Cơ chế hợp tác hiệu quả và thiết thực

- Thứ Ba, 20/08/2019, 07:45 - Chia sẻ
Trong khuôn khổ hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, Hội nghị Ủy ban Đối ngoại QH ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam ngày càng khẳng định là cơ chế hợp tác hiệu quả và thiết thực giữa Ủy ban Đối ngoại QH ba nước. Đồng thời, khẳng định vai trò của QH trong thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước vì sự phát triển chung Khu vực Tam giác phát triển CLV. Đây là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu về kết quả hội nghị.

20 năm - chặng đường hợp tác và phát triển

- Năm nay đánh dấu 20 năm hình thành và phát triển Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV). Nhìn lại chặng đường qua, ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của ba quốc gia trong khu vực?

- Như chúng ta đã biết, Khu vực Tam giác phát triển CLV được hình thành theo sáng kiến của lãnh đạo ba nước tại Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất ở Thủ đô Vientiane, Lào, năm 1999. Đến nay, từ 10 tỉnh, Khu vực Tam giác phát triển đã mở rộng và bao trùm 13 tỉnh. Trong đó, Việt Nam có 5 tỉnh gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước; Campuchia có 4 tỉnh miền Đông gồm Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratié; Lào có 4 tỉnh miền Nam gồm Champasak, Sekong, Saravan và Attapeu. Khu vực có tổng diện tích tự nhiên 144.300km2, chiếm gần 20% diện tích tự nhiên của ba nước; với dân số khoảng 7 triệu người, chiếm khoảng 6,1% dân số của ba nước.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu (giữa), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Lào Eksavang Vongvichit (trái) và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông QH Vương quốc Campuchia Chheang Vun (phải) ký Tuyên bố chung
Ảnh: Quang Khánh

Hội nghị thành công là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Đối ngoại QH ba nước, với sự quan tâm của Chủ tịch QH và Phó Chủ tịch Thường trực QH Việt Nam cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò cơ quan điều phối hợp tác, và Bộ Ngoại giao, với vai trò cơ quan trực tiếp tham mưu và theo dõi việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác; cùng tinh thần trách nhiệm của 5 địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển CLV.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu

Sau 20 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của lãnh đạo ba nước, Khu vực Tam giác phát triển CLV đã có những bước tăng trưởng tích cực. Riêng Việt Nam, tính đến năm ngoái, 5 tỉnh của nước ta trong Khu vực Tam giác phát triển có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,5%/năm, cao hơn so với bình quân tăng trưởng của cả nước. Cũng cần nói rằng, tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn là do mặt bằng của khu vực thấp, quy mô tăng trưởng vẫn còn nhỏ. Tôi cũng rất phấn khởi khi bình quân thu nhập đầu người của 5 tỉnh đạt 1.820 USD năm 2018, đạt gần 70% mức bình quân thu nhập đầu người của cả nước là 2.590 USD. Tôi cho rằng, mức độ tăng trưởng như vậy là khá tốt.

Từ khi thiết lập cơ chế hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV đến nay, lãnh đạo cấp cao ba nước đã tổ chức 10 cuộc họp cấp Thượng đỉnh; dưới cấp Lãnh đạo cấp cao có Ủy ban Điều phối Khu vực Tam giác phát triển CLV đã tổ chức 12 phiên họp. Thông qua những kết quả cụ thể của các cuộc họp của Lãnh đạo cấp cao và Ủy ban Điều phối chung, ba nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác cụ thể, đặc biệt trên ba lĩnh vực: Quy hoạch của từng địa phương cũng như quy hoạch tổng thể của Khu vực Tam giác phát triển CLV; cơ bản ban hành một số chính sách ưu tiên đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển CLV trên từng nội dung cụ thể. Các bên quyết định mỗi nước có 5 dự án ưu tiên hợp tác để ba nước cùng vận động đầu tư. Những thỏa thuận khác về xúc tiến thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung vào kết nối giao thông đường bộ trong khu vực. Đến nay, có thể thấy sự tiến bộ trong việc thực hiện những thỏa thuận này.

- Năm nay đánh dấu 10 năm kể từ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị của Ủy ban Đối ngoại QH ba nước trong Khu vực Tam giác phát triển CLV. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của cơ chế hợp tác giữa ba Ủy ban?

- Hội nghị Ủy ban Đối ngoại QH ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam là cơ chế hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại QH ba nước, nhằm thúc đẩy, tăng cường củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác vì sự phát triển chung Khu vực Tam giác phát triển CLV. Hội nghị được tổ chức theo hình thức luân phiên, định kỳ. Theo quy ước trước đây giữa ba nước, mỗi năm tổ chức Hội nghị một lần. Tuy nhiên, sau một thời gian, Ủy ban Đối ngoại QH ba nước cũng nhất trí rằng tổ chức Hội nghị hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2017.

Thời gian qua, Hội nghị Ủy ban Đối ngoại QH ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam ngày càng khẳng định là diễn đàn hiệu quả và thiết thực để các ĐBQH, thành viên Ủy ban Đối ngoại QH ba nước, đại diện các Bộ, ngành, địa phương Khu vực Tam giác phát triển CLV gặp gỡ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và đề xuất sáng kiến, phương hướng hợp tác trong lĩnh vực song phương và đa phương của Ủy ban Đối Ngoại QH ba nước.

Phát huy vai trò của Quốc hội trong thực hiện thỏa thuận hợp tác

­- Năm nay, Hội nghị Ủy ban Đối ngoại QH ba nước do Việt Nam chủ trì. Ông có thể cho biết đôi điều nổi bật về hội nghị lần này?

- Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Đối ngoại QH ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam được tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, với chủ đề Vai trò của QH trong thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam trong Khu vực Tam giác phát triển. Về phía bạn, Campuchia và Lào mỗi nước cử 15 đại biểu tham dự Hội nghị. Trong đó, Campuchia cử 9 ĐBQH và thành viên Thượng viện; 6 cán bộ phục vụ. Đặc biệt, trong thành phần đoàn QH Campuchia dự hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông QH và Chủ nhiệm Ủy ban Nội vụ của Thượng viện cùng một số Phó Chủ nhiệm Ủy ban khác. Đoàn QH Lào có 6 ĐBQH và 9 cán bộ phục vụ, chủ yếu là các đại biểu đại diện lãnh đạo 4 tỉnh Nam Lào trong Khu vực Tam giác phát triển và các cán bộ trong Ủy ban Điều phối chung.


Toàn cảnh hội nghị Ủy ban Đối ngoại QH ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam Ảnh: Quang Khánh

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị rất đông, với 67 đại biểu. Trong đó, số ĐBQH, thành viên Ủy ban Đối ngoại, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác gồm 30 đại biểu; số còn lại là đại biểu đại diện cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển. Thành phần đại biểu tham dự Hội nghị của ta nói lên rằng, không chỉ riêng Ủy ban Đối ngoại mà cả Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của QH cùng các bộ, ngành, địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển CLV đều rất quan tâm tới cơ chế hợp tác vì sự phát triển chung của khu vực.

- Hội nghị năm nay được đánh giá là đã thành công và đạt kết quả tốt đẹp. Theo ông, đâu là nguyên nhân của kết quả này?

- Trước hết bởi hội nghị năm nay do Việt Nam là chủ nhà. Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng đã dự, chủ trì xuyên suốt một ngày làm việc. Một số Ủy viên Thường vụ QH như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH một số địa phương cũng tham dự hội nghị. Đặc biệt, còn có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, đại diện các bộ, ngành, địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển CLV.

Hội nghị đã tiến hành 3 phiên thảo luận. Tại mỗi phiên, các đại biểu đã thảo luận sâu, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước trong Khu vực Tam giác phát triển CLV. Tại phiên thứ nhất, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có báo cáo đánh giá chi tiết kết quả thực hiện các thoả thuận hợp tác giữa ba nước, đặc biệt trong vấn đề an ninh biên giới, phòng chống tội phạm, buôn lậu xuyên biên giới…

Tại phiên thứ hai, Ủy ban Đối ngoại QH Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại QH Lào đã có báo cáo cụ thể của mỗi Ủy ban về kết quả giám sát tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước. Ngoài ra, hai Ủy ban còn tổ chức giám sát chuyên đề chung; chọn một số địa phương của Việt Nam và Lào để giám sát. Báo cáo giám sát chuyên đề chung giữa hai Ủy ban sát thực, đạt được sự thống nhất cao, đánh giá sát tình hình. Đây là nguồn tài liệu quý giá cho QH hai nước, cho Thủ tướng hai nước và kể cả Ủy ban Điều phối chung.

Tại phiên thứ ba, đại diện lãnh đạo các địa phương như tỉnh Attapeu của Lào, tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông của Việt Nam đã có báo cáo sinh động về tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước. Trong đó, tổng hợp và đánh giá những kết quả đạt được; phân tích những tồn tại, khó khăn và đưa ra những kiến nghị rất “sát sườn”. Điều đó cho thấy mong muốn chung của lãnh đạo các địa phương trong phát triển khu vực. Các đại biểu đã khẳng định, đây là khu vực đầy tiềm năng và dư địa để phát triển rất lớn. Do đó, cần tập trung các nỗ lực về chính sách, nguồn vốn và nhân lực để phát triển. Như một số đại biểu đã phát biểu tại hội nghị, đừng để tiềm năng mãi chỉ là tiềm năng mà phải trở thành hiện thực, để Khu vực Tam giác phát triển CLV thật sự trở thành khu vực phát triển và thịnh vượng.

- Hội nghị lần này đã đạt được kết quả cụ thể nào, thưa ông?

Tại lễ bế mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH ba nước đã ký Tuyên bố chung kết thúc hội nghị. Điều này cho thấy kết quả cụ thể của Hội nghị, đồng thời khẳng định thành công của Hội nghị. Tuyên bố chung có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ có giá trị đối với Ủy ban Đối ngoại QH ba nước, mà có giá trị cho hoạt động của QH ba nước; đồng thời, là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Nhà nước ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam. Ngoài ra, hội nghị còn có bộ tài liệu rất quý là tổng hợp báo cáo của các địa phương gửi về cho Ban Thư ký hội nghị; các báo cáo của địa phương và đơn vị tham dự hội nghị và các ý kiến đóng góp tại các phiên thảo luận của hội nghị.

- Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Khu vực Tam giác phát triển CLV qua, Ủy ban Đối ngoại QH ba nước cũng đã thẳng thắn nhìn nhận  khó khăn, tồn tại trong thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Thời gian tới, Ủy ban Đối ngoại ba nước cần tập trung vào những nhiệm vụ nào nhằm góp phần tạo đột phá trong phát triển khu vực, thưa ông?

- Đối với QH, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng cơ bản là lập Hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát. Xung quanh những chức năng và vai trò đó, tới đây, Ủy ban Đối ngoại của QH mỗi nước khi về nước cũng sẽ bàn và rà soát lại trên cơ sở ba chức năng tương đồng để tham mưu cho UBTVQH, QH từng nước; có ý kiến tới cơ quan có thẩm quyền của nhánh hành pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước trong Khu vực Tam giác phát triển.

Đối với Ủy ban Đối ngoại, thời gian tới, Ủy ban sẽ tổng hợp báo cáo và có đề xuất cụ thể. Song, những vấn đề đặt ra thì phải có giám sát. Thứ nhất, giám sát trong nước. Thứ hai, phối hợp với Ủy ban Đối ngoại QH của hai nước bạn để tổ chức giám sát chuyên chung, ví dụ về sự khác biệt giữa các nước trong các quy định pháp luật; chính sách hỗ trợ; phân bổ và tranh thủ nguồn lực.
Đánh giá khách quan thì đến nay ở Việt Nam, việc phân bổ nguồn lực cho phát triển Khu vực Tam giác phát triển CLV rõ nét hơn so với Campuchia và Lào, do hai nước bạn hiện còn những khó khăn nhất định nên việc phân bổ và cân đối nguồn lực không thuận lợi. Mặc dù các đại biểu Việt Nam cho rằng cần nhiều hơn nữa, nhưng xét trên mặt bằng tổng thể giữa ba nước thì khả năng cân đối của chúng ta triển khai được.

Thời gian tới, ba nước cần tập trung nhân lực, bên cạnh nhân lực triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước thì cần tập trung nhiều nhân lực trong Ủy ban điều phối chung, nhằm kiểm tra, giám sát hàng ngày, hàng giờ. Có như vậy, việc thực hiện mới thành công và có hiệu quả.

Cá nhân tôi cho rằng, muốn phát triển bền vững Khu vực Tam giác phát triển CLV thì cần phát triển khu vực tư nhân. Để làm được điều này thì mỗi nước cần tập trung vào hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, trong đó bao gồm khu vực tư nhân tại chỗ, lân cận hoặc từ các vùng kinh tế trong khu vực.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Chi thực hiện