Chuyện kể từ Atlas

- Thứ Hai, 15/04/2019, 09:49 - Chia sẻ
Có khi từng dãy núi xếp bên nhau tuyết phủ trắng đầu, khi thì cả dàn núi gân guốc như dưới địa ngục dữ tợn, có những khi vách núi muôn tầng lớp xếp san sát như những hàng ngói đều đặn. Và chỉ thỉnh thoảng, rất thỉnh thoảng thôi, một chút màu xanh của cỏ, của ô liu, của những cây lá kim khô xanh nhàn nhạt; rất hiếm khi có một mảng xanh rộng lớn, như một ốc đảo, một ngôi làng nhỏ; vậy mà kỳ lạ sao một đám hoa vàng dài dại nở, như món quà trời đất ban cho...

Atlas - Những làng đi qua

Thần Atlas nâng cả bầu trời trên vai mình - khi bé thơ tôi cứ ngỡ chỉ trong thần thoại. Vậy mà giờ đây, cả rặng núi Atlas trùng điệp hùng vĩ đang trải dần ra trước mắt tôi. 


Chúng tôi ra đi từ sáng sớm, dọc trên con đường ra khỏi thành phố là những hàng ô liu trải dài tít tắp. Tôi nhớ đến Hy Lạp với cây ô liu của Odysseus, và cảm thấy thật bất ngờ là tất cả các vùng đất tôi đi qua chưa nơi đâu nhiều ô liu như thế này. 

Điểm dừng chân đầu tiên là ở một ngôi nhà, nơi các cô gái đang xay hạt argan để lấy dầu. Dầu argan được coi là “vàng lỏng” của châu Phi, người ta bảo xoa dầu lên tóc và lên da sẽ cho vẻ đẹp óng mượt. Hạt argan nhỏ xinh như hạt hạnh nhân, dầu óng ánh vàng và sóng sánh như mật ong. 

Chặng đường đi của chúng tôi qua những đồi núi được phủ cây xanh và những rặng ô liu nối tiếp. Rồi núi cứ cao dần và màu xanh cứ thưa dần. Lác đác những làng nhỏ xíu với dăm bảy ngôi nhà màu nâu hồng. Sau nay tôi mới thấy tất cả chặng đường 600 cây số, những ngôi nhà đều một màu nâu đỏ ấy, như lẫn vào với núi, như màu của đất. Nếu những đoàn quân cưỡi ngựa lướt qua trên núi, rất có thể sẽ phóng qua mấy ngọn núi mà không biết có ngôi làng nhỏ xíu ngay dưới chân.

Ngôi làng đầu tiên chúng tôi thăm là làng Ait-ben-Haddou. Đây là một làng rất cổ của người Berber, từ mấy nghìn năm trước. Đến thế kỷ thứ VIII, những đoàn quân Ảrập đã tràn đến đây. Chắc hẳn đó là trong những thời kỳ đầu tiên mở rộng lãnh thổ của đạo Hồi. 

Đây cũng là nơi làm bối cảnh cho rất nhiều bộ phim: Jesus xứ Nazareth, Lawrence xứ Ảrập, Cám dỗ cuối cùng của Chúa, Gladiator, Game of Thrones...

Làng nằm bên dòng sông, gọi là dòng sông đá. Đang mùa cạn, chúng tôi có thể lội qua sông và dẫm lên muôn viên đá tròn trịa trơn nhẵn to nhỏ dưới lòng sông. Còn khi mùa nước lên nó có thể đến ngang thành. 


Làng có 4 tháp cao, mỗi tháp là của một gia tộc lớn, còn các gia đình ở ngôi nhà nhỏ trong thành. Nhưng bây giờ dân làng đã qua sống trên ngôi làng mới xây cách một cây cầu, chỉ còn lại mươi gia đình ở lại.

Đường đi vào làng ngoằn ngoèo như đi vào những khu thành cổ xoáy trôn ốc. Nếu so với các ngôi làng gặp gỡ tiếp theo trên rặng Atlas thì đây là một ngôi làng lớn. Tường thành được xây bằng đá xếp lên nhau, các ngôi nhà có nhà gạch và nhà bằng đất. Tường nhà rất dày để tránh nóng, và cửa sổ nhỏ xíu, trông như những lô cốt vậy. Trên các lối đi nhỏ hẹp, người ta phơi các tấm khăn xanh đỏ tím vàng được nhuộm bằng màu tự nhiên. 

Có một ngôi nhà cổ - nơi nghệ nhân vẽ các bức tranh lên giấy bằng màu nước đặc biệt. Khi cầm tờ giấy lên không thấy gì, nhưng hơ lên lửa là bức tranh dần hiện ra - đây là một cách mã hóa thời xưa. 

Để đi từ làng cổ sang làng mới, ta sẽ đi qua một cây cầu nhỏ. Bên kia là làng mới, những vẫn luôn một màu đất nâu hồng. 

Rặng Atlas trải dài mấy nghìn cây số, hoang vu, đất đá, có những nơi chen giữa mây mù mềm mại. Có những khi từng dãy núi xếp bên nhau tuyết phủ trắng đầu, có những khi cả dàn núi sửng sổ gân guốc như dưới địa ngục dữ tợn, có những khi vách núi muôn tầng lớp xếp san sát như những hàng ngói đều đặn. Và chỉ thỉnh thoảng, rất thỉnh thoảng thôi, một chút màu xanh của cỏ, của ô liu, của những cây lá kim khô xanh nhàn nhạt; rất hiếm khi có một mảng xanh rộng lớn, như một ốc đảo, một ngôi làng nhỏ; vậy mà kỳ lạ sao một đám hoa vàng dài dại nở, như món quà trời đất ban cho. 

Trong những ngôi làng nhỏ ấy, nhà cửa và tường thành cứ xen lấn, không biết đâu là nhà, đâu là thành, đâu có người ở, vì tất cả trông thật là lụp xụp, những ô hở nhỏ không ra hình cửa sổ, những bức tường nửa vỡ nửa lành, những cánh cửa gỗ nửa ọp ẹp nửa dính vào tường. Chúng tôi tự hỏi đất đai khô cằn này, dân làng lấy gì để sống. Câu hỏi này đến khi về Marrakech, tôi mới tìm hiểu và khám phá ra.

Trên chặng đường đi qua, thảng hoặc thấy bóng dáng người, khi thì là hai phụ nữ trùm khăn và thường mặc áo đen đi bên nhau, chắc trên đường về nhà; khi thì là vài ba người đàn ông, người đứng người ngồi trước một bậc thềm đầy bụi, không thấy họ nói cười gì, cứ đứng ngồi cạnh nhau thế thôi. Rất ít khi thấy trẻ con, nếu có thường chỉ thấy các em đứng tụm 3 tụm 5, thơ thẩn, không nghịch gì cả. Thế nên trên đường về, khi thấy giữa một bãi đất hoang trên núi có lũ trẻ đang đá bóng, chúng tôi thấy sinh động vô cùng.

Chúng tôi thăm một ngôi làng cổ, có những vườn ô liu xanh ngắt và một vài giống cây để lấy hương liệu. Có một hệ thống tưới tiêu nước, đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước. Người dân vẫn ăn mặc đồ hệt như ngày xưa, như trong các phim mà ta vẫn hay xem. 

Một trong các nghề chính là dệt thảm. Các màu đều được làm tự nhiên. Thảm được làm từ sợi len cừu hoặc dê. Chủ nhà giải thích cho chúng tôi cách phân biệt giữa những sợi len của cừu đang còn sống và cừu đã chết: Hãy đốt nó lên, len của cừu sống có mùi sự sống hơn, như kiểu sừng, rất khó diễn tả, còn sợi len của cừu chết thì rất ít cảm giác, chỉ là mùi khét. 

Trong lúc những người đàn ông giới thiệu rất nhiều tấm thảm với hoa văn của người Berber cho chúng tôi, thì người phụ nữ vẫn ngồi sau khung cửi để dệt len, không nhìn rõ dáng người và khuôn mặt chị. 

Sau những chặng đường dài, xe dừng lại ở nhà nghỉ. Nhà nghỉ khá đẹp, được trang trí bằng nhiều tấm thảm màu sắc rực rỡ và những bức tượng được áp gạch men hình khối cầu kỷ. Những song sắt cũng thường hay được uốn lượn với nhiều hoa văn chi tiết.

Trái với sa mạc San Pedro d’Atacama ở Chile, có nơi hơn 400 năm chưa có một trận mưa, thì nơi đây khá nhiều mưa, hay là tôi gặp may? Mưa suốt đêm nên khi chúng tôi đang đi giữa đường, qua một nơi chắc là hơi trũng thì nước chảy xiết và ô tô không qua được. 

Trong lúc chờ đợi cho dòng nước chảy mãi chảy mãi vợi dần đi, tôi mải ngắm cái giếng, giếng rất, rất sâu, đến nỗi tôi sợ không dám ngó xem, thì đã có những người kiễng chân ôm nhau, và hình như còn hôn nhau…

Mưu sinh của người Berber ở Marrakech

Mặc dù trong chủ đề Atlas, nhưng tôi sẽ kể về Marrakech, về cuộc sống của người Berber, những người từ vùng núi Atlas về đây để mưu sinh.

Tôi theo một người đàn ông râu ria và có phần hơi lam lũ đi vào những con hẻm nhỏ, lấn sâu vào những ngách, đi lắt léo không một bóng người, bước lên những bậc thang tối om để đến một khu nhà tập trung những người Berber ở núi xuống. 

“Trong những ngôi làng nhỏ ấy, nhà cửa và tường thành cứ xen lấn, không biết đâu là nhà, đâu là thành, đâu có người ở, vì tất cả trông thật là lụp xụp, những ô hở nhỏ không ra hình cửa sổ, những bức tường nửa vỡ nửa lành, những cánh cửa gỗ nửa ọp ẹp nửa dính vào tường. Chúng tôi tự hỏi đất đai khô cằn này, dân làng lấy gì để sống...”

Tất cả diễn ra thật là nhanh: Đầu tiên tôi hỏi thăm một người đàn ông trên phố đường đến một đền thờ. Ông nhiệt tình đưa tôi đến. Tôi biết mình không được vào trong vì không phải là người theo đạo Hồi. Ông nói ở đây họ cầu nguyện để có con và chỉ cho tôi hai phụ nữ vừa bước ra khỏi ngôi đền.

Rồi  ông bảo tôi đi tiếp, có chỗ này đẹp lắm. Thế là tôi cứ theo chân, mới mấy con phố còn nhiều khách du lịch và những cửa hàng lưu niệm đấy thôi, mà giờ đây sao chẳng còn thấy ai. Đường thì hẹp, cuối ngõ nhỏ dựng xiêu vẹo một cái xe máy cũ. Tôi hỏi: “Chúng ta đi đâu vậy ?”. “Ồ, tôi sẽ chỉ cho cô một ngôi mộ cổ!”.

Ngôi mộ cổ chỉ được nhìn từ bên ngoài. Và gần đó là một cái giếng cổ nay đã bị lấp. Nếu ông ấy không nói thì chẳng làm sao biết được. Bức tường này được người Ảrập vẽ. Còn cánh cửa đen chắc chắn kia là người Do Thái làm. Bức tường gạch đỏ bên trên là người Pháp sau bồi thêm vào. “Cô có thấy cánh cửa đen kia trạm trổ những hình em bé đang cúi xuống không? Người Do Thái họ đã chạm khắc như vậy”.

Chúng tôi đi vào một khu nhà lớn. Sau này tôi biết đó được gọi là caravan - vừa có nghĩa là đoàn lữ hành vừa có nghĩa là trạm dừng chân của đoàn lữ hành.

Ông giải thích cho tôi đây là khu nhà của người Berber. Hàng ngày họ mang vật liệu từ trên núi như da lạc đà, da cừu, các loại hương liệu, các loại len để dệt thảm. Mỗi đêm sẽ có 4 con lạc đà chở đầy hàng từ núi Atlas xuống, chúng sẽ vào mảnh sân nhỏ này và ngủ lại để sáng mai quay về núi mang theo lương thực và đồ dùng cho người dân trên núi. Những người Berber dỡ hàng xuống, và sản xuất ngay trong khu nhà, sau đó hàng sẽ mang bán ở ngay trong những cửa hàng của họ ở gần đấy.

Nhìn những căn phòng chật hẹp kín đồ vật liệu, tôi hỏi ông: “Vậy đây là khu sản xuất, còn khu nhà họ ở đâu?”. “Họ sẽ ăn đồ mang theo. Rồi đêm họ ngủ luôn ở đây, tại hành lang này”.

Tôi cố gắng không tỏ ra ngạt thở vì mùi xông lên: Mùi gia súc, mùi da động vật, mùi các loại phẩm để thuộc da, các loại phẩm để dệt thảm.

Ông dẫn tôi vào căn phòng nhỏ xíu khoảng 2 - 3m2: “Đây là hai thợ làm đồ chế tác mạ bạc, họ sẽ làm những chiếc ấm, những chiếc khay đựng, những chiếc đèn mà cô hay thấy ấy!”.

Còn đây, trong căn phòng dưới tầng 1 này, một người đàn ông đang gỡ các tấm da lạc đà, sau đó họ sẽ khâu thành những chiếc túi.

“Ở trong góc kia là căn phòng có hai phụ nữ dệt thảm, phòng thường đóng cửa, cô chỉ có thể nhìn từ ngoài vào qua khe cửa thôi. À, mà sao cửa đóng hẳn thế này!”

Thật lạ là tôi không còn cảm giác sợ nữa. Những người Berber thật hiền và họ có ánh nhìn rất lạ. Đôi mắt họ khi nhìn mình sẽ cô lại một điểm, và trong lúc mình nói cười, mắt mình nghiêng trái nghiêng phải nhịp theo ánh nhìn và lời nói, thì mắt họ vẫn vậy, vẫn nhìn chăm chăm vào khuôn mặt mình. Tôi đã gặp ánh mặt như thế ở cậu thanh niên trên sa mạc Sahara. Buổi đêm, khi chúng tôi ra khỏi lều để đốt lửa trên sa mạc, trời lạnh thấu xương và chúng tôi gõ trống đung đưa bên nhau. Khi dạy tôi gõ hai chiếc trống cho đúng nhịp, cậu cầm lấy hai tay tôi đập xuống mặt trống. Nhưng lúc đấy tôi thấy ngại, tôi vẫn có ấn tượng về tính bạo dạn của người Ảrập và hơi hơi muốn rụt tay lại. Cũng may vì tôi học rất nhanh nên tôi bảo tôi tự đập được và tôi đập trúng phoóc luôn nên cậu không nghĩ ngợi gì.

Lát sau, khi chúng tôi ngồi túm tụm lại bên đống lửa, cậu chính là người đầu trò kể chuyện: “Ở dân tộc của chúng tôi có tục lệ, sau mỗi bữa tối, các gia đình sẽ quây quần quanh đống lửa giữa các lều trại để kể chuyện và đố nhau các câu đố từ ngày xưa”. Thế rồi cậu đố mấy câu đố. Khi ấy tôi thấy ánh mắt cậu long lanh rất thông minh tinh nghịch, thật là trong sáng và chan hòa, khác với ánh mắt chăm chăm nhìn lúc đánh trống. Thế là tôi mới hiểu họ hơn, những con người rất hiền hòa, thân thiện và hóm hỉnh. Chúng tôi vừa đố vừa cười nghiêng ngả đến hơn 1 giờ đêm mới về lều.

Quay trở lại người đàn ông Marrakech, vừa dẫn tôi đi ra khỏi caravan, ông vừa kể rất tự hào: “Tôi là người gác tất cả những ngôi mộ này, những cánh cửa này, cô thật may đã gặp tôi. Tôi làm nghề này từ bé, vì bố tôi cũng làm. Bố tôi đã mất lâu rồi, phải ba tháng trước”.

Và ông chỉ cho tôi những ngôi nhà bán sản phẩm trực tiếp ngay gần đó. Hương liệu được cất trong các bao tải lớn. Đủ loại tinh dầu, argan là nhiều nhất, hoa hồng, hạt xương rồng, hoa nhài, hoa cam cũng vô cùng nhiều. Ôi hương hoa cam của nàng góa trong Zorba xưa!

À, tôi chưa kể trước khi gặp người đàn ông áo đen, tôi còn đi dạo khu Souks sầm uất, và thích thú ngắm một người đàn ông đang tiện gỗ. Ông cho tôi xem ảnh bố ông ngày xưa đã được chụp cùng vua, và cũng như người gác mộ, ông rất tự hào vì nối nghiệp bố. “Tôi đã tiện những quân cờ từ năm 8 tuổi”. 8 tuổi phải chăng là khi một đưa trẻ bắt đầu tự hào về bố, vì mình giống bố, vì mình được chia sẻ với bố những niềm vui.

Còn muôn câu chuyện ở trong đầu tôi nữa. Nhưng cứ mỗi đêm tôi lại kể một câu chuyện ư, thế thì phải 1001 đêm tôi mới kể hết chuyện mất. Nếu như tôi có thể thì một nụ cười, một ánh nhìn, một chiếc ấm, một cái đèn, một ô cửa mở ra trên con phố hẹp cũng sẽ là một câu chuyện của tôi. Vậy nên chuyện Atlas đến đây thôi dừng lại.

Tùy bút của Phan Thị Hà Dương