Hội đồng nhân dân và cử tri Bắc Ninh

Chú trọng giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND

- Thứ Hai, 21/09/2020, 06:49 - Chia sẻ
Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Pháp chế, góp phần duy trì và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Ban theo đúng quy định của pháp luật, quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Ninh đã mang lại nhiều kết quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với các ngành, các cấp tiến tới chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nội dung này được Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bắc Ninh NGUYỄN THỊ THỦY trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân.

Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động

- Xin bà chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong hoạt động của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021? 

- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các thành viên của Ban được đánh giá tích cực, nhiệt tình, luôn giữ được phẩm chất, tư cách đại biểu HĐND, ngày càng gắn bó với cử tri và nhân dân, góp phần duy trì và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Ban. Cụ thể, Ban đã thẩm tra 80 báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại các kỳ họp để HĐND tỉnh xem xét, bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với thực tế địa phương. Hoạt động giám sát, khảo sát của Ban được thực hiện theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên tại kỳ họp, giám sát chuẩn bị báo cáo phục vụ các kỳ họp HĐND tỉnh.

Phó Trưởng Ban Pháp chế Nguyễn Thị Thủy chủ trì buổi làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Gia Bình

Ban còn giám sát, khảo sát nhiều nội dung do HĐND và Thường trực HĐND giao. Trong đó, 42 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề tập trung vào những nội dung quan trọng, mang tính thời sự, được dư luận, cử tri cũng như đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Bên cạnh đó, Ban còn kịp thời cung cấp thông tin và kiến nghị để Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, xử lý. Nhiều kiến nghị qua giám sát, khảo sát của Ban được các cơ quan đơn vị tiếp nhận và có giải pháp khắc phục, tạo chuyển biến tốt, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, thời gian qua, Ban đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức một số Hội thảo khoa học, nội dung liên quan đến lĩnh vực pháp chế như “Nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng - Thực trạng và giải pháp”; “Nâng cao hiệu quả thực hiện kết luận, quyết định sau thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo”… Thực hiện tiếp công dân theo quy định của Luật và theo phân công của Thường trực HĐND tỉnh; triển khai công tác tham gia xây dựng pháp luật và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh ban hành, bảo đảm đúng quy định và đạt hiệu quả cao.

Thẳng thắn chỉ rõ khuyết điểm

- Xin bà cho biết rõ hơn về kinh nghiệm, biện pháp để đạt được những kết quả trên?

- Qua hoạt động của Ban Pháp chế HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể rút ra một số kinh nghiệm.

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt, nắm chắc nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND. Việc bám sát nghị quyết và định hướng của cấp ủy sẽ giúp cho HĐND nói chung và các Ban của HĐND nói riêng triển khai nhiệm vụ đúng hướng và thực hiện thuận lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thứ hai, trên cơ sở chức năng, quyền hạn, Ban luôn chủ động tham gia các hoạt động của HĐND, thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công và điều hành của Thường trực HĐND. Hàng tháng, hàng quý có kế hoạch công tác sát với tình hình thực tế. Thực hiện tốt công việc của Ban, đồng thời phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên trong Ban đối với từng nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, căn cứ vào chương trình công tác, chương trình các kỳ họp hàng năm, Ban tiến hành sớm các hoạt động khảo sát, thẩm tra nội dung sẽ trình ra kỳ họp HĐND thuộc trách nhiệm của Ban. Các báo cáo thẩm tra, khảo sát cần có hàm lượng thông tin đầy đủ, thể hiện rõ quan điểm của Ban, khẳng định, đồng thuận đối với thành tích và thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết để các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tự xem xét, xử lý trước khi trình ra kỳ họp HĐND.

Thứ tư, công tác giám sát là một trong những nhiệm vụ chính của HĐND. Vì vây, ngoài việc giám sát trực tiếp các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh, Ban luôn chủ động đổi mới phương thức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Kinh nghiệm cho thấy, việc giám sát chuyên đề, những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm, bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm thuộc thẩm quyền của Ban luôn được quan tâm và dành thời gian thỏa đáng. Thực tế và kinh nghiệm cũng chỉ ra, giám sát của Ban phải tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị được giám sát phát huy tốt thành tích, thành quả và nhất là tự xử lý, khắc phục, vượt qua được những khó khăn, tồn tại. Những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cấp trên, của UBND, của HĐND tỉnh được Ban báo cáo kịp thời với các kiến nghị, đề xuất hợp lý và sát thực.

Chú trọng giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND

- Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Ban pháp chế HĐND tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì, thưa bà?

- Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban pháp chế HĐND tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo và điều hòa phối hợp của Thường trực HĐND tỉnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, theo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.

Hai là, thường xuyên tiến hành đánh giá, tổng kết hoạt động để rút kinh nghiệm trong điều hành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban. Tăng cường và duy trì các hoạt động của tập thể Ban. Lập kế hoạch công tác cụ thể để các thành viên Ban bố trí thời gian tham gia đầy đủ và trách nhiệm các hoạt động, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Ban.

Ba là, chủ động và tích cực trong việc phối hợp công tác với các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh, với MTTQ tỉnh, các đoàn thể, các sở, ban, ngành trong tỉnh và HĐND các huyện, thị xã, thành phố; trong đó, chú trọng giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, các quy định của pháp luật và chính sách giữ vững trật tự, an sinh xã hội.                         

Để hoạt động của Ban có hiệu quả cao thì nhân tố con người và điều kiện phục vụ luôn được quan tâm. Từ đội ngũ lãnh đạo đến các thành viên trong Ban, bên cạnh việc giữ vững phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, còn phải “giỏi nghề” để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Vì vậy, cần thường xuyên phấn đấu vươn lên, tìm hiểu, học tập, trau dồi thông tin, tư liệu, kỹ năng, nghiệp vụ công tác; coi trọng việc tổng kết, kiểm điểm, đánh giá hoạt động, khuyến khích đổi mới, sáng kiến trong công việc chuyên môn.

- Xin cảm ơn bà!

Phan Phương thực hiện