Tiêu chuẩn hòa giải viên, đối thoại viên

Có hình thành “giấy phép con”?

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:33 - Chia sẻ
Hòa giải, đối thoại tại tòa án là thiết chế mới nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành cũng như giảm tải cho tòa án. Do đó, hòa giải viên, đối thoại viên phải bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn nhất định. Tuy nhiên, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, các Ủy viên UBTVQH chỉ ra nhiều điểm bất cập trong quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên, đối thoại viên. Nhiều ý kiến đề nghị cần hết sức cân nhắc các tiêu chuẩn cụ thể tránh tình trạng hình thành “giấy phép con”, tạo rào cản trong việc thu hút nguồn nhân lực tham gia hoạt động này.

Hòa giải viên, đối thoại viên dưới 70 tuổi có phù hợp?

Theo quy định của dự thảo Luật, một trong các tiêu chuẩn của hòa giải viên, đối thoại viên “dưới 70 tuổi, trừ trường hợp đặc biệt do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định”. Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định này. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, quy định tiêu chuẩn của hòa giải viên, đối thoại viên phải dưới 70 tuổi như dự thảo Luật “e rằng không ổn”, đồng thời đề nghị, khi quy định nội dung này phải bám sát Bộ luật Lao động, nếu chúng ta quy định độ tuổi sẽ “vênh” với luật chung thì không nên.

Cùng băn khoăn về quy định này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc tiêu chuẩn với hòa giải viên, đối thoại viên. Theo Chủ tịch QH, hòa giải viên, đối thoại viên rất cần người có kinh nghiệm, có uy tín, có quá trình công tác ở các cơ quan pháp luật. Do đó, không nên quá chú trọng tới tuổi và cũng cần đặt trong sự tương quan giữa những quy định này với các chức danh của luật sư, công chứng viên.

Thực tế cho thấy, có những người dù không có chứng chỉ hành nghề hòa giải viên và có thể trên 70 tuổi nhưng rất có uy tín và hòa giải rất hiệu quả, thành công. Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện thí điểm, kết quả hòa giải thành đạt hơn 76%. Vậy dự thảo Luật đưa ra quy định tiêu chuẩn cho hòa giải viên, đối thoại viên dưới 70 tuổi có thực sự cần thiết? Luật sư, những người đã từng làm trong các ngành tòa án, kiểm sát, công an, cơ quan bảo vệ pháp luật, thậm chí những người đã trải qua ĐBQH “lớn tuổi có rất nhiều kinh nghiệm nghị trường, am hiểu pháp luật cũng có thể tham gia hòa giải”, Chủ tịch QH phân tích.

Có “ông” 10 năm chẳng có kinh nghiệm gì

 Không chỉ khống chế về độ tuổi dưới 70, dự thảo Luật còn quy định một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên là phải “có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của tòa án”. Vẫn biết rằng, những vụ việc hòa giải, đối thoại theo quy định của dự thảo Luật là những vụ việc có tính chất phức tạp, tuy nhiên việc đặt ra yêu cầu “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ” làm cho một số ý kiến băn khoăn về khả năng sẽ “đẻ” thêm thủ tục.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu quy định tiêu chuẩn đối với hòa giải viên, đối thoại viên phải  “có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của tòa án” thì sẽ dẫn đến tình trạng sẽ mở những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, phát sinh thêm những thủ tục xét để cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này sẽ làm tăng thêm chi phí, tăng thêm thủ tục. Điều này có phù hợp với mục tiêu của Luật hay không? Bắt một “ông” luật sư già đi học lại một khóa bồi dưỡng hòa giải viên để cấp chứng chỉ là không được. Chủ tịch QH cho rằng, không nên quy định độ tuổi và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trong dự thảo Luật; đồng thời, cần nghiên cứu đề xuất của Chính phủ, đó là thay cơ chế bổ nhiệm bằng cơ chế công nhận hoặc ký hợp đồng với hòa giải viên hay đối thoại viên.

Ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu như thẩm phán, kiểm sát viên… dự thảo Luật cũng quy định những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm hòa giải viên, đối thoại viên. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định này. Bởi theo Điều 1, dự thảo Luật, phạm vi, đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất phức tạp, đòi hỏi hòa giải viên, đối thoại viên phải am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Ngoài ra, thực tiễn thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, hầu hết đội ngũ hòa giải viên, đối thoại viên là các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên đã nghỉ hưu, các luật sư, chuyên gia có nhiều năm làm công tác pháp luật, do đó đã hỗ trợ các bên đương sự giải quyết hiệu quả các tranh chấp. Đây cũng là một trong những nhân tố dẫn đến kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt cao vừa qua (74,08%) và đến nay chưa có vụ việc nào các đương sự đề nghị xem xét lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cần quy định đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác để được bổ nhiệm làm hòa giải viên, đối thoại viên phải có điều kiện về thời gian kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác nhưng đề nghị chỉ quy định là 5 năm.

Từ thực tiễn hoạt động, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Công Phàn cho rằng, việc “khống chế phải có kinh nghiệm 10 năm” đối với hòa giải viên đối thoại viên là điều cần tính toán, cân nhắc. Bởi lẽ, “có ông 10 năm chẳng có kinh nghiệm gì”, nhưng có người thực sự có kinh nghiệm thì phải xem xét. Có người có 10 năm công tác trong lĩnh vực hình sự, giờ chuyển sang đối thoại, hòa giải không làm được. Có người mới chỉ làm 3 - 4 năm nhưng có kinh nghiệm ở lĩnh vực này thì vẫn có thể xem xét bổ nhiệm, ông Phàn đề xuất.

Trước thực tế càng ngày có nhiều vụ việc phức tạp cần hòa giải, đối thoại để góp phần giảm tải cho tòa án, việc đưa ra các tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng của hòa giải viên, đối thoại viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn phải phù hợp, tránh tạo ra những rào cản, hình thành những “giấy phép con” gây khó cho việc thu hút những người có trình độ, chuyên môn tham gia công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. 

Hà An