Cơ chế tương tác trong quan hệ lao động sẽ thay đổi

- Thứ Hai, 25/11/2019, 08:09 - Chia sẻ
Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có những sửa đổi quan trọng để phù hợp với cam kết về lao động trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Bình cho biết, trước đây người lao động chỉ có một tổ chức đại diện thì nay có thể có nhiều tổ chức đại diện. Vì thế toàn bộ cơ chế tương tác trong quan hệ lao động sẽ thay đổi.

Nhiều sửa đổi quan trọng

Cam kết về lao động trong EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cơ bản giống nhau, đều yêu cầu các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Các tiêu chuẩn trong EVFTA về quyền lao động đều là những giá trị phổ quát và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Đó là không cổ xúy cho lao động trẻ em, lao động cưỡng bức; không phân biệt đối xử, người lao động có quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể. EVFTA đã đặt ra những yêu cầu cụ thể về quyền lao động và điều kiện làm việc nhằm bảo đảm tự do thương mại công bằng, đóng góp cho sự phát triển bền vững, đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích về kinh tế một cách công bằng.

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Bình, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có những sửa đổi quan trọng để phù hợp hơn với tiêu chuẩn lao động quốc tế. Cụ thể là những quy định về lao động cưỡng bức; lao động trẻ em; bình đẳng, không phân biệt đối xử; các tiêu chuẩn về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu, an toàn vệ sinh lao động. Nhằm cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong việc làm về mọi khía cạnh (tức là không có sự phân biệt nào dựa trên các yếu tố như chủng tộc, giới tính, màu da, dân tộc, ngôn ngữ, tình trạng hôn nhân…) của EVFTA, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã sửa đổi những quy định dành cho lao động nữ theo hướng thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và để phụ nữ là người quyết định thay vì đưa ra những điều luật bảo vệ và cấm đoán. Rất nhiều quyền lợi phải xác định nữ và nam như nhau.

Liên quan đến quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phép người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện cho mình, không nhất thiết phải gia nhập tổ chức công đoàn Việt Nam. “Đây là nội dung mới và phải sửa đổi nhiều nội dung có liên quan. Các cơ chế tương tác giữa các bên trong quan hệ lao động như đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp… đều được sửa đổi để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và phù hợp với điều kiện mới. Trong quan hệ lao động trước đây chúng ta có một tổ chức đại diện thì nay có thể sẽ có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động. Do đó, toàn bộ cơ chế tương tác trong quan hệ lao động sẽ thay đổi”, ông Bình nhận định.

Thực hiện theo cơ chế hợp tác

PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay của nước ta, việc thực hiện các công ước cơ bản của ILO là thách thức lớn. Tuy vậy, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Chính phủ nhận thấy đây là xu thế tất yếu, nếu thực hiện sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội, đất nước phát triển, văn minh hơn. Hơn nữa, thực hiện cam kết về quyền lao động cũng phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ là cải cách thể chế. “Bây giờ là thời điểm rất thuận lợi để chúng ta cải cách thể chế. Căn cứ vào những cam kết trong hiệp định để điều chỉnh luật pháp hiện hành, tạo mục tiêu cụ thể, rõ ràng để thực hiện. Khi đã ký kết hiệp định, chúng ta buộc phải thực hiện”, ông Thắng nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, trong EVFTA, có nhiều cơ chế theo dõi giám sát và bảo đảm thực thi việc thực hiện cam kết về lao động và được quy định cụ thể. Chẳng hạn như, cơ chế thông qua các đầu mối quốc gia, các bên nêu vấn đề, sau đó có các bước tiếp theo như tham vấn, đối thoại Chính phủ với Chính phủ, có các chương trình hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ việc thực hiện. Tinh thần chung của cơ chế theo dõi, giám sát việc thực thi EVFTA là hợp tác. Hai bên cùng hợp tác để thúc đẩy thực hiện các cam kết đầy đủ và hiệu quả. “Các quy định về giải quyết tranh chấp, trừng phạt thương mại không được áp dụng để giải quyết những tranh chấp phát sinh từ việc thực thi các cam kết về lao động trong EVFTA”, ông Bình nêu rõ. Cũng theo ông Bình, “bản chất các cam kết trong chương về lao động là phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam và là những giá trị Việt Nam đang theo đuổi. Nhưng theo đuổi không có nghĩa là thực hiện được ngay trong một sớm một chiều, ngay cả những nước phát triển cũng vậy. Vì thế, việc thực hiện đầy đủ các cam kết là một quá trình và cần thời gian”.

Tuệ Anh