Xem - Nghe - Đọc:

"CLARK GABLE CỦA ĐIỆN ẢNH MIỀN NAM"

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 05:20 - Chia sẻ
Cùng với Kiều Chinh, Trần Quang là nhân vật quan trọng và truyền cảm hứng nhất đối với tôi khi thực hiện cuốn Khảo cứu về "Điện ảnh miền Nam giai đoạn 1954 - 1975" có tên "Người tình không chân dung" vừa ra mắt độc giả.

Không chỉ là một nam tài tử sáng giá nhất, Trần Quang còn là một nhân chứng, một người ở lại sau 1975 để đóng phim với các đạo diễn miền Bắc hay Việt kiều; đồng thời, ông cũng lưu giữ nhiều kỷ niệm quý giá về những nhân vật không còn nữa hoặc không muốn xuất hiện nữa, như đạo diễn Lê Hoàng Hoa, Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Mộng Hoàng hay những nữ tài tử như Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga...

Nếu Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương được xem là “tứ đại mỹ nhân”, những minh tinh nổi bật nhất của điện ảnh Sài Gòn thì ở phía tài tử nam, Trần Quang là một trong vài gương mặt sáng giá nhất, bên cạnh Hùng Cường, Thành Được, La Thoại Tân... 

Dù tận đến năm 1967, Trần Quang mới bắt đầu bước chân vào điện ảnh và đóng bộ phim đầu tiên, nhưng ông nhanh chóng trở thành tài tử đắt giá nhất, xuất hiện liên tục trong khoảng 20 bộ phim cho đến khi điện ảnh miền Nam chấm dứt.

Thời điểm đỉnh cao, Trần Quang sống với hào quang của điện ảnh, được so sánh với ngôi sao Clark Gable (Rhett Butler trong “Cuốn theo chiều gió”) của điện ảnh Mỹ và luôn có những mỹ nhân vây quanh.  

Ở tuổi xấp xỉ bát tuần, Trần Quang vẫn có dáng dấp của một tài tử phong lưu với đôi mắt đa tình và hàng ria con kiến mà ông giữ trong suốt hơn 50 năm, trở thành “đặc điểm nhận dạng” không thể trộn lẫn của ông với bất cứ tài tử nào khác. Ông vẫn đi về giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi đã vài lần gặp Trần Quang tại Việt Nam, cũng từng viết về ông trước đây nên khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn ông cho dự án khảo cứu điện ảnh miền Nam, Trần Quang vui vẻ nhận lời. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại villa của con gái ông ở thành phố Houston - bang Texas. Và những hồi ức của Trần Quang về một thời hoàng kim của điện ảnh miền Nam lại một lần nữa sống dậy.

**

Khi quyết định thi vào trường Quốc gia âm nhạc, Trần Quang còn chưa phân biệt được giữa ca kịch (cải lương) với thoại kịch (kịch nói) nhưng ông có lợi thế về ngoại hình, đài từ và cái bản năng nghệ thuật có sẵn trong máu. Trong kỳ thi năm đó, ông đỗ đầu trong số 115 thí sinh. Và cứ qua mỗi năm, ông đều giữ vị trí số một trong suốt bốn năm học. Năm 1963, Trần Quang tốt nghiệp với vị trí thủ khoa nhờ diễn vai hai nhân vật kinh điển của sân khấu là Hamlet và Thành Cát Tư Hãn. Ông được bạn bè trong khóa gọi là Đại Hãn thay vì cái tên Trần Quang.

Trần Quang trong lần nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Sài Gòn

Nhưng sau khi ra trường, ông chưa hoạt động nghệ thuật ngay vì nghĩ rằng mình còn quá ít trải nghiệm ở cuộc sống. Ông đi làm hướng dẫn viên du lịch, dẫn khách nước ngoài rồi sau đó đăng ký khóa thông dịch viên cho quân đội Mỹ và sinh hoạt trong quân đội. Tình cờ một bữa về phép đang chạy xe máy trên đường phố Sài Gòn thì bỗng nhiên có một chiếc xe jeep đuổi theo và chặn ngay trước mặt ông. Lúc đó Trần Quang hoảng hồn nghĩ quân cảnh bắt ông vì để tóc dài nhưng ngay sau đó, ông thấy một người đàn ông cao lớn lừng lững bước xuống và bảo, Trần Quang, cậu biết tôi là ai không?

Trần Quang trả lời không biết. Ông ta nói tiếp, tôi là đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Lúc đó, Trần Quang mới thở phào và trả lời, “dạ thưa, tôi có biết vì có nghe tên ông qua một số bộ phim”. Hoàng Vĩnh Lộc liền dẫn Trần Quang vào một tiệm cà phê ngồi rồi mở chiếc cặp Samsonite ra và đưa cho ông một bản hợp đồng, kêu đọc kỹ rồi ký tên. Nhìn Trần Quang mắt tròn mắt dẹt, Hoàng Vĩnh Lộc nói, “tôi đi tìm cậu mấy tháng nay để mời cậu đóng phim”. Thì ra, dù biết Trần Quang không sinh hoạt văn nghệ nhưng Hoàng Vĩnh Lộc vẫn ấn tượng với hai vai diễn tốt nghiệp của ông trong "Hamlet" và "Thành Cát Tư Hãn" nên quyết đi tìm ông bằng được để mời đóng trong bộ phim do ông đạo diễn là "Xin nhận nơi này làm quê hương". Đó là cánh cửa đầu tiên mở ra để ông bước vào đại lộ điện ảnh thênh thang sau đó...

**

Nhiều ký ức không thể quên khác, với những bộ phim về giang hồ du đãng nổi lên như một trào lưu của điện ảnh Sài Gòn cuối thập niên 1960, đầu 1970 như “Điệu ru nước mắt”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (đóng chung với Thanh Nga, Bạch Tuyết), hay những phim lãng mạn như “Như giọt mưa sa”, “Nàng” (với Thẩm Thúy Hằng); “Như giọt sương khuya” (với Bạch Tuyết), “Người tình không chân dung”, “Hồng Yến” (với Kiều Chinh)... cũng được Trần Quang kể lại với những ký ức tươi rói như vừa mới diễn ra ngày hôm qua. Cuộc phỏng vấn ghi hình của chúng tôi diễn ra xuyên trưa với những câu chuyện ngồn ngộn chất liệu. Hứng lên, Trần Quang diễn lại một đoạn thoại dài trong một bộ phim với chất giọng, đài từ của một diễn viên chuyên nghiệp mà tôi đồ rằng khó có thể tìm thấy một nam diễn viên bây giờ.

**

Trong chưa đầy 10 năm đóng phim ở miền Nam trước 1975, Trần Quang diễn chung với hầu hết các diễn viên nữ ăn khách nhất lúc đó. Thời điểm đầu 1970, cái tên Trần Quang nổi tiếng đến mức ký giả Sài Gòn thời đó so sánh ông với Clark Gable nhờ hàng ria con kiến (ông vẫn giữ sau 50 năm) và đôi mắt quyến rũ. Sau giải thưởng đúp của Giải Văn học Nghệ thuật và giải Kim Khánh do khán giả bầu chọn, Trần Quang trở thành "Ảnh đế" và sống như một ông hoàng ở Sài Gòn. Ông cũng được mời cộng tác với điện ảnh Hongkong để đóng hai vai chính trong hai bộ phim “Long hổ sát đấu” của đạo diễn Hàng Anh Kiệt (người từng chỉ đạo Lý Tiểu Long trước đó) và “Hải vụ 709”...

**

Sau 1975, từ một ông hoàng, Trần Quang phải đi "diễn chui" với nhóm ca sĩ Duy Khánh, Châu Cường, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Lan... về các tỉnh Nam bộ. Từ những ông hoàng bà chúa sống trong những villa biệt thự hay đi nước ngoài dự LHP, đóng phim; họ phải diễn ở đình ở chợ, đêm về nằm xếp cá mòi trong những căn phòng chật hẹp, nhưng Trần Quang nói ông vẫn hạnh phúc vì vẫn tiếp tục được đi diễn và được khán giả hâm mộ cuồng nhiệt.

Niềm vui của Trần Quang trong giai đoạn đó là gặp gỡ những diễn viên tài năng của miền Bắc như Thế Anh, Trà Giang, Như Quỳnh hay Phương Thanh. "Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Nghệ sĩ yêu quý nhau vì tài năng chứ không quan trọng giới tuyến.” Những cuộc gặp gỡ đó cũng giúp Trần Quang có cơ hội được các đạo diễn miền Bắc hoặc Việt kiều trở về mời đóng phim. Hai bộ phim thành công nhất mà Trần Quang hợp tác với điện ảnh miền Bắc sau 1975 là “Tội lỗi cuối cùng” của đạo diễn Trần Phương (diễn chung với Phương Thanh) và “Con thú tật nguyền” của đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh...

**

Trần Quang còn kể và cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý giá để phục dựng những chân dung của hai đạo diễn tài năng đã qua đời là Lê Hoàng Hoa và Hoàng Vĩnh Lộc. Đó là hai đạo diễn mà ông cộng tác nhiều nhất, làm nên tên tuổi của ông, đồng thời là những người bạn thân ngoài đời. Những tư liệu quý giá đã giúp tôi viết chân dung về hai đạo diễn lớn nhất của điện ảnh Sài Gòn mà tôi không bao giờ có cơ hội để được gặp mặt.       

Đây chỉ là một phần nhỏ trong bài chân dung về Trần Quang hay những nhân vật khác của điện ảnh miền Nam mà tôi đưa vào trong cuốn sách “Người tình không chân dung” vừa ra mắt độc giả.

Thuỷ Lê