Hàn Quốc

Chính sách nhất quán

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 09:46 - Chia sẻ
Hàn Quốc là một trong những quốc gia rất thành công trong thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Việc ban hành đạo luật PPP được xem là nền tảng tạo nên thành công của Seoul trong lĩnh vực này.

Sau khi Luật Thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng được ban hành vào tháng 8.1994, Hàn Quốc đưa ra cơ chế PPP, nhằm tìm kiếm và thu hút nguồn cung tài chính từ các quỹ đầu tư tư nhân vào xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như đường sá, đường sắt, cảng biển... Khi luật được áp dụng vào thực tế, có hơn 100 dự án khác nhau trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở đã được triển khai theo hình thức PPP. Tuy nhiên, trong 4 năm đầu, chỉ có 42 dự án được hoàn thành.

Năm 1999, với mục tiêu thúc đẩy thị trường PPP sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, Luật PPP của Hàn Quốc được sửa đổi theo hướng bổ sung quy tắc nhất quán, rõ ràng về phân bổ rủi ro; bổ sung quy định bảo đảm doanh thu tối thiểu, điều khoản thanh toán chấm dứt sớm, giảm thiểu rủi ro biến động ngoại hối và hình thành Quỹ Bảo lãnh tín dụng hạ tầng. Quỹ bảo lãnh tín dụng hạ tầng của Hàn Quốc được tài trợ bởi Ngân sách nhà nước, cung cấp dịch vụ bảo lãnh khác nhau cho các dự án PPP.

Bảo đảm doanh thu tối thiểu được xem là công cụ quan trọng để Hàn Quốc kêu gọi vốn dài hạn của nhà đầu tư. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ Hàn Quốc là muốn kêu gọi được vốn dài hạn thì Nhà nước phải bảo đảm chia sẻ rủi ro nếu nó xảy ra để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn. Bởi vì dự án PPP đối mặt với rất nhiều rủi ro, từ giai đoạn xây dựng, hoạt động, vận hành đến rủi ro tài chính do lãi suất, tỷ giá…

Hàn Quốc còn áp dụng cơ chế vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP (VGF) nhưng không có Quỹ VGF. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, VGF giúp dự án PPP khả thi về tài chính hơn và cũng biểu thị cam kết của Chính phủ đối với dự án. Giá trị VGF phải dựa trên sự thẩm định nghiêm ngặt của các dự án, hoặc đánh giá về sự đáng giá của đồng tiền (value for money) và thông qua đấu thầu cạnh tranh. Chính phủ Hàn Quốc giao các bộ chuyên ngành hướng dẫn mức trần phần vốn nhà nước đóng góp cho hỗ trợ trong giai đoạn xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng. Tùy từng lĩnh vực, phần vốn góp này có thể chiếm tối đa 30% (trong các dự án đường bộ, cảng), 50% (trong các dự án đường sắt) tổng chi phí đầu tư. Thời gian đầu, VGF cấp cả hỗ trợ vốn xây dựng (cho hợp đồng theo mô hình BTO) và vốn thanh toán cho nhà đầu tư trong giai đoạn vận hành (cho hợp đồng theo mô hình BTL). Tuy nhiên, quy định về vốn thanh toán cho nhà đầu tư rất chặt chẽ nhằm giảm nợ tiềm ẩn của Chính phủ; tổng chi phí thanh toán cho nhà đầu tư phải được trình Quốc hội phê duyệt.

Bên cạnh quan điểm chia sẻ rủi ro, Chính phủ Hàn Quốc còn thể hiện cam kết, quyết tâm và sự nhất quán trong thực hiện PPP. Luật PPP của Hàn Quốc quy định rõ việc ưu tiên áp dụng luật này khi có mâu thuẫn với các luật khác. Bên cạnh Luật PPP, năm 2001, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành kế hoạch 10 năm triển khai PPP; đồng thời, thực hiện các chính sách khuyến khích các dự án PPP bằng hình thức miễn, giảm thuế.

Để tạo thuận lợi, thúc đẩy triển khai PPP, Trung tâm nghiên cứu triển khai PPP (PICKO) được thành lập từ năm 1999, sau này được sáp nhập với Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng cơ sở tư nhân (PIMAC) khi Luật về Hợp tác công - tư được sửa đổi năm 2005. PIMAC ban hành kế hoạch thường niên về PPP, trong đó có những chỉ dẫn cụ thể và thực tế để ứng dụng các dự án PPP, đồng thời ban hành Cẩm nang hướng dẫn thực hiện PPP nhằm tạo sự minh bạch, thu hút sự quan tâm của khu vực đầu tư tư nhân. Vai trò của PIMAC là rất quan trọng để đưa đến thành công trong thực hiện PPP của Hàn Quốc.

Kết quả, Hàn Quốc đã thu hút mạnh mẽ nguồn vốn tư nhân, với 719 dự án đã triển khai, chủ yếu theo hình thức hợp đồng BTO và BTL. Qua hơn 20 năm thực hiện, các dự án PPP đã giúp Hàn Quốc có được sớm hơn các kết cấu hạ tầng quan trọng, giảm chi phí xây dựng, đồng thời gia tăng hiệu quả đầu tư thông qua các sáng tạo của khu vực tư nhân. Thu hút đầu tư theo phương thức PPP cũng như một chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, tạo việc làm, góp phần giúp Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng kinh tế, giảm tỷ lệ nợ của Chính phủ.

N.An