Bổ sung các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Có giải quyết được phần gốc vấn đề?

- Thứ Năm, 05/09/2019, 08:00 - Chia sẻ
Việc bổ sung các hình thức xử phạt vi phạm hành chính như tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông… trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có giải quyết được phần gốc của vấn đề?

Có nên bổ sung hình phạt mới?

Hoạt động xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hơn 25 nhóm chủ thể có thẩm quyền xử phạt ở hơn 56 lĩnh vực quản lý khác nhau từ an ninh trật tự, biên phòng, hải quan đến đất đai, xây dựng, đến công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 21, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 5 hình thức xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) bao gồm cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC; trục xuất. Tổng kết 5 năm thực hiện Luật cho thấy, toàn quốc đã phát hiện 36.789.227 vụ việc; xử phạt là 28.493.927 vụ việc. Tỷ lệ số vụ việc đã bị xử phạt so với tổng số vụ việc đã bị phát hiện ngày càng tăng (từ 66% vào năm 2014 lên đến 95% vào năm 2017). Tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt trong các năm tương đối cao, khoảng 95%. Đối với các quyết định chưa thi hành, nguyên nhân chủ yếu là các đối tượng không có nơi cư trú ổn định, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, không có khả năng nộp phạt.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều bộ, ngành, địa phương nêu ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức xử phạt mới trong dự thảo như tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông); buộc lao động phục vụ cộng đồng… Cục trưởng Cục Quản lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp Đặng Thanh Sơn cho biết, liên quan đến vấn đề này, hiện có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất, cần thiết phải bổ sung các hình thức xử phạt nêu trên trong dự thảo Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngược với quan điểm trên, ý kiến thứ hai, không nhất trí bổ sung một số hình thức xử phạt mới trong dự thảo. Rất nhiều lý do đưa ra, song có thể thấy, đây là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, trong điều kiện chỉ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính như hiện nay thì việc bổ sung quy định nêu trên là chưa phù hợp. Hơn nữa, đi vào các biện pháp cụ thể như biện pháp tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, việc xem xét tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với lái xe thực hiện các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để, vì “phần gốc” của vấn đề là công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải, kiểm định phương tiện vận tải, công tác hậu kiểm…

Bổ sung biện pháp cưỡng chế

Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định 5 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong số 4/5 biện pháp là để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tiền và biện pháp cuối cùng là để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có biện pháp khắc phục hậu quả. Trên thực tế, có những hình thức xử phạt khác như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động có thời hạn… nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định biện pháp cưỡng chế trong trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định. Ngoài ra, biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng chỉ phù hợp với một số biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 28, Luật Xử lý vi phạm hành chính như buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép… và các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định. Như vậy, “các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định” thì không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chính vì thế có ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể vấn đề này trong dự thảo. Tuy nhiên, quy định thế nào để bảo đảm sự khả thi của điều luật, nhất là khi phạm vi xử lý VPHC rất rộng, bao quát hết cả đời sống KT-XH; đồng thời lại bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức. Do vậy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nào, trong trường hợp nào phải quy định trong Luật, chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành các biện pháp đã được Luật quy định. Hiện theo đề xuất của Ban soạn thảo, việc quy định bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới, chỉ dừng lại ở những lĩnh vực như ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các hoạt động dịch vụ khác đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm. Đồng thời quy định bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã nơi có đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Nguyễn Minh