Khó khăn trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế chống dịch

Có hoàn toàn do cơ chế?

- Thứ Năm, 06/08/2020, 06:10 - Chia sẻ
Theo phản ánh của một số địa phương, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn do cơ quan quản lý nhà nước chưa ban hành giá chung để địa phương tham khảo. Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cơ chế, chính sách liên quan mua sắm đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh, vấn đề chỉ ở khâu triển khai thực hiện.

Loay hoay vì chưa có giá trần

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho biết, trong bối cảnh cả nước “chống dịch như chống giặc”, việc mua sắm các trang thiết bị cũng như sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao đang gặp nhiều khó khăn và “là tình trạng chung của cả nước”. Cụ thể, hiện Bộ Y tế và Bộ Tài chính chưa đưa ra được giá chung trong việc mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế, trong khi giá các mặt hàng này thay đổi từng ngày khiến địa phương “loay hoay, không biết dựa vào giá nào để phê duyệt mà mua”. 

Thiết bị máy xét nghiệm tự động phòng, chống dịch Covid-19.
Nguồn: Baochinhphu.vn

Ông Diện cũng chỉ rõ, thực hiện theo quy trình đấu thầu hay chỉ định thầu sẽ mất thời gian và khâu thẩm định giá cũng là một vấn đề, trong khi đó, dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, nếu có đủ trang thiết bị, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm sớm ngày nào sẽ giúp khống chế dịch sớm ngày đó. Muốn vậy, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp để có giá chung công khai, trên cơ sở đó các địa phương sẽ dựa vào để thẩm định và mua thuận lợi hơn. “Giống như khi công khai giá chiếc ti vi, nếu có nhiều tiền sẽ mua loại tốt, ít tiền hơn mua chất lượng vừa phải”, ông Diện ví von. 

Bên cạnh đó, cần có cơ chế về cách tổ chức mua sắm “làm sao để nhanh nhất có thể, kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là các sinh phẩm xét nghiệm”. Bởi hiện tỉnh nào cũng muốn tăng cường rà soát, xét nghiệm người có yếu tố nguy cơ như người đi từ vùng dịch về; người già yếu, có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch (như ung thư, HIV…) hoặc người trong cộng đồng có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Khi bảo đảm rà soát hết các đối tượng này sẽ giúp sớm phát hiện mầm bệnh trong cộng đồng để có phương án dập dịch sớm.

Mặt khác, đại diện Sở Y tế Quảng Ninh cũng cho rằng, khi cơ quan quản lý đưa ra giá công khai không những giúp địa phương nhanh chóng, dễ dàng mua trang thiết bị, vật tư y tế mà còn bảo đảm được nguồn sản xuất trong nước. “Hiện, nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, kể cả sinh phẩm cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Khi không có đơn hàng (do các địa phương vẫn loay hoay, vướng về giá cả - PV) thì các đơn vị sản xuất sẽ ngừng nhập nguyên liệu, vì nếu nhập mà không bán được sẽ khiến họ phá sản”, ông Nguyễn Trọng Diện nói. 

Cùng chung ý kiến trên, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Mai Xuân Hải xác nhận, hiện cơ chế về giá đang khiến địa phương này lúng túng trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Do vậy, ông Hải đề xuất cơ quan quản lý cần đưa ra giá trần để địa phương tham khảo, bảo đảm mua dưới mức giá này là được.

Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 2.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thừa nhận: Thời gian qua, việc mua sắm sinh phẩm cũng như trang thiết bị y tế ở một số địa phương là rất khó khăn, nhất là khó khăn về cơ chế mua sắm khiến “anh em rất sợ về giá cả”. Vì vậy, ông Sơn đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các địa phương thông qua đấu thầu hoặc quy định mức giá trần để cho các địa phương mua.

Nên bỏ chỉ định thầu 

Nhìn nhận về đề xuất cần công khai giá, quy định mức giá trần trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - người từng có nhiều năm làm công tác thẩm định giá cho rằng điều này không hợp lý. Bởi lẽ, “hiện cơ chế, chính sách liên quan mua sắm (bao gồm trang thiết bị, vật tư y tế) đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh, vấn đề chỉ ở khâu triển khai thực hiện”.

Ông Long phân tích, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Khi thực hiện đấu thầu công khai, khách quan, minh bạch sẽ không có vấn đề gì. Còn trong trường hợp không đấu thầu mà chỉ định thầu vẫn phải thông qua công ty có chức năng thẩm định giá hoặc thông qua Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính. “Tất nhiên, cũng có trường hợp móc ngoặc với công ty thẩm định giá để ăn chia với nhau. Chưa kể, khi hãng ủy quyền cho đại lý phân phối sản phẩm, người mua gọi điện cho hãng để hỏi giá thì hãng sẽ không bao giờ trả lời để bảo vệ đại lý, song người mua vẫn có thể tham khảo thông số giá các loại máy khác. Điều này đòi hỏi chính đơn vị đi mua cũng cần phải chủ động tìm hiểu về giá cả thông qua nhiều kênh khác nhau chứ không phải bên thẩm định đưa ra giá nào anh cũng đều chấp nhận, cũng không nên chờ cơ quan quản lý đưa ra giá chung”.

Cũng theo ông Long, mặc dù Luật Đấu thầu 2013 quy định chỉ định thầu đối với trường hợp “gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách” song “không nhất thiết phải chỉ định thầu”. “Thời gian qua đã có những trường hợp bị xử lý hình sự vì chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế do móc ngoặc, ăn chia với nhau. Do đó, cần chuyển sang đấu thầu qua mạng để bảo đảm minh bạch, khách quan thay vì chỉ định thầu”, ông Long đề xuất. 

“Quan trọng nhất là phải minh bạch”, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nêu ý kiến. Ông Thành chỉ rõ, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giá cả các trang thiết bị, vật tư y tế thay đổi liên tục, kể cả việc thổi giá lên rất nhiều lần so với thời điểm trước dịch. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là phải chống dịch, bao gồm chống cả sự lạm dụng (đẩy giá lên). “Đặt ra giá trần để địa phương tham khảo trong mua sắm cũng là một cách, tuy nhiên phải cân nhắc bởi vì giá các mặt hàng này liên tục thay đổi, nếu không cẩn thận khi đưa ra giá trần khiến người ta dừng lại thì càng nguy hiểm hơn. Do đó, cần có sự kiểm soát chặt, dù đấu thầu hay chỉ định thầu đều phải công khai, minh bạch”, ông Thành nhấn mạnh.

Trước đề xuất của địa phương trong việc cần công khai giá mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng: Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được thực hiện theo Luật Đấu thầu chứ không phải theo Luật Giá, do đó cơ quan này không hướng dẫn Luật Đấu thầu (đồng nghĩa không đưa ra mức giá chung để các địa phương áp dụng - PV).

Trong khi đó, đại diện Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định cơ quan này không quản lý về giá. Trước khi mua sắm giá bao nhiêu thì việc đầu tiên phải xác định dự toán dựa trên cơ chế xác định giá, sau đó mới tổ chức đấu thầu. Do đó, liên quan đến giá phải thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, vị này nói.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong trường hợp tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu, nếu đơn vị mua sắm không chắc chắn về giá có thể tham khảo Cục Quản lý giá. Cục này cũng đã thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia và dịch vụ về giá. Do vậy, Cục Quản lý giá cũng cần thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm hỗ trợ các địa phương về vấn đề giá cả nếu như họ đề nghị.

Đan Thanh