Chính sách và bằng chứng

- Thứ Hai, 14/09/2020, 06:07 - Chia sẻ
Trong bài viết quan trọng gần đây dưới tiêu đề: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Cách đặt vấn đề này hoàn toàn đúng đắn, dựa trên đánh giá khách quan từ thực tế: Nhiều chính sách không đạt hiệu quả như mong đợi; nhiều quy định khó thực thi nên lại được đề xuất sửa đổi chỉ một thời gian ngắn sau khi ban hành.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là công tác đánh giá tác động của chính sách vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và khoa học. Khi thiếu các căn cứ - bằng chứng - như vậy, nghĩa là chính sách được xây dựng trên cơ sở cảm tính thay vì trên cơ sở khoa học và lý tính.

Tiếp cận phân tích chi phí - lợi ích để so sánh hiệu quả của các phương án chính sách là một phương pháp đánh giá tác động, từ đó làm căn cứ cho đề xuất chính sách. Có thể lấy đề xuất của Chính phủ về việc chuyển chức năng quản lý hệ thống sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an quản lý, trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, làm ví dụ.

Theo đó, những lập luận cho đề xuất này phải đi kèm với bằng chứng, con số cụ thể để so sánh hiệu quả mà chính sách mới có thể đem lại. Một mặt, phải chỉ rõ những hạn chế, hoặc bất cập cụ thể của hệ thống sát hạch do Bộ Giao thông - Vận tải đang vận hành. Mặt khác, phải trả lời những câu hỏi sau bằng các con số cụ thể: Hiện có bao nhiêu cơ sở sát hạch cấp giấy phép lái xe? Nếu chuyển quyền quản lý sẽ phát sinh những chi phí hành chính nào, tốn kém bao nhiêu tiền của doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục? Rồi có bao nhiêu công chức, viên chức đang làm công việc này? Nếu chuyển đổi thẩm quyền sẽ kéo theo những thay đổi như thế nào, với chi phí bao nhiêu cho số công chức, viên chức đó?

Ngoài ra, bước làm phân tích chính sách cần phải tính toán đến các phương án khác. Ví dụ: Nếu không chuyển đổi thẩm quyền quản lý mà áp dụng các bước kết nối dữ liệu phục vụ chức năng quản lý giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông - Vận tải thì có nâng cao được hiệu quả quản lý, đồng thời chi phí thực thi cũng tiết kiệm hơn không? Dữ liệu của ngành công an nếu có thể liên thông với ngành giao thông vận tải sẽ mang lại lợi ích rất lớn trong việc phối hợp giữa 2 bên. Chỉ cần truy xuất dữ liệu từ Bộ Công an là chủ thể đó bị tịch thu bằng lái xe do vi phạm hay thực sự làm mất do sơ suất, Bộ Giao thông - Vận tải đã có thể cấp lại ngay. Hay ngược lại, cảnh sát giao thông muốn kiểm tra xem giấy tờ của một lái xe là hợp pháp hay bất hợp pháp cũng chỉ cần một động tác kiểm tra từ cơ sở dữ liệu chia sẻ của Bộ Giao thông - Vận tải.

Mỗi đề xuất chính sách khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cần được tính toán cụ thể, dựa trên dữ liệu, con số được tính toán khoa học chứ không phải chỉ bằng các lập luận nặng về phần cảm tính. Bài toán chi phí - lợi ích cần đặt ra và được tính đến; gồm cả lợi ích trực tiếp và lợi ích toàn diện của nền kinh tế chứ không phải là câu chuyện ngành nào được giao quản lý mảng nào.

Bắt đầu từ những công việc cụ thể như vậy, yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước về nâng cao chất lượng làm chính sách, pháp luật chắc chắn sẽ từng bước được hoàn thành.

Sa Nam