánh nỗi đau và sự bất định mà người dân Singapore cảm nhận được trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Lịch sử cho thấy bầu cử trong thời kỳ khủng hoảng thường mang lại lợi thế cho PAP. Thế nhưng, PAP lần này chỉ giành được 61,24% số phiếu bầu, sụt giảm gần 9,0% so với mức 69,9% của năm 2015, chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với con số thấp kỷ lục trong lịch sử bầu cử mà PAP phải đối mặt năm 1991 và 2011, lần lượt ở mức 59,3% và 60,1%.

Bên cạnh đó, PAP còn để mất thêm khu vực bầu cử Sengkang GRC (4 ghế) vào tay WP, đồng nghĩa với việc mất đi một bộ trưởng trong nội các hiện tại cùng 2 quốc vụ khanh (tương đương thứ trưởng). Chiến thắng tại khu vực bầu cử mới này, cùng với việc duy trì được 6 ghế tại khu vực Aljunied GRC và Hougang SMC với tỷ lệ phiếu bầu tăng đáng kể giúp WP có 10 ghế tại Quốc hội nhiệm kỳ mới, tiếp tục là đảng đối lập duy nhất có ghế tại Quốc hội.

Các nhà phân tích đánh giá thành tích của WP trong kỳ bầu cử này đã tạo ra thách thức rất lớn cho thế hệ lãnh đạo thứ 4 của PAP. Sự tiến bước vững chắc của WP trong những kỳ bầu cử gần đây đòi hỏi PAP cần phải có những đột phá rất lớn trong thời gian tới.

Còn đối với PAP, thất bại tại Sengkang GRC cũng cho thấy PAP chưa giành được “trái tim và khối óc” của thế hệ cử tri trẻ tuổi, bởi 60% cử tri tại khu vực này có độ tuổi dưới 45.

Thách thức của niềm tin

Mặc dù có sự sụt giảm về số phiếu, nhưng rõ ràng đảng PAP và Thủ tướng Lý Hiển Long đã có “sự ủy thác” cần thiết của người dân để dẫn dắt Singapore vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, và đây sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng đối với PAP.

Nhiệm vụ trước mắt mà Chính phủ mới của Singapore phải thực hiện là giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19, bên cạnh khôi phục kinh tế và tạo việc làm cho người dân, trong bối cảnh Singapore đang đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này. Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Tiền tệ Singapore, kinh tế nước này sẽ giảm 5,8% trong năm nay. Đây là sự đảo ngược hoàn toàn so với mức dự đoán tăng 0,6% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát trước đó.

Giới chức Singapore cũng cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể tăng trong khi mức lương của người lao động sẽ giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý I.2020 của nước này đã tăng lên 2,4%, mức cao nhất trong một thập niên qua, so với mức 2,3% trong quý trước đó. Nói như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thì “đảo quốc Sư tử” đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chiến thắng không ngọt ngào của PAP trong cuộc bầu cử lần này có thể lại trở thành động lực để PAP thực hiện những bước điều chỉnh và cải cách quyết liệt, đủ khả năng đảm nhiệm "sự ủy thác" mà người dân giao phó, dẫn dắt đất nước Singapore vượt qua thời kỳ thử thách hiện nay.

Q.Đạt