Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Chưa đủ sức thuyết phục

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 08:29 - Chia sẻ
Theo ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang quy định thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới là chưa đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ, quy định này sẽ làm giảm khả năng thu hút lao động có trình độ cao, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo tâm lý làm việc tạm thời, khiến viên chức không hết mình với công việc.

Giảm thu hút lao động có chuyên môn cao?

Trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, có 2 phương án được đưa ra khi bàn về nội dung này. Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Phương án 2: Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn. UBTVQH nhận thấy rằng, để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” thì nên lựa chọn phương án 1.

Khẳng định việc chọn phương án 1 như UBTVQH gợi ý là để phù hợp với Nghị quyết số 19 - NQ/TW ban hành ngày 25.10.2017 về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Vĩnh Nghi (TP Cần Thơ) lưu ý, lựa chọn phương án 1 sẽ mâu thuẫn trực tiếp với khoản 3, Điều 20, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang trình QH tại Kỳ họp này. Đó là “Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần. Sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn”.

Mặt khác, ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi thẳng thắn, tôi chưa tiếp cận được so sánh nào cho thấy, việc chuyển đổi từ hình thức ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn sang loại hợp đồng có thời hạn đối với viên chức sẽ tạo thêm động lực để nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ này? Đó là chưa nói đến sự tác động bởi quy định đến hiệu quả quản lý, điều hành cũng như hiệu quả hoạt động và tính ổn định lâu dài tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực tế, đơn vị sử dụng viên chức không ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới sẽ làm giảm khả năng thu hút lao động có trình độ cao, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo tâm lý làm việc tạm thời, khiến viên chức không hết mình với công việc. Chỉ ra thực tế này, ĐBQH Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, quy định tại phương án 1 là hoàn toàn ngược lại với mong muốn của chúng ta, đó là tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức.


Đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Khó lòng yên tâm công tác

Phân tích thêm, ĐB Triệu Thanh Dung đề xuất lựa chọn phương án 2, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn tối đa hai lần sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn nhằm bảo vệ người lao động, giúp người lao động ổn định công việc và được hưởng đầy đủ các chế độ của người lao động. Từ đó ổn định cuộc sống, tâm huyết với công việc của mình. Hơn nữa, phương án này cũng bảo đảm được các yêu cầu của Nghị quyết trung ương, khi người lao động không đủ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thì ngay trong thời gian đang làm hợp đồng có thời hạn, đơn vị sử dụng lao động có thể không tiếp tục ký hợp đồng lao động; được quyền tuyển chọn lao động mới. Nếu lao động có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc thì nên ký hợp đồng không thời hạn để họ yên tâm công tác.

Khẳng định dù chọn phương án nào thì cũng cần xác định chúng ta đang đứng trên góc độ người chủ lao động cần viên chức, hay viên chức cần người chủ lao động, ĐBQH Ngô Thị Kim Yến (TP Đà Nẵng) nêu rõ, một trong những việc sống còn của đơn vị tự chủ, đơn vị sự nghiệp công lập là phải lựa chọn được những viên chức có chất lượng, có năng lực vào vị trí công việc để bảo đảm hoạt động của đơn vị. Nếu lựa chọn phương án 1 thì phải giải quyết việc tạo công bằng cho các viên chức từ trước khi luật có hiệu lực đến sau khi luật có hiệu lực như thế nào? Vì vậy, ĐB Ngô Thị Kim Yến lựa chọn phương án 2 để bảo đảm tính tương thích với Bộ luật Lao động hiện hành và dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tạo môi trường làm việc gắn bó viên chức đối với đơn vị. Còn lo ngại về động lực làm việc thì có rất nhiều phương án như đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; công tác thi đua, khen thưởng; chế độ tiền lương…, ĐB Ngô Thị Kim Yến nói.

Quy định này nếu ban hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ viên chức trên cả nước, vì vậy mong muốn của các ĐBQH là Ban soạn thảo cân nhắc toàn diện mọi khía cạnh, lựa chọn phương án thực sự thấu đáo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cũng như quyền lợi chính đáng của viên chức, khuyến khích, tạo động lực để đội ngũ này yên tâm công tác.

Anh Thảo