Chuyển biến trong nhận thức và hành động

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:13 - Chia sẻ
Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã triển khai được 5 năm và thu nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm số người hút thuốc và giảm tác hại của thuốc lá tới cộng đồng. Song, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có chuyển biến trong nhận thức và hành động.

Nâng cao ý thức chấp hành

Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, sau khi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành, Quỹ đã hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh/thành phố tổ chức 205 lớp tập huấn cho 8.271 cán bộ thanh tra, công an các tỉnh/thành phố nâng cao năng lực trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt với nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế, Quỹ đã phối hợp với Bộ Công an, thanh tra Bộ Y tế tổ chức kiểm tra tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nha Trang, Huế, Hội An, Thái Nguyên. Hỗ trợ UBND một số quận tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng triển khai thí điểm việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật thông qua nghiên cứu đề xuất cơ chế mới trong kiểm tra, xử lý vi phạm và tổ chức các đoàn kiểm tra tại 3 tỉnh/thành phố.


Giai đoạn 2015 - 2018, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.740 cơ sở
Nguồn: ITN

“Giai đoạn 2019 - 2020, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ xây dựng phần mềm trên ứng dụng điện thoại di động để tăng cường sự phản ánh, giám sát của cộng đồng đối với các hành vi vi phạm, nhằm hỗ trợ các lực lượng chức năng có thêm thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính thời gian tới”.

Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP Hải Phòng Nguyễn Quang Chính cho biết, gần đây nhất, trong 3 ngày từ ngày 26 - 28.6, đoàn kiểm tra liên ngành TP Hải Phòng đã tiến hành ra quân, kiểm tra tại 15 đơn vị khối xã, phường, quận, huyện trên địa bàn về việc thực hiện các quy định của Luật. Trong số 15 cơ sở kiểm tra có 2 UBND phường, 8 khách sạn; 4 nhà hàng, quán cà phê và 1 cơ sở y tế. Một số đơn vị vẫn mắc các lỗi vi phạm như không treo, gắn biển cấm hút thuốc tại các khu vực trong nhà theo quy định của Luật hoặc có treo nhưng số lượng ít, chưa đủ; chưa ban hành kế hoạch, nội quy, cam kết về phòng chống tác hại của thuốc lá tại đơn vị. Ngoài ra, việc trưng bày thuốc lá tại các cơ sở bán thuốc lá chưa đúng quy định; một số cơ sở kinh doanh vẫn để người hút thuốc tại nơi có quy định cấm; bố trí gạt tàn, khu vực cấm hút thuốc không hợp lý, sai quy định.

Theo thống kê của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, giai đoạn 2015 - 2018, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.740 cơ sở. Cụ thể là Bộ Công an kiểm tra tại 31 tỉnh, thành phố với 952 cơ sở; thanh tra Bộ Y tế kiểm tra 276 cơ sở; UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kiểm tra 249 cơ sở; UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) kiểm tra 132 cơ sở. Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hải Phòng; UBND quận 5 và quận 10, TP Hồ Chí Minh; UBND quận Hoàng Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, đã kiểm tra 81 cơ sở. Các tỉnh, thành phố cũng tổ chức 346 đợt kiểm tra tại 2.005 cơ sở.

Kết quả từ các cuộc kiểm tra cho thấy, bên cạnh ra quyết định phạt tiền hành vi vi phạm hành chính thì việc nhắc nhở thường xuyên của lực lượng chức năng, đặc biệt là công an trong quá trình kiểm tra tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật của cá nhân và cả người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc. Việc kiểm tra lại các cơ sở đã được nhắc nhở trong những lần kiểm tra trước cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật đã được nâng lên rõ rệt.

Nâng cao năng lực kiểm tra

Mặc dù vậy, theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính còn gặp rất nhiều khó khăn, như lực lượng mỏng, trong khi ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc của nhiều người hạn chế.

Các chuyên gia cho biết, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, được bày bán khắp nơi với giá rẻ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng việc hút thuốc ngay tại những nơi có quy định cấm hút thuốc. Hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, lực lượng chức năng khó khăn trong xác định vi phạm nếu không có thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho xử phạt. Mặt khác, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá không được phép hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đi kiểm tra, xử lý vi phạm, vì vậy việc kiểm tra mới tập trung tại khu vực khách sạn, nhà hàng và một số ít cơ sở như trường học, bệnh viện, nơi làm việc, bến tàu, xe…

Nhằm giải quyết khó khăn, thách thức hiện có, thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị nâng cao năng lực kiểm tra việc thực hiện Luật, trong đó chú trọng nhắc nhở, yêu cầu chấp hành đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương để chỉ đạo tăng cường kiểm tra độc lập và lồng ghép với các đợt kiểm tra của công an các tỉnh tại các cơ sở trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Quỹ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế phối hợp với các Bộ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc thực hiện việc quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các bộ, ngành, các địa phương. Trong đó, tập trung kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá. Đồng thời đề xuất kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá.

Dương Cầm