Chuẩn hóa công bố thông tin để bảo vệ nhà đầu tư

- Thứ Hai, 03/08/2020, 08:07 - Chia sẻ
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nửa đầu năm nay chứng kiến sự bùng nổ với tổng lượng phát hành trên 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Theo các chuyên gia, để góp phần phát triển lành mạnh thị trường, bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư, quan trọng nhất phải chuẩn hóa công bố thông tin.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam PHAN LINH: “Vàng thau lẫn lộn”

Do tác động của dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là thiếu hụt vốn lưu động. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó nên nhiều doanh nghiệp chọn phát hành trái phiếu.

Những doanh nghiệp quy mô nhỏ, không có tên tuổi, cơ cấu tài chính không tốt sẽ khó huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, vì vậy họ thường tìm cách đẩy lãi suất lên rất cao để thu hút nhà đầu tư. Khi đầu tư vào các doanh nghiệp này, nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro cao hơn so với những doanh nghiệp uy tín trên thị trường.

Thực tế, việc phát hành TPDN hiện còn khá mới, Nhà nước chưa kiểm soát tốt nên thị trường có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, nhà đầu tư mù mờ, thấy lãi suất cao đổ xô vào mua, đồng nghĩa với rủi ro cao. Thậm chí, có những khu đất không bán được, doanh nghiệp đẩy lên làm tài sản bảo đảm hoặc không có dòng tiền trả nợ vẫn phát hành trái phiếu với lãi suất cao, thậm chí lên tới 13 - 14%/năm. Đáng ra, ở góc độ quản lý, cơ quan nhà nước cần giúp nhà đầu tư “nhận diện” được những vấn đề này, bằng cách khuyến cáo rõ hơn thay vì chung chung, “đánh đồng” các doanh nghiệp với nhau, chẳng hạn như nên có xếp hạng tín nhiệm về trái phiếu.

Về phía nhà đầu tư nên mua trái phiếu của doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, uy tín, chấp nhận lãi suất ít nhưng an toàn. Đồng thời, phải tìm hiểu tài sản bảo đảm và nguồn tiền trả nợ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu có ngân hàng hoặc công ty chứng khoán nào đứng ra bảo lãnh thì sẽ an toàn hơn cho nhà đầu tư.

Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng TS. TRẦN DU LỊCH: Không nên mua trái phiếu kiểu phong trào

Trong 2 năm qua, chúng ta đã sửa nhiều quy định nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường để trực tiếp huy động vốn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn và uy tín đã phát hành trái phiếu thành công, trong đó nhiều ngân hàng thương mại cũng đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vì trái phiếu có độ tín nhiệm và rủi ro gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp nên về mặt quản lý nhà nước phải có trách nhiệm hướng dẫn người dân (nhà đầu tư) trong vấn đề đánh giá trước khi quyết định mua trái phiếu. Việc Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn là cần thiết. Đặc biệt, nếu thị trường xuất hiện tình trạng chạy đua lãi suất huy động, nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải thận trọng, không nên mua trái phiếu theo kiểu phong trào như mua cổ phiếu năm 2006. Nhà nước cần khuyến nghị người dân về điều này.

Về phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần phải trung thực, minh bạch thông tin theo quy định; nên phát hành thông qua tổ chức tư vấn, quỹ đầu tư uy tín (thực tế nhiều doanh nghiệp đang làm theo cách này) để bảo đảm huy động vốn được hiệu quả hơn.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup NGUYỄN QUANG THUÂN: Có quy chuẩn với đội ngũ môi giới trái phiếu

Mặc dù thị trường TPDN phát triển bùng nổ song còn khá mù mờ. Chính vì thị trường chưa minh bạch thông tin, không có thông tin nên đã đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư cá nhân.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã phân định nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư cá nhân, đưa ra các ràng buộc cho đơn vị phát hành, phân phối TPDN. Đây là sự thay đổi rất kịp thời, đòi hỏi hạ tầng phát triển thị trường TPDN cũng cần đi theo hướng này. Theo đó, việc công bố thông tin, định hạng tín nhiệm… phải được thực hiện, bởi trong khi nhà đầu tư cổ phiếu được biết thông tin qua đại hội cổ đông, công bố thông tin rất đầy đủ theo quy định thì nhà đầu tư trái phiếu lại không được như thế. Phải chuẩn hóa công bố thông tin để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu là đặc biệt quan trọng.

Có một thực tế là nhiều nhà đầu tư đổ xô mua TPDN vì lãi suất cao. Tuy vậy, nhìn từ bài học của condotel, nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác với điều này, phải tìm hiểu xem ai phát hành, họ ở đâu?... Nếu có đơn vị phân phối đứng ra cam kết thì phải biết cam kết cái gì? Chẳng hạn, họ cam kết mua lại theo giá thị trường, vậy khi đó giá thị trường bằng 0 thì nhà đầu tư có bán không? Trong quá trình làm việc với các tổ chức tư vấn tài chính để quyết định mua trái phiếu hay không, nhà đầu tư cá nhân cần tìm hiểu rõ xem các cam kết là gì, điều khoản ra sao, thời hạn bao lâu?...

Về phía quản lý nhà nước cần làm 2 việc. Hiện, quy định pháp luật cơ bản đã có và khá tốt, vấn đề ở khâu triển khai thực hiện. Theo đó, cần truyền thông không chỉ cho doanh nghiệp mà phải cho đại chúng; không thể chỉ công bố cáo bạch chung chung mà phải chuẩn hóa, chẳng hạn sau khi huy động vốn rồi thì sau 6 tháng, 1 năm… anh sử dụng vốn đó làm gì? Tức phải có mẫu biểu để người ta dễ đọc, dễ hiểu chứ không phải công bố chỉ để cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hiểu. Đồng thời, cần yêu cầu các đơn vị tư vấn phân phối minh bạch thông tin sản phẩm; có quy chuẩn với đội ngũ môi giới trái phiếu, bảo đảm họ phải được tập huấn đào tạo, cấp chứng chỉ.

Đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, việc sử dụng dịch vụ của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bởi lẽ, thông qua các đơn vị này sẽ giúp đánh giá tín dụng độc lập và quan trọng hơn, chào bán ra đại chúng thì phải công bố ra đại chúng kết quả đó (thông qua truyền thông) chứ không phải chỉ để phục vụ cho phát hành riêng lẻ hay phục vụ doanh nghiệp xác định lãi suất. Nếu doanh nghiệp có chất lượng tốt, uy tín thì sẽ bán trái phiếu thành công với lãi suất rẻ hơn (rẻ hơn bao nhiêu còn phụ thuộc cả vào uy tín của doanh nghiệp lẫn đơn vị xếp hạng độc lập). Sau khi xếp hạng xong, cả đơn vị xếp hạng độc lập cũng cần minh bạch thông tin để nhà đầu tư nhỏ lẻ biết được chất lượng của trái phiếu và khiến họ ra quyết định đầu tư.

Đan Thanh