Chung sống an toàn với dịch...

- Thứ Bảy, 15/08/2020, 08:38 - Chia sẻ
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid -19, có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ không còn những "khoảng thời gian yên bình" như trước nữa. Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương. Hôm nay dịch bệnh có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác...

Không khó để nhận thấy những diễn biến của dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Đó là việc mất dấu F0. Là chùm ca bệnh ở Hải Dương - theo đánh giá của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là rất đáng ngại. Còn theo Ban chỉ đạo thì đây là biểu hiện cho thấy cộng đồng còn rất chủ quan.

Vậy nên cần phải nhắc lại rằng, nếu trong đợt dịch trước, quan điểm là "chống dịch như chống giặc", thì nay tất yếu phải chuyển sang "trạng thái" hoàn toàn khác, quan điểm khác. Đó là dịch bệnh còn kéo dài, chỉ có thể chiến thắng được dịch bệnh khi có thuốc đặc trị hoặc có vacine đặc hiệu; là chiến lược chống dịch của nước ta là chiến dịch của nước còn nghèo, cả cộng đồng phải chung sức cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng, với phương châm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp như hiện nay, cần thiết phải triển khai đồng bộ các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”. Do đó, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Thủ tướng sớm ban hành Chỉ thị mới để chỉ đạo các địa phương và người dân triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch trong thời gian tới. Trước tiên là phải nâng mức cảnh báo. Chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là; phải chuyển sang trạng thái ứng phó mạnh mẽ hơn; siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Mỗi cấp chính quyền phải có phương án chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có tình huống dịch bùng phát. Đặc biệt, cần “cột chặt trách nhiệm của người đứng đầu các cấp” trong công tác phòng, chống dịch.

Với mỗi người dân, Ban Chỉ đạo kêu gọi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch như hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết; nếu đi ra nơi công cộng phải thường xuyên đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc… Mỗi người dân cần thay đổi thói quen để “chung sống an toàn với dịch bệnh”. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân mình, với gia đình mình, mà rộng ra là trách nhiệm với xã hội, đất nước...

Thực tế cho thấy, trong đợt dịch này, ở nhiều nơi, cả chính quyền, người dân còn có biểu hiện chủ quan, ứng phó "đủng đỉnh", chưa thực sự vào cuộc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xã là một pháo đài chống dịch”. Do đó, để phòng chống dịch hiệu quả và cao hơn nữa là có thể "chung sống" với dịch, các cấp chính quyền phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân, ấn định thời gian thực hiện, sau đó xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm vì chỉ có vừa tuyên truyền mạnh, vừa xử lý nghiêm mới có tác động cảnh báo, nâng mức phòng ngừa xã hội.

Dù chúng ta đã có kinh nghiệm trong đợt dịch lần trước nhưng những diễn biến của dịch không thể đoán định. Do vậy, cái chính là mỗi người dân phải luôn chủ động và giữ vững tinh thần "mỗi người dân là một chiến sỹ". Các cơ quan chức năng cần có biện pháp phù hợp để chủ động đối phó với những diễn biến của dịch.

Từ nay, dù không còn những "khoảng thời gian yên bình" như trước, nhưng chúng ta sẽ có các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”.

Ninh Khương