Chia sẻ rủi ro về tăng - giảm doanh thu dự án PPP:

Cơ chế đặc biệt, bảo đảm tính hấp dẫn của dự án

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 10:37 - Chia sẻ
Cùng với việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) thì việc bảo đảm tính hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư cũng là yêu cầu hết sức quan trọng. Chính vì thế, tại phiên thảo luận sáng qua, 28.5, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Trong đó, phương án chia sẻ rủi ro theo phần tăng, giảm doanh thu của dự án được nhiều đại biểu ủng hộ bởi vừa hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư vừa bảo đảm tính hấp dẫn của dự án PPP.

“Lời cùng hưởng, lỗ cùng chịu"

Cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án PPP là một trong những nội dung gây tranh luận nhiều nhất của dự luật này kể từ khi được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám. Trong đó, mặc dù cơ bản nhất trí phải có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư dự án PPP nhưng các ĐBQH đều hết sức e ngại trước những điều khoản được đưa ra trong dự luật trình Quốc hội lần đầu. Vì thế, tại phiên họp sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội 2 phương án quy định về chia sẻ rủi ro. Theo đó, phương án 1 chia sẻ rủi ro về doanh thu và xác định rõ căn cứ, điều kiện áp dụng, cơ sở xác định các mức tăng tỷ lệ trong cơ chế này... Phương án 2 chia sẻ phần lỗ, lãi của dự án. Các căn cứ, điều kiện áp dụng cơ chế này cũng được làm rõ trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý.


Đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Đa số ĐBQH tán thành với phương án 1 với lý do chung là kiểm soát qua doanh thu sẽ bảo đảm thuận lợi và minh bạch hơn. Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), dự án PPP được thực hiện trong nhiều năm, thời điểm hoàn vốn có thể lên đến hàng chục năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (tức bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính. Hơn nữa, có nhiều yếu tố tác động trong thời gian thực hiện và đưa vào khai thác, sử dụng dự án (ví dụ: thay đổi tỷ giá, lãi suất vay... ) sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dự án PPP cố tình tăng cao các chi phí quản lý để tránh lãi phát sinh lớn hoặc nếu lỗ sẽ lỗ nhiều hơn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Mặt khác, sụt giảm doanh thu lớn sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp, có khả năng tác động đến khả năng trả nợ đối với bên cho vay, do đó, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, cần có cơ chế để xử lý ngay cho từng năm như quy định tại Khoản 4 Điều 84 của dự thảo Luật.

Cũng chọn phương án 1, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lập luận, doanh thu của dự án PPP được tính trên cơ sở số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ công khi thiết kế dự án. Nếu như khi triển khai thực hiện, số lượng khách hàng sụt giảm thì tổng doanh thu sụt giảm. Như vậy, những phương án tài chính của nhà đầu tư cũng sẽ bị thay đổi theo, ví dụ, thời gian thu hồi vốn hoặc giá dịch vụ công. Chính vì vậy, Nhà nước phải chia sẻ với nhà đầu tư khi doanh thu giảm do lượng khách hàng giảm xuống. Lượng khách hàng mà vẫn giữ nguyên, doanh thu vẫn giữ nguyên nhưng nhà đầu tư đầu tư không tốt dẫn đến lỗ thì nhà đầu tư phải chịu, hoặc nhà đầu tư quản lý tốt mà có lãi thì nhà đầu tư sẽ được hưởng. Do vậy, không nên dựa vào con số lỗ lãi của dự án để thiết kế cơ chế chia sẻ giữa Nhà nước và nhà đầu tư. ĐB Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cần quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật phương thức kiểm soát doanh thu dựa trên kiểm soát lượng khách hàng sử dụng dịch vụ công theo cam kết như trong dự án và trong hợp đồng. Lưu ý, phương án 1 xác định nhà đầu tư được chia sẻ nếu doanh thu thực tế bị ảnh hưởng bởi lỗi của Nhà nước, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng đề nghị dự thảo Luật cần xác định "do lỗi của Nhà nước" rõ hơn để bảo đảm chặt chẽ.

Về cơ sở xác định tỷ lệ trong cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, để bảo đảm sự bình đẳng và mang đúng bản chất của đối tác công - tư thì tỷ lệ cố định của chia sẻ rủi ro 50% - 50%, theo ĐB Nguyễn Thanh Hiền là phù hợp. Theo đó, khi doanh thu thực tế chỉ bằng tối đa 75% doanh thu theo phương án tài chính của dự án thì Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu và khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu.

Cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư cần thực hiện theo nguyên tắc kinh tế thị trường, “lời cùng hưởng, lỗ cùng chịu”. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng đề nghị, để thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP thì dự thảo Luật cần có cơ chế ưu đãi hơn. Những việc gì người dân làm được thì Nhà nước không nên làm. “Như vậy, chỉ tập trung vào những vấn đề cốt lõi… còn những gì mà tư nhân làm được thì nên để tư nhân làm, thậm chí tư nhân làm mà khó khăn thì Nhà nước còn phải hỗ trợ để làm sao họ làm cho bằng được, không nhất thiết Nhà nước phải giành lại việc đó”, ĐB Tạ Văn Hạ đề nghị.

Điều kiện hết sức chặt chẽ

Giải trình một số nội dung của dự luật tại phiên họp sáng qua của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đây là dự luật khó và rất phức tạp, kinh nghiệm quốc tế cũng mỗi nước một kiểu. Riêng với cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong dự án PPP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, "đây là một cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của dự án Luật này. Nếu như luật chúng ta không có được các cơ chế này thì xin khẳng định là sẽ không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư”. Chính vì thế, cơ chế chia sẻ rủi ro về tăng giảm doanh thu của dự luật đã được nghiên cứu, thảo luận, phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm phản ánh, kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ chế chia sẻ rủi ro về tăng giảm doanh thu của dự án PPP giữa Nhà nước và nhà đầu tư đã được thiết kế hết sức chặt chẽ. Nếu giảm doanh thu dưới 75% thì Nhà nước mới phải chia sẻ và trước khi chia sẻ thì phải thực hiện điều chỉnh các hợp đồng như: Thời hạn thu, mức thu…; nếu không được thì dưới 75% Nhà nước mới chia sẻ rủi ro và tỷ lệ chia sẻ thì 50% - 50%. "Đây là một điều kiện hết sức chặt chẽ. Từ 76% - 100% là nhà đầu tư tự chịu. Còn trong trường hợp doanh thu tăng lên thì trên 125%, bất kể lý do nào, nhà đầu tư cũng phải chia phần tăng này với Nhà nước theo tỷ lệ 50% - 50%. Như vậy, Nhà nước được hưởng rất nhiều", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nhật An