Quảng Bình tái cơ cấu nông nghiệp

Chuyển hướng sang chất lượng, giá trị

- Thứ Ba, 08/10/2019, 08:02 - Chia sẻ
Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tập trung nhiều giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và đạt được kết quả bước đầu khá toàn diện, từng bước chuyển hướng sang chất lượng, giá trị. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Góp phần nâng cao thu nhập

Một ngày đầu tháng 10, có dịp về huyện Lệ Thủy, được ghé thăm mô hình kinh tế VCAR của ông Lê Công Lập ở xã Trường Thủy, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Theo lời kể của ông Lập, trước đây, ngoài tập trung trồng 7ha rừng cao su và cây lâm nghiệp thương phẩm, gia đình ông còn có mảnh vườn rộng gần 1ha để trồng tiêu, cây ăn quả, đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, lợn. Từ phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1.000m2 đất trồng tiêu kém hiệu quả sang trồng 30 gốc cây gấc mua từ Viện Cây ăn quả miền Nam. “Theo ước tính, mỗi gốc gấc trồng đạt yêu cầu sẽ cho từ 50 - 80 quả/năm, với giá bán trên thị trường từ 8.000 - 10.000 đồng/kg sẽ đem lại nguồn thu rất khá. Hiện, với 70 gốc gấc đang trồng thường xuyên mỗi năm cho thu lãi hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn nguồn thu từ việc bán cây gấc giống, bán gà, cá, vịt… giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định - ông Lập phấn khởi cho biết.


Mô hình nuôi bán thâm canh tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất ở huyện Lệ Thủy
Ảnh: L. Thanh

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Giang ở xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) cũng mạnh dạn đầu tư trồng cà gai leo mới. Chị Giang cho biết, cà gai leo dễ trồng, ít sâu bệnh, lại chịu được khô hạn, giá cao và dễ bán. Những năm trước, vợ chồng chị bán sản phẩm thô với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm cũng lãi hơn 100 triệu đồng. Kinh tế gia đình được cải thiện, tạo việc làm cho một số lao động thời vụ tại địa phương… Đầu năm 2018, chị Giang học hỏi kinh nghiệm, mua thiết bị để sản xuất cao cà gai leo, đồng thời đăng ký công bố chất lượng sản phẩm với thương hiệu cà gai leo Thanh Bình.

Hay như gia đình chị Phan Thị Xuyến ở xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch), chỉ với 1.300m2 đất đồi cằn cỗi trồng cà gai leo, sau hơn 6 tháng thu về gần 15 triệu đồng. “Được sự hỗ trợ của Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình, tổ hợp tác trồng cà gai leo thôn 7 và thôn 8 của xã Quảng Thạch được thành lập với 30 thành viên, trồng 4ha. Quá trình chăm sóc cà gai leo được các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn sản xuất nông sản sạch, không sử dụng phân bón, hóa chất. Nguyên liệu phơi khô được một doanh nghiệp tại huyện Bố Trạch mua với giá 30.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu khá cho các gia đình”, chị Xuyến chia sẻ… Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Phan Thanh Sơn cho biết: Thời gian qua, người dân trong xã đã chuyển đổi đất gò đồi trồng keo, tràm kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, gừng, nghệ, nén, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Giám đốc Sở NN - PTNT Phan Văn Khoa, sau 5 năm tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm trồng trọt. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển hướng sang chất lượng, giá trị; hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và thực hiện cánh đồng lớn ngày càng tăng, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. “Bên cạnh đó, chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp; đổi mới nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp được chú trọng đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân…”, ông Khoa đánh giá.

Huy động nguồn lực đầu tư phát triển

Để thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành công, cùng với chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, các địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, phù hợp với biến đổi khí hậu, nhất là chuyển đổi linh hoạt đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang các cây trồng, đối tượng khác hiệu quả cao hơn, từng bước hình thành một số vùng chuyển đổi tập trung cho thu nhập khoảng 38 - 160 triệu đồng/ha, lãi 10 - 55 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 2 - 8 lần so với trồng lúa, trong đó cao nhất là rau các loại, dưa hấu, khoai lang, mướp đắng... Đặc biệt, UBND tỉnh đã tích cực kêu gọi, đồng thời có chính sách thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn, nhất là ưu tiên theo hướng chế biến tinh, sâu. Đến nay, nhiều mặt hàng chế biến, bảo quản nông sản được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh như: Nón lá dừa thêu ren, mây tre đan, chiếu cói, tinh bột sắn, mật ong Tuyên Hóa...

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm hàng hóa chủ lực mang tính truyền thống, đặc trưng; chuyển đổi cây trồng chưa thực sự phát triển mạnh mẽ; chăn nuôi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu quy mô nhỏ, thiếu bền vững; cơ sở giết mổ tập trung, an toàn còn ít. Bên cạnh đó, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ thị trường hạn chế; thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn ảnh hưởng đến sức đầu tư phát triển sản xuất...

Để khắc phục bất cập trên, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Phan Văn Khoa cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi tập quán, phương thức sản xuất của nông dân sang hướng hàng hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất; đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông; huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; chú trọng công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế... Phấn đấu đến năm 2020, trồng trọt, chăn nuôi chiếm 62% cơ cấu ngành nông nghiệp; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2017. 

DIỆP ANH