Chúng ta có lòng tin...

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 22:56 - Chia sẻ
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thời gian tới là cao điểm nhưng cố gắng đến ngày 15.8 sẽ dập được dịch. Tại Đà Nẵng, nguồn nhân lực, vật lực lớn nhất đang được huy động và ưu tiên để khống chế dịch bệnh... Những thông tin này cho thấy sự căng thẳng, khó khăn trong phòng chống dịch Covid - 19 - dù rằng chúng ta không bất ngờ, không chủ quan, không bị động.

Theo Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 9.8, từ tâm dịch Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ, có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát. Tính từ ngày 23.7 đến nay, cả nước đã ghi nhận 397 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 42 ca bệnh xâm nhập, 355 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 15 tỉnh, thành phố...

Dịch bệnh tại Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp
Nguồn: ITN

Đánh giá, dự báo diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho rằng, công tác chống dịch ở Đà Nẵng vừa qua đã được thực hiện rất quyết liệt và hiệu quả nhưng diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước rất phức tạp, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực ở các tỉnh. Do vậy, để phòng chống hiệu quả, trong thời gian tới không chỉ riêng Đà Nẵng, mà tất cả các địa phương tiếp tục phải vào cuộc, nâng cao cảnh giác, nhất là đối với những địa phương du lịch phát triển...

Không chỉ riêng Đà Nẵng, Quảng Nam mà hệ thống chống dịch, nòng cốt là lực lượng y tế, công an ở tất cả các địa phương đã được khởi động trở lại rất nghiêm túc. Dù vậy, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Vũ Đức Đam cũng yêu cầu tinh thần luôn sẵn sàng chống dịch phải được duy trì liên tục, không để lơi lỏng sau một thời gian. Theo đó, cần sớm có sổ tay, tổng kết kinh nghiệm, hướng dẫn cụ thể, để các địa phương khác có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch ngay khi phát hiện ra ca nhiễm ở trong đô thị, bệnh viện, cộng đồng... Giải pháp hiệu quả được xác định và thực hiện ngay từ ban đầu là phát hiện thật sớm, truy vết nhanh và xét nghiệm theo các nhóm đối tượng được cơ quan y tế chỉ định.

Để xét nghiệm hiệu quả nhất thì chúng ta phải truy vết được ca bệnh bằng cách kết hợp nhiều giải pháp như “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kết hợp sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh như Ncovi, Bluezone… Thế nhưng không một giải pháp nào có thể thay thế cho tất cả. Chúng ta phải thấy rõ nguy cơ dịch bệnh là thường trực, vì vậy, phải tuyệt đối cảnh giác. Không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà đặc biệt là phải nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để người dân bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, giữ vệ sinh cá nhân… cần tuân thủ hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt các ứng dụng công nghệ… Đây là trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, với gia đình và với cộng đồng - Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nếu tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, nhất là được "siết" lại cách đây một tuần thì chúng ta có lòng tin sẽ không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng - nhưng để lòng tin được củng cố vững chắc hơn như ý kiến của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Vũ Đức Đam thì mỗi cá nhân cần có ý thức cao hơn nữa trong phòng chống dịch, loại bỏ tối đa những hiện tượng như khai báo không trung thực, không khai báo hoặc không thực hiện yêu cầu cách ly của các cơ quan chức năng.

Mọi yêu cầu của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch phải tuyệt đối chấp hành...

Ninh Khương