Chính quyền công bộc của dân

- Thứ Tư, 02/09/2020, 07:43 - Chia sẻ
Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết TW6 (Khóa XII) của Đảng, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Việc nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền công bộc của dân phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới có ý nghĩa quyết định trong tiến trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

75 năm trước đây, trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm để xây dựng nên Nhà nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hòa”. Từ đó, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Long An khảo sát tại các cơ sở khám chữa bệnh về công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Ảnh: Công Thành

Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến với chính thể quân chủ chuyên chế. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương “thành lập chính quyền cách mạng” ở các căn cứ địa, các khu giải phóng lúc bấy giờ; hình thành các tổ chức Ủy ban Việt minh, Ủy ban giải phóng và UBND cách mạng tỉnh, liên tỉnh. Đầu tháng Tám năm 1945, Người quyết định triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, quy định Quốc kỳ, Quốc ca và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam – một tổ chức “tiền Chính phủ”, khởi đầu mô hình nhà nước kiểu mới ở Việt Nam mang bản chất dân chủ cộng hòa – “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta.”

Sau Cách mạng tháng Tám, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ. Điều đặc biệt, Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Việt Minh như có người đã lầm tưởng. Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm các đại biểu của các chính đảng; mà là một Chính phủ quốc gia thống nhất, chờ đến ngày được Quốc hội cử ra một Chính phủ dân chủ, cộng hòa chính thức. Đó là sáng tạo độc đáo của Người nhằm tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện 2 mục tiêu chiến lược: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong điều kiện vận mệnh quốc gia đang bị đe dọa bởi “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chính phủ lâm thời trịnh trọng ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ. Ngày 8.9.1945, đúng một tuần sau ngày Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14SL về việc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Sắc lệnh nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam do quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa”.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương – nhân tố cấu thành của thể chế dân chủ cộng hòa – được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Sắc lệnh số 63 SL (ngày 22.11.1945) và Sắc lệnh số 77 SL (ngày 21.12.1945) quy định về tổ chức chính quyền địa phương các cấp (ở nông thôn và đô thị) được Người ký ban hành, quy định HĐND do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, là cơ quan thay mặt cho dân, Ủy ban hành chính do các HĐND bầu ra (riêng UBHC khu phố thuộc UBHC thành phố do dân khu phố bầu trực tiếp) là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ. Ở cấp xã, thị xã, thành phố và tỉnh có HĐND và UBHC; ở các cấp khu phố, huyện và kỳ chỉ có UBHC.

Ngày 6.1.1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều được hưởng quyền bầu cử Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử thành công tốt đẹp, dự thảo Hiến pháp được Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ hai thông qua trong phiên họp ngày 9.11.1946. Đó là bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước nhà của Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân.

Trải qua 75 năm Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã xây dựng, ban hành 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013) gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của dân tộc, kế thừa và khẳng định bản chất của một nhà nước pháp quyền kiểu mới, của dân, do dân, vì dân. Ở đó, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”; những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia đều do Nhân dân phán quyết, Nhân dân là người thực hiện quyền lực, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Thành quả chính trị ưu việt đó đã được chứng minh bằng lịch sử 75 năm qua như một chân lý khách quan, tô thắm và làm sâu sắc thêm bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ cộng hòa ở nước ta.

Chính quyền công bộc của dân

Là linh hồn của Nhà nước dân chủ đầu tiên ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quan điểm xây dựng nhà nước thân dân – nhất là đối với chính quyền địa phương các cấp. Ngay từ những ngày đầu lập quốc, Người viết nhiều bài báo đăng trên Báo Cứu quốc, nói về cách tổ chức, hoạt động của UBND, về lựa chọn cán bộ, tư cách, đạo đức cán bộ của UBND, cảnh báo sớm về sự tha hóa quyền lực trong bộ máy chính quyền. Người chỉ rõ: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các Ủy ban đó”. Người căn dặn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ đến các làng đều là công bộc của dân”. “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”…

75 năm kế thừa và phát huy các giá trị của nền dân chủ cộng hòa, chính quyền các cấp do cử tri bầu ra trong các nhiệm kỳ đã thể hiện được ý nguyện của Nhân dân và truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, không ngừng tự chỉnh đốn, đổi mới thể chế, bảo đảm thực thi quyền lực Nhân dân, tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, cải cách nền hành chính quốc gia. Chính quyền đó với biết bao thế hệ cán bộ tiền bối, lão thành cách mạng, thế hệ đi trước đã "tận trung với nước, tận hiếu với dân" cống hiến sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình để xây dựng nên chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, trong điều kiện mới, mô hình tổng thể, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, đại biểu dân cử vẫn còn quan liêu, chưa tận tâm với dân, quên “lời hứa” với cử tri khi vận động bầu cử, chưa làm tròn trách nhiệm với Nhân dân. Một số khác đã tự biến mình thành “quan cách mạng”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí trở thành những “giặc nội xâm” làm hại dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật. Dư luận mong muốn và đồng tình ủng hộ Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm, không có vùng cấm để ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực và tham nhũng, làm xói mòn niềm tin của dân với Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết TW 6 (Khóa XII) của Đảng đề ra, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chính vì vậy, nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền công bộc của dân phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới có ý nghĩa quyết định trong tiến trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

THS. Nguyễn Vân Hậu