Phim hoạt hình Việt Nam

Chuyên nghiệp để bứt phá

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 06:17 - Chia sẻ
Hơn 60 năm qua, hoạt hình Việt Nam vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trong lòng khán giả nước nhà, chứ chưa nói chuyện xuất khẩu. Vài năm trở lại đây, hàng loạt studio hoạt hình tư nhân ra đời đã tạo được tiếng vang, song cũng đặt ra nhiều vấn đề.

Chưa có thị trường đúng nghĩa

Trong lịch sử phát triển hơn 100 năm, phim hoạt hình thế giới đã có nhiều tác phẩm hay, giàu tính nghệ thuật, nội dung sâu sắc và chinh phục khán giả thành công. Còn Việt Nam, dù đã có 60 năm học hỏi và phát triển, nhưng kể từ phim đầu tiên “Đáng đời thằng cáo” sản xuất năm 1959, phim hoạt hình vẫn chưa có bước tiến đáng kể, thậm chí bị đánh giá là tụt hậu rất nhiều so với nhu cầu của khán giả và xu hướng phát triển trên thế giới. Đây là mệnh đề gợi mở trong cuộc trò chuyện với chủ đề “Nghề làm phim hoạt hình” diễn ra vừa qua, do Học viện Nghệ thuật và Thiết kế Monster Lab phối hợp với đơn vị sản xuất phim hoạt hình Dee Dee Studio tổ chức, nhằm phân tích những cơ hội, thách thức và tìm ra hướng đi của phim hoạt hình Việt Nam.

Năm 2019, phim "Tàn thể: Tiền truyện" gây tiếng vang với nhiều giải thưởng quốc tế

Từ góc nhìn trong cuộc, Giám đốc Dee Dee Studio Đặng Hải Quang thẳn thắn nhận định: “Việt Nam hiện nay chưa có thị trường phim hoạt hình”. Theo đó, hoạt hình Việt Nam chủ yếu dựa trên mô hình sáng tạo của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, hướng tới phục vụ mục đích giáo dục, tuyên truyền là chính. Chỉ vài năm trở lại đây mới bắt đầu xuất hiện một số đơn vị tư nhân như Vin Ta Ta, Colory Studio, F.Studio... được đánh giá cao, sản xuất phim có chất lượng, có điều chưa thể tạo ra thị trường đúng nghĩa. “Thế giới vẫn chưa biết đến phim hoạt hình Việt Nam như một địa chỉ có những họa sĩ tốt, có thể làm phim chất lượng, mà chỉ nghĩ đây là thị trường rất nhỏ, không đáng để nhắc tới”.

Lấy ví dụ về chính trải nghiệm của Dee Dee Studio, đầu năm 2019, đơn vị này ra mắt bộ phim hoạt hình ngắn “Tàn thể: Tiền truyện” nhận được phản hồi tích cực từ công chúng, giành nhiều giải thưởng tại một số liên hoan phim uy tín (như Giải Phim 2D Xuất sắc nhất tại Khem Animation Film Festival, Hoa Kỳ; lọt vào chung kết tại Montreal International Animation Film Festival - Animaze, Canada...), được chọn trình chiếu tại Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, tiếng vang đó chưa đủ giải tỏa định kiến. Giám đốc Đặng Hải Quang lý giải: “Khi ra quốc tế kêu gọi vốn hay đấu thầu dự án phim, hầu như các nhà đầu tư nước ngoài thấy tên của Việt Nam là bỏ qua. Bởi nhìn ngay trong khu vực Đông Nam Á có Phillipines, Thái Lan, Malaysia là những nước có nền công nghiệp hoạt hình khá phát triển. Họ đã outsource (gia công) cho những hãng phim như Disney, Pixar... hay các hãng phim của Trung Quốc, Nhật Bản từ 20 - 30 năm nay. Họ có tích lũy chuyên môn và trình độ, nguồn dữ liệu riêng đáp ứng được thị trường cung - cầu, điều mà rất khó để trong thời gian ngắn Việt Nam có thể sánh ngang”.

Chưa kể, hoạt hình còn vấp phải rào cản đến từ suy nghĩ ăn sâu vào nhiều thế hệ khán giả Việt, đó là thể loại dành cho trẻ con, không đủ sâu sắc để truyền tải những điều to lớn. Còn những vấn đề như vậy, theo Giám đốc nghệ thuật của Dee Dee Studio Hà Huy Hoàng, thị trường phim hoạt hình nước nhà càng khó phát triển. “Để chọn xem một phim hoạt hình của Việt Nam, để thích đến nỗi in hình nhân vật nào đấy lên áo, lên cặp sách hầu như không có. Để tạo ra những nhân vật được thích như chuột Mickey, thích Người dơi, Người nhện, Picachu... sẽ là một hành trình dài”.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Không thể một sớm một chiều sánh ngang với những nước có nền tảng làm phim hoạt hình vững chắc, nhưng cánh cửa cơ hội dường như đang mở ra. 2 - 3 năm gần đây, cùng với sự ra đời của nhiều đơn vị làm phim tư nhân đã có sự chuyển hướng của “dòng chảy” phim hoạt hình Việt. Sự dịch chuyển đó cho thấy, câu chuyện phát triển không phải như nhiều ý kiến nhận định, rằng chỉ có thể đầu tư mạnh tay, ứng dụng kỹ xảo làm phim mới - phim 3D, thì hoạt hình Việt mới có cơ may bứt phá, phát triển thị trường hay cạnh tranh được với các tác phẩm hoạt hình ngoại nhập, và vươn ra quốc tế.

Thực tế, mỗi năm chỉ số ít bộ phim hoạt hình 3D thật sự chất lượng ra đời, phần lớn của Disney, Pixar hay DreamWorks... là những xưởng phim có tiềm lực rất mạnh, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, làm một bộ phim trong vòng vài năm. Trong khi đó phim hoạt hình 2D lại chỉ dẫn một hướng đi tiềm năng. Theo báo cáo từ ngành công nghiệp hoạt hình toàn cầu, năm 2019, dòng phim hoạt hình thế giới mang về doanh thu 250 tỷ USD, dự báo năm 2020 con số này có thể đạt 270 tỷ USD, riêng phần đóng góp của nền tảng streaming (trực tuyến) lên tới 100 tỷ USD. Khảo sát vài năm gần đây, phim hoạt hình trên nền tảng streaming như Netflix, Hulu, Amazon... phát triển rất nhanh. Đó chính là cơ hội để những đơn vị làm phim chưa được biết đến nhiều như của Việt Nam có thể bước ra thế giới và vươn lên nhanh chóng.

Trên thực tế, nhiều đơn vị làm phim tư nhân của Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất phim 2D nhằm tiếp cận các nền tảng streaming, thay vì chiếu rạp - vốn rất khó cạnh tranh với “bom tấn” của các hãng hoạt hình lớn. Với cách tiếp cận mới này, cơ hội được san đều cho tất cả studio làm phim hoạt hình chứ không chỉ dành riêng cho một vài quốc gia vốn được coi là trung tâm outsource của hoạt hình thế giới như trước. Bên cạnh đó, sự ra đời và thành công của nhiều phim hoạt hình do các studio tư nhân sản xuất vài năm qua một lần nữa cho thấy tiềm năng, họa sĩ Việt Nam với trình độ và kỹ năng của mình hoàn toàn có thể đem đến tác phẩm tốt về nội dung và nghệ thuật, chinh phục khán giả.

Để tận dụng cơ hội và tiềm lực hiện có, điều quan trọng là nhận thức về sự phát triển của ngành này như thế nào? Đặt câu hỏi như vậy, Giám đốc Dee Dee Studio Đặng Hải Quang nêu ra 3 vấn đề: Khâu cốt lõi là nguồn nhân lực đầu vào cho các xưởng phim; thứ hai là tư duy về đường hướng phát triển của phim hoạt hình Việt; thứ ba là chính các xưởng phim tư nhân phải nỗ lực hòa nhập với quốc tế. “Đơn cử, trong khi thế giới đã chuyển đổi, sử dụng phần mềm làm phim hiện đại nhưng bạn vẫn loay hoay sử dụng phần mềm cũ, thì sẽ không ai làm việc với bạn. Cho nên, điều chúng ta cần là tầm nhìn dài hạn, và tính chuyên nghiệp từ cái cơ bản nhất”.

Thái Minh