Covid-19: Các biện pháp kích thích kinh tế của Malaysia

Chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp

- Chủ Nhật, 10/05/2020, 07:57 - Chia sẻ
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp SME là 1 trong 3 trọng tâm chính sách của gói kích thích kinh tế Prihatin (ban hành 27.3, bổ sung vào ngày 6.4). Nội dung cụ thể như sau:
Hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động

Đây là chương trình có giá trị tối đa 13,8 tỷ ringgit (3,2 tỷ USD), kéo dài tối đa trong vòng 3 tháng, áp dụng đối với người thu nhập thấp dưới 4.000 ringgit/tháng (921 USD/tháng) và doanh nghiệp chịu mức giảm thu nhập hơn 50% kể từ ngày 1.1.2020.

Để tham gia chương trình các doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh với Ủy ban Doanh nghiệp Quốc gia Malaysia hoặc chính quyền địa phương trước 1.1.2020 và đã đăng ký với Tổ chức An sinh Xã hội Malaysia. Ngoài ra, doanh nghiệp cần giữ người lao động ít nhất 6 tháng (ít nhất 3 tháng trong khi đang nhận trợ cấp và 3 tháng sau đó), cũng như không được ép buộc nhân viên nghỉ không lương hoặc chịu cắt giảm lương 3 tháng sau khi chương trình kết thúc.

Mức chi trả trợ cấp như sau:

Đối với công ty trên 200 nhân viên, hỗ trợ 600 ringgit/tháng/nhân viên (138 USD/tháng/nhân viên), tối đa 200 nhân viên.

Đối với công ty từ 75 đến 200 nhân viên, hỗ trợ 800 ringgit)/tháng/nhân viên (184 USD/tháng/nhân viên).

Đối với công ty dưới 75 nhân viên, hỗ trợ 1.200 ringgit/tháng/nhân viên (276 USD/tháng/nhân viên).

Khu hải cảng Butterworth ở Penang
Các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp SME và siêu nhỏ

Thứ nhất, trợ cấp tiền mặt 3.000 ringgit (691 USD) đối với mỗi doanh nghiệp SME đã đăng ký với Tổng Cục thuế Malaysia, tối đa 2,5 tỷ ringgit (576 triệu USD).

Thứ hai, miễn tiền thuê đất trong 6 tháng trên các cơ sở thuộc sở hữu của Chính phủ Liên bang bao gồm: căng tin trường học, nhà trẻ, nhà ăn, cửa hàng tiện lợi…; hoãn hoặc giảm giá thuê đất đối với các doanh nghiệp SME trong lĩnh vực bán lẻ đang hoạt động trên các cơ sở thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước. Đối với các cơ sở tư nhân giảm hoặc hoãn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp SME, Chính phủ sẽ giảm thuế tương đương với lượng giảm tiền thuê đất từ tháng 4 - 6.2020, với điều kiện giá trị giảm tiền thuê đất phải đạt ít nhất 30% giá tiền thuê đất ban đầu trong cùng giai đoạn. 

Thứ ba, tăng giá trị Quỹ hỗ trợ dự phòng khẩn cấp (Special Relief Fund), là quỹ cho vay được thành lập bởi Ngân hàng trung ương Malaysia cho các doanh nghiệp SME chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID 19, thêm 3 tỷ ringgit (691 triệu USD) lên 5 tỷ ringgit (1,15 tỷ USD), với lãi suất cho vay giảm từ 3,75% xuống 3,5%.

Thứ tư, tăng giá trị Quỹ Hỗ trợ Kinh tế Toàn Diện (All Economic Facility Fund), là quỹ được Ngân hàng trung ươngMalaysia thành lập để hỗ trợ doanh nghiệp SME trong mọi ngành nghề không nhất thiết phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của COVID 19, thêm 1 tỷ ringgit (230 triệu USD) lên 6,9 tỷ ringgit (1,6 tỷ USD).

Thứ năm, doanh nghiệp SME có thể vay tối đa là 75 nghìn ringgit (17,3 nghìn USD)/doanh nghiệp với lãi suất cho vay 0% và không cần tài sản đảm bảo từ Ngân hàng Tiết kiệm Malaysia. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể vay tối đa 10.000 ringgit (2,3 nghìn USD)/doanh nghiệp (cùng với lãi suất cho vay 0% và không cần tài sản bảo đảm) từ Tổ chức Phát triển Doanh nghiệp Malaysia. Để được vay doanh nghiệp cần hoạt động tối thiểu 6 tháng và chỉ được chọn 1 trong 2 chương trình vay nói trên. Tổng số tiền được cho vay từ Ngân hàng Tiết kiệm Malaysia là 500 triệu ringgit (115 triệu USD) và Tổ chức Phát triển Doanh nghiệp Malaysia là 200 triệu ringgit (46 triệu USD). Chương trình Tín dụng Vi mô là sáng kiến được thực thi bởi Ngân hàng Tiết kiệm Malaysia và Tổ chức Phát triển Doanh nghiệp Malaysia (đều thuộc sở hữu nhà nước) nhằm hỗ trợ với tất cả các doanh nhân nhỏ trong mọi ngành kinh tế bao gồm cơ sở chăm sóc trẻ, đơn vị vận hành taxi, xe bus, doanh nghiệp trực tuyến cũng như trong ngành công nghiệp sáng tạo. 

Thứ sáu, hỗ trợ tài chính lên tới 300 nghìn ringgit (0,69 triệu USD) bởi Tập đoàn Đảm bảo Tín dụng Malaysia (tổ chức tài chính sở hữu 78,65% bởi Ngân hàng trung ương Malaysia) đối với các doanh nghiệp SME đã hoạt động dưới 4 năm.

Thứ bảy, tăng mức độ bảo lãnh từ 70% tới 80% cho các doanh nghiệp SME khó tiếp cận vốn bởi Công ty Bảo lãnh Tài chính Doanh nghiệp (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Tài chính Malaysia).

Các biện pháp tăng cường dòng tiền của doanh nghiệp

Mở dịch vụ tư vấn dành cho người sử dụng lao động được khởi động từ ngày 15.4.2020, theo đó sẽ cho phép doanh nghiệp lựa chọn hoãn, tái cơ cấu và tái thiết lập mức đóng góp của doanh nghiệp. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ cung cấp dòng tiền lên tới 10 tỷ ringgit (2,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp.

Miễn nộp các khoản phạt là một trong những biện pháp của Bộ Lao động Malaysia đưa ra trong tất cả ngành nghề trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ tháng 4.2020. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ tiết kiệm 440 triệu ringgit (101 triệu USD) cho dòng tiền của các doanh nghiệp.

Hoãn thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp SME trong 3 tháng kể từ ngày 1.4.2020, riêng doanh nghiệp trong ngành du lịch được hoãn thuế thu nhập 6 tháng. Các ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng cũng được phép điều chỉnh khoản thuế thu nhập trong lần trả thứ 3, thứ 6 và thứ 9 trong một kỳ kế toán cơ bản.

Bảo lãnh tới 80% tổng khoản vay với mức độ cam kết bảo lãnh tối thiểu là 20 triệu ringgit/doanh nghiệp nhằm thỏa mãn điều kiện về vốn lưu động đối với các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, với tổng giá trị bảo lãnh 50 tỷ ringgit (11,5 tỷ USD), từ ngày 1.5 - 31.12.2020 hoặc cho tới khi giá trị bảo lãnh được sử dụng hết.

Khuyến khích các ngân hàng giãn thời gian trả nợ trong 6 tháng, chuyển đổi số dư thẻ tín dụng thành nợ có thời hạn, và tái cơ cấu nợ doanh nghiệp áp dụng với tất cả khoản vay của cá nhân và doanh nghiệp SME. Đổi lại, Chính phủ sẽ hoãn nghĩa vụ trả thuế trên thu nhập của ngân hàng từ lãi suất hoặc lợi nhuận từ cho vay, cung cấp tài chính tới sau giai đoạn hoãn trả nợ này. Việc hoãn nợ cũng được mở rộng để áp dụng với các khoản vay từ Tổ chức Phát triển Doanh nghiệp Malaysia, hợp tác xã và các cơ quan nhà nước cho vay khác.

Giảm 25% mức phạt đối với các doanh nghiệp có người lao động nước ngoài có giấy phép lao động hết hạn từ ngày 1.4 - 31.12.2020, không áp dụng với lao động giúp việc tại nhà.

Gia hạn nộp báo cáo tài chính thêm 3 tháng đối với các công ty có năm tài chính kết thúc từ ngày 30.9 - 31.12.2019.

Ngoài ra, Chính phủ Malaysia đã thành lập cổng điện tử https://imsme.com.my/portal/en/ nhằm giúp hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp SME tham gia các gói cứu trợ, cũng như thành lập đơn vị riêng tên là Laksana dưới Bộ Tài chính nhằm theo dõi, báo cáo việc thực thi các sáng kiến nói trên.
Vũ Quỳnh