Chống bằng được sự trì trệ

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:28 - Chia sẻ
“Các đồng chí phải nóng ruột lên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm hôm 2.7.

Dù yêu cầu này được người đứng đầu Chính phủ đặt ra với một lĩnh vực cụ thể là giải ngân đầu tư công nhưng có thể thấy, cả bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều “phải nóng ruột lên” ở nhiều lĩnh vực khác.

Trước đó, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đã ghi nhận một thực tế: dù gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng đã được thực hiện gần 3 tháng qua nhưng đến thời điểm này, vẫn có rất ít doanh nghiệp và người lao động tiếp cận được. Lý do là bởi các điều kiện, tiêu chí hỗ trợ của chính sách này đối với doanh nghiệp và người lao động quá khắt khe. Dự kiến số lao động thuộc diện bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp được hỗ trợ lên tới 1 triệu người nhưng đến cuối tháng 6, mới có khoảng 16.000 người được hưởng chính sách này. Hay một chính sách khác là người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc. Nguồn vốn dự kiến dành cho vay ban đầu lên tới 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 3 triệu lao động nhưng đến nay, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội và trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, vẫn chưa có hồ sơ nào được giải ngân do điều kiện quá chặt.

Có phải đến tận bây giờ, những điều kiện, tiêu chí thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trên đây mới được phát hiện ra là “khắt khe quá”? Hay đến bây giờ, những vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách mới xuất hiện, mới được doanh nghiệp và người lao động phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước? Hẳn nhiên là không. Nhưng phản ứng quá chậm chạp của cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực thi chính sách thì có. Đó là chưa kể tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi chính sách cũng không hiếm.

Cuối tháng 5 vừa qua, một chuyên gia đã chia sẻ trên mạng xã hội sự bức xúc và nản lòng của các doanh nghiệp, các hiệp hội liên quan đến việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tạo điều kiện cho chuyên gia/nhà quản lý là người nước ngoài nhập cảnh để duy trì công việc của doanh nghiệp. Vị chuyên gia kể rằng, khi tiếp nhận phản ánh, bà đã phải hỏi đi hỏi lại các doanh nghiệp, hiệp hội “có được hướng dẫn việc quay trở lại khi đã có visa thì thủ tục/quy trình ra sao không” thì câu trả lời nguyên văn là “không được hướng dẫn và không ai hướng dẫn”. Vì thế, lẽ ra chỉ cần một hướng dẫn thống nhất từ cơ quan quản lý nhà nước tới tất cả các địa phương và một quy trình được công bố cho các trường hợp được nhập cảnh thì doanh nghiệp phải chạy khắp nơi, từ cơ quan này đến cơ quan khác, chạy từ địa phương ra tới Trung ương. Dù đến nay, những ách tắc trong việc thực hiện chủ trương này đã được tập trung tháo gỡ nhưng giá như các cơ quan, các cá nhân có trách nhiệm liên quan đều “nóng ruột” với sự nóng ruột của doanh nghiệp thì đã giảm bớt được bao nhiêu thời gian, công sức và cả tâm sức, đã củng cố và nhân lên được biết bao nhiêu sự tin tưởng của doanh nghiệp vào sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trong công cuộc phục hồi hoạt động sau đại dịch.

Đó chỉ là vài ví dụ cụ thể cho thấy vẫn có những cán bộ, những cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự “sốt ruột” dù những thách thức trong 6 tháng cuối năm, và thậm chí cả trong năm tới nữa, vẫn là vô cùng lớn.

Tại hội nghị giữa Chính phủ và các địa phương, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đề xuất với phương châm phải “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn kiến nghị phải thành lập hẳn một ban chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng làm trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế. Nhưng cũng phải nói cho chính xác là, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, các chủ trương, chính sách của Nhà nước ta đều đã đúng hướng. Điều chưa đúng hướng chính là khoảng cách từ chính sách đến thực thi, đặc biệt là trên “mặt trận” kinh tế vẫn còn rất xa. Việc triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch vẫn chưa theo kịp và theo đúng chủ trương của Chính phủ, của Quốc hội và Trung ương. Vì thế, để chống suy thoái kinh tế thì trước hết, phải tập trung chống và chống bằng được sự trì trệ, chậm chạp trong triển khai thực thi chính sách, tư duy “quyền anh, quyền tôi” trong hoạch định chính sách, trong quản lý nhà nước vẫn đang “cắm rễ” ở một bộ phận cán bộ, một số bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Lam Anh