Cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục

- Thứ Hai, 31/08/2020, 18:25 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tàn phá cuộc sống an bình của toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Đại dịch Covid-19 đã mang đến những thách thức cho ngành giáo dục nhưng đây cũng là thời điểm đòi hỏi các đơn vị giáo dục thử nghiệm những cách làm mới, nắm bắt lợi ích to lớn của công nghệ và thích ứng với sự chuyển dịch số trong ngành.

Covid-19 thay đổi hành vi của học sinh, phụ huynh và giáo viên

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của học sinh và phụ huynh. Xu hướng sử dụng công nghệ, cụ thể là các nền tảng trực tuyến, trong môi trường giáo dục tăng lên đáng kể. Ngành Công nghệ giáo dục (edtech) có sự phát triển bùng nổ và nhu cầu cho các giải pháp học trực tuyến cũng tăng vọt. Theo một khảo sát của Comscore, từ tháng 1.2020 tới tháng 2.2020, số lượt xem hàng tháng của các trang web giáo dục đã tăng hơn gấp đôi (103%), và tăng gần gấp 3 (292%) với các trang web về giáo dục dành cho trẻ em và phụ huynh. 

Cùng với những thay đổi trong thói quen dạy và học, kỳ vọng về quá trình hiện đại hoá và công nghệ hoá trong ngành giáo dục của phụ huynh và học sinh cũng ngày một tăng. Khảo sát HolonIQ 2020 thực hiện vào tháng 3 năm 2020 cho thấy việc sử dụng nhiều công nghệ mới là một trong những chiến thuật phát triển phổ biến nhất cho các doanh nghiệp giáo dục sau giai đoạn Covid-19 (trừ mô hình nhà trẻ). Điều này được đánh giá quan trọng hơn cả một số yếu tố cốt lõi trước đây, như đầu tư vào sản phẩm mới, thị trường, hay phương thức hoạt động.

Học sinh tham gia học trực tuyến. Anhr: ITN
Học sinh tham gia học trực tuyến. Ảnh: ITN

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy nhận định: “Không thể phủ nhận rằng ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, những tác động của đại dịch cũng chính là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn ngành”.

Trong thời điểm đại dịch, học sinh phải nghỉ học ở nhà, ngành giáo dục đặc biệt chú ý đến chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi phương pháp giảng dạy. Dạy học trực tuyến được triển khai trên cả nước, giáo viên được khuyến khích chia sẻ tài nguyên trực tuyến, đã có rất nhiều chương trình dạy học qua truyền hình, rất nhiều cuộc họp bàn cách tháo gỡ, rất nhiều bài dạy chất lượng đã được thực hiện qua hình thức trực tuyến.

“Nhờ Covid-19”, các thầy cô giáo (kể cả các thầy cô ngại ứng dụng công nghệ trước đây và các thầy cô giáo lớn tuổi) đã chịu khó mày mò, tìm hiểu, học tập, tham gia các lớp tập huấn nhằm tìm cách sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến. Việc khai thác và sử dụng những ứng dụng online trực tuyến như zalo, viber, mesenger đến những trang web, MXH facebook, rồi đến những phần mềm dạy học như Zoom, Google Classroom, Office 365… đã đem lại những hiệu quả bất ngờ, không chỉ giúp giáo dục không đình trệ, trái lại còn giúp giáo dục có thêm nhiều màu sắc mới, nhiều “giá trị gia tăng” và nhiều sự sáng tạo mới.

“Việc ứng dụng công nghệ bước đầu đã có những kết quả khả quan, giúp cho các cán bộ ngành giáo dục có thể trao đổi, làm việc, hợp tác một cách thông suốt, đồng thời việc học tập của học sinh sinh viên ít bị gián đoạn. Theo tôi, đây là những bước đi tích cực mà chúng ta cần phải phát huy hơn nữa trong thời gian tới”, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số

Tại Diễn đàn chính sách trực tuyến Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á với chủ đề “Giáo dục trong thế giới hậu Covid-19” được tổ chức mới đây, những nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo an toàn và tiếp tục việc học cho học sinh đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ và nhận được sự đánh giá cao của các nước. Người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam đồng thời khẳng định: “Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục”.

Cụ thể hóa câu chuyện chuyển đổi số trong giáo dục, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS. Phạm Quang Minh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã xây dựng Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, chủ động thay đổi hình thức dạy và học, kết hợp giữ hình thức Online và cả hình thức Blended learning (hình thức học trực tuyến kết hợp với phương pháp học truyền thống).

GS.TS. Phạm Quang Minh cho biết thêm: Tháng 12 năm ngoài, đoàn cán bộ của Trường đã được mời sang trụ sở của Facebook tại Singapore để tham dự khóa tập huấn về các kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Đó là hoạt động khởi đầu cho dự án hợp tác sâu giữa hai bên nhằm phổ biến kiến thức về “năng lực số” trong các trường đại học ở Việt Nam trong năm 2020.

Ra đời nhiều ứng dụng học trực tuyến
Ra đời nhiều ứng dụng học trực tuyến. Ảnh: ITN

Số hóa giáo dục nhìn từ góc độ truyền thông, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông và Học liệu, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ThS. Khoa Anh Việt cho biết: Trong việc triển khai công tác truyền thông theo định hướng thích nghi với xu hướng số hóa. Về nội dung, Nhà trường tập trung sản xuất nhiều sản phẩm có các nội dung, chủ đề thu hút người trẻ vốn là đội ngũ tiếp cận nhanh nhất xu hướng số hóa. Về hình thức, các sản phẩm được làm theo dạng dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp cận, vui vẻ hay “bắt trend” để lôi cuốn người xem như video nhiều hình ảnh, âm thanh hoặc infographic... Hiện nay, Trường Đại học Ngoại ngữ có nhiều kênh truyền thông trực tuyến như: website, fanpage, youtube, nhóm facebook cán bộ, email, kênh zalo/viber cán bộ,…

“Mặc dù vẫn cần cải thiện thêm nhưng các sự kiện đã nhận được lượng tương tác rất tốt nên tôi nghĩ hình thức này cũng giúp ích nhiều cho công tác truyền thông tuyển sinh. Nhìn chung, tôi phải khẳng định rằng nếu chỉ có truyền thông trực tiếp truyền thống, hình ảnh thương hiệu của ULIS sẽ không thể được như hiện nay. Do đó, trong xu thế số hóa hiện nay, các trường đại học nên chú trọng đến vấn đề truyền thông trực tuyến”, ThS. Khoa Anh Việt chia sẻ.

Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến;

70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4;

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Hình thành kho học liệu số dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác;

Phấn đấu 90% cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường; trong đó 70% trường học sử dụng sổ quản lý điện tử;

Đối với các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm: Hình thành cổng thông tin thư viện điện tử toàn ngành liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo; áp dụng phương thức học tập kết hợp; phát triển một số mô hình đào tạo trực tuyến (cyber university);

Định hướng đến năm 2025, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin trở thành động lực đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá trong giáo dục và đào tạo.

 

Xuân Tùng