Bạn đọc viết

Chưa gỡ khó được cho địa phương

- Thứ Hai, 15/07/2019, 08:15 - Chia sẻ
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Quy định này chỉ có thể thực hiện được khi giải quyết được tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đây lại là điểm nghẽn của các cơ quan được giao chủ trì xây dựng văn bản. Việc ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành thường là rất chậm, sát thời điểm văn bản luật có hiệu lực mới ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong khi đó, tại các VBQPPL đều có quy định “nội dung giao tiếp về cho HĐND, UBND tỉnh quy định hướng dẫn” làm cho địa phương lúng túng trong ban hành văn bản. Nếu áp dụng quy định, VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực, diễn ra tình trạng có những khoảng thời gian không có văn bản để quản lý.

Theo đề xuất của nhiều địa phương để khắc phục được tình trạng khoảng trống văn bản quản lý thì nên áp dụng lại quy định cũ, được quy định tại Điều 81 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Theo đó, VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp: hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ kiến nghị của các địa phương cho thấy, nguyên nhân chính của vấn đề này là việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng, việc xác định văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực đã được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Cụ thể, VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực. Trường hợp VBQPPL được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ. Đồng thời, các văn bản trên cũng đã quy định trách nhiệm lập, công bố danh mục các văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực.

Thực tế, không quá khó để có thể đưa ra các ví dụ nợ đọng văn bản. Chẳng hạn, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ 1.1.2018, tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; hoặc Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ 1.7.2019, tuy nhiên đến thời điểm này dự thảo Nghị định về Công an xã vẫn chưa được ban hành.

Nếu nhìn từ góc độ trả lời kiến nghị của Bộ Tư pháp thì thấy, pháp luật quy định đã rõ, chỉ có địa phương triển khai chưa triệt để, chưa đúng với tinh thần của luật, dẫn đến vướng mắc, lúng túng. Tuy nhiên, nếu nhìn từ việc đáp ứng nhu cầu giải quyết kiến nghị, khó khăn của địa phương trong quá trình áp dụng pháp luật thì thấy việc giải đáp kiến nghị nêu trên là chưa sát với thực tế vướng mắc của địa phương, chưa đưa ra được giải pháp tháo gỡ khó cho địa phương trong bối cảnh chưa giải quyết triệt để được vấn đề nợ đọng văn bản.

Nguyễn Minh