Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính:

Chưa tìm được sự đồng thuận

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:24 - Chia sẻ
Việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã bị nhiều đại biểu Quốc hội phản đối khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Chín. Tại phiên họp sáng 10.8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ đề xuất này, tuy nhiên, sẽ giới hạn việc áp dụng trong hai lĩnh vực có yêu cầu bức thiết nhất là xây dựng và bảo vệ môi trường, đồng thời, bổ sung một số điều kiện khác.

Không vi phạm hợp đồng dân sự, lấy cớ gì để can thiệp?

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ Chín, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề nghị không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm như quy định của dự thảo Luật. Lý do là bởi, theo Báo cáo bổ sung của Bộ Tư pháp, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định cưỡng chế là rất ít, chiếm chưa đến 1% tổng số quyết định xử phạt. Tại hồ sơ dự án Luật cũng chưa đưa ra được số liệu trong tổng số vụ việc đã ra quyết định cưỡng chế có bao nhiêu vụ việc áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành mà vẫn không có hiệu quả. Báo cáo của Bộ Tư pháp về tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không nêu khó khăn, vướng mắc về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, không khó để nhận thấy, do điện, nước là nhu cầu thiết yếu, nên nếu áp dụng biện pháp này thì không chỉ tác động đến cá nhân, tổ chức trực tiếp vi phạm mà còn tác động tiêu cực đến các cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Trong khi đó, chính sách này cũng chưa được đánh giá tác động theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo bổ sung của Bộ Tư pháp cũng mới chỉ đưa ra nhận định chung và chưa đánh giá được tác động của chính sách này. 

Một nguyên nhân khác khiến Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chưa tán thành với phương án này là bởi, thực tế hiện nay có nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng, song tình trạng chây ỳ, trốn tránh thực hiện vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.

Trong khi đó, việc cung cấp dịch vụ điện, nước đang được thực hiện theo hợp đồng dân sự giữa đơn vị cung cấp và cá nhân, tổ chức sử dụng. Do vậy, nếu trong hợp đồng không quy định cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ phải tuân thủ các nghĩa vụ đối với xã hội, thì cơ quan chức năng sẽ không thể yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ ngừng cung cấp. Chỉ ra nguyên tắc quan trọng này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề nghị, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế theo đề xuất của Chính phủ thì cần rà soát hợp đồng dân sự về việc cung cấp các dịch vụ này.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, cung cấp dịch vụ điện, nước được thực hiện theo hợp đồng dân sự, nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng, cơ quan quản lý không có cách nào để can thiệp. Trưởng ban Dân nguyện cũng lo ngại về hiệu quả của biện pháp cưỡng chế này, vì các cá nhân, tổ chức vẫn có thể tự sản xuất ra điện, nước bằng máy móc hiện có. 

Với các lý do nêu trên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc chưa bổ sung biện pháp cưỡng chế này vào dự án Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, cần có các biện pháp để khuyến khích xử phạt, nộp phạt thông qua tài khoản cá nhân, thay vì sử dụng tiền mặt như hiện nay. 

Sẽ chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp

Giải trình vấn đề được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện áp dụng một số hình thức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động… song một số tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn không chấp hành.

Nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế như đề xuất của Chính phủ sẽ tăng hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng được một số trường hợp đang bất lực trong xử lý hành vi vi phạm. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, nếu áp dụng theo phương án được trình tại Kỳ họp thứ Chín thì phạm vi ảnh hưởng sẽ rộng và quy định chưa cho thấy rõ sự dứt khoát. Vì thế, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất khu trú phạm vi áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong hai lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng hai biện pháp này cũng phải đáp ứng điều kiện rất khắt khe như tại nơi vi phạm và phải tuân theo nguyên tắc không ảnh hưởng đến quyền lợi của người trực tiếp vi phạm và người thứ ba. 

Khẳng định việc cung cấp dịch vụ điện, nước cần đáp ứng nguyên tắc của hợp đồng dân sự, song Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một thực tế, nếu một doanh nghiệp đã bị tước giấy phép, đình chỉ hoạt động vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người ở khu vực đó. Nếu nhìn trên phương diện bảo vệ quyền lợi tối đa của cộng đồng, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế vượt trên những nguyên tắc của pháp luật dân sự có thể chấp nhận được. Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này vào dự án Luật chủ yếu từ đề xuất của các bộ, ngành và địa phương.

Dẫn ra thực tế còn một bộ phận người dân chây ì trong thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tình trạng này có nguyên nhân từ cả phía người dân và cơ quan chức năng, thậm chí có trường hợp người chấp hành không được lợi như người chây ỳ. Các cơ quan chức năng cũng chưa sử dụng hết thẩm quyền của mình trong quá trình phát hiện, ngăn ngừa, xử lý, xử phạt hành vi vi phạm, dẫn đến hiện tượng chây ì, vi phạm tiếp tục xảy ra. Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp này nếu chỉ khu trú trong hai lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường, cũng như chỉ áp dụng bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Do các luồng ý kiến tán thành và không tán thành bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều có lý lẽ riêng, nên phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nội dung này sẽ được trình bày theo hai phương án để Quốc hội tiếp tục thảo luận. Trong trường hợp cần thiết, nội dung này sẽ được lấy ý kiến ĐBQH và đại biểu quyết định phương án nào sẽ trình bày dự thảo Luật theo phương án đó.

Thanh Hải