Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

Chuyển từ chỉ đạo, kiểm soát sang giao quyền, giám sát

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:10 - Chia sẻ
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nước ta ngày càng phát triển; chất lượng đào tạo nghề nghiệp dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, quản lý nhà nước về GDNN còn bộc lộ khá nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Manh mún và chồng chéo

PGS.TS. Mạc Văn Tiến chỉ ra sự manh mún và chồng chéo cả về chức năng và hoạt động quản lý nhà nước về GDNN trong một thời gian dài. Cho đến giữa năm 2016 vẫn chưa có sự thống nhất quản lý nhà nước về GDNN, mặc dù Luật GDNN có hiệu lực thi hành từ 1.7.2015. Việc quản lý nhà nước về GDNN vẫn do hai Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đảm nhận. Cho đến đầu tháng 9.2016, Chính phủ mới chính thức giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GDNN. Mặc dù vậy, ở các địa phương vẫn có sự chồng chéo về quản lý giữa hai ngành lao động, thương binh và xã hội và giáo dục và đào tạo. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất và khó kiểm soát, cản trở hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả hệ thống GDNN.

Chúng ta cũng chưa định hình được mô hình quản lý phù hợp. Theo PGS.TS. Mạc Văn Tiến, hiện tại, quản lý nhà nước về GDNN cũng như quản lý nhiều lĩnh vực khác vẫn mang dáng dấp của quản lý thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, nghĩa là vẫn đang quá trình chuyển quản lý kiểu Nhà nước “cai trị” sang Nhà nước “quản lý và phục vụ”, nhưng khá chậm chạp. Với cách quản lý cũ, cơ quan quản lý nhà nước còn thể hiện quyền lực bằng việc làm thay, ôm đồm quá nhiều công việc không đúng với chức năng quản lý mà đúng ra đó là công việc của nhà trường, của địa phương, thậm chí của cộng đồng. Kết quả là cấp dưới (địa phương, cơ sở GDNN) trông chờ, ỷ lại vào cấp trên (Trung ương), không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cơ sở GDNN. Đồng thời, mô hình quản lý này rất dễ nảy sinh hiện tượng độc quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi mà thiếu sự giám sát.

Trong khi đó, hệ thống GDNN ngày càng phức tạp, do số lượng trường tăng, nhất là trường tư, do vậy nhiệm vụ quản lý đòi hỏi cao hơn và chuyên nghiệp hơn. Điều này cho thấy mô hình cũ (hiện tại) về một cơ quan trung ương về GDNN thực hiện kiểm soát toàn bộ hệ thống theo kiểu hành chính không còn phù hợp, đòi hỏi thay đổi mô thức quản lý tập trung một cách chi tiết kiểu “cầm tay chỉ việc” cho các trường sang dựa vào những hình thức giám sát hay quản lý chất lượng “đầu ra” tinh tế hơn. “Đã đến lúc phải đổi mới mô hình quản lý, đẩy mạnh quá trình chuyển từ mô hình Nhà nước quản lý sang mô hình Nhà nước phục vụ và kiến tạo theo tinh thần Điều 3 Hiến pháp năm 2013” - PGS.TS. Mạc Văn Tiến nhấn mạnh.

Chưa kể, thiếu sự tham gia, giám sát, phản biện xã hội trong hoạt động quản lý nhà nước về GDNN là một nguyên nhân khiến một số văn bản pháp luật ban hành tính khả thi không cao, vừa ban hành đã bộc lộ bất cập, phải sửa đổi, điều chỉnh, hoặc không theo kịp thực tiễn, vừa ban hành đã thấy lạc hậu. Đồng thời, PGS.TS. Mạc Văn Tiến thẳng thắn đánh giá, hoạt động của hệ thống GDNN chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của doanh nghiệp cũng như thị trường lao động.  Sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước khá hạn chế, còn tâm lý cục bộ, “so kè” quyền lực, khó “ngồi” với nhau để cùng giải quyết vấn đề. Điều này dẫn đến việc nhiều chủ trương của Đảng, nhiều chỉ đạo của Chính phủ chậm được triển khai trong thực tiễn.


Một giờ học tích hợp của Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Ảnh: Đức Kiên

Tách bạch quản lý nhà nước và quản trị nhà trường

Để khắc phục những bất cập nêu trên, PGS.TS. Mạc Văn Tiến đưa ra một số khuyến nghị đối với quản lý nhà nước về GDNN. Theo đó, tách bạch quản lý nhà nước và quản trị nhà trường; phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý GDNN theo hướng chuyển dần vai trò từ chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ sang giao quyền, hỗ trợ và giám sát. Thực sự thực hiện mô hình quản lý lấy nhà trường làm cơ sở. Xác lập vai trò thực chất của Hội đồng trường là đại diện chủ sở hữu, đại diện tinh thần phát triển và đại diện giải trình.

Theo định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, tự chủ của các cơ sở GDNN phải hướng tới mục tiêu bình đẳng giữa trường công và trường tư trong hoạt động đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, PGS.TS. Mạc Văn Tiến đề nghị, thời gian tới, các cơ quan của Chính phủ phải tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để trao quyền hoàn toàn cho các cơ sở GDNN, gắn với trách nhiệm giải trình và sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội. “Quản lý nhà nước về GDNN cần chuyển mạnh từ hệ thống nhà nước kiểm soát chi tiết sang hệ thống nhà nước chỉ đạo và giám sát. Nói cách khác, Nhà nước trao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở GDNN, nhất là hội đồng trường và hiệu trưởng nhà trường trong hoạt động đào tạo, đây chính là tạo môi trường tự chủ”.

Hương Linh