Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang

Cơ hội để Việt Nam sàng lọc FDI

- Thứ Bảy, 18/05/2019, 08:03 - Chia sẻ
Việc Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và Trung Quốc có kế hoạch thiết lập mức thuế nhập khẩu từ 5% đến 25% đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ từ ngày 1.6 tới cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nước rất khó lường. Riêng với Việt Nam, đây có thể nói là cơ hội tốt nhất, hiếm có để lựa chọn, sàng lọc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phù hợp theo các mục tiêu chiến lược đặt ra.

5 kịch bản trả đũa của Trung Quốc

Việc trả đũa của Trung Quốc mạnh đến mức nào tùy thuộc vào hành xử tiếp theo của Mỹ đối với các “gói trừng phạt mới” và có những khả năng như sau:

Thứ nhất, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế tiếp lên tổng giá trị 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì ít nhất, Trung Quốc cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu lên tương ứng đối với số hàng nhập khẩu còn lại, có thể 50 - 60 tỷ USD (năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ trên 120 tỷ USD). Thậm chí nếu ít tác dụng thì mức tăng còn lớn hơn do dư địa trả đũa của Trung Quốc không nhiều. Nếu Mỹ không áp dụng tăng thêm thuế với hàng Trung Quốc thì Trung Quốc cũng có thể tăng thêm, tùy tình hình và quyết tâm.

Thứ hai, Trung Quốc có thể tăng thuế nhập khẩu đối với nông sản, nhất là đậu nành, thịt bò vì đây là những mặt hàng có số lượng nhà sản xuất/cử tri đã ủng hộ ông Donald Trump nhiều nhất (10 bang) trong kỳ bầu cử Tổng thống gần đây.

Thứ ba, xe hơi cũng là đích mà Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng mức thuế, do đây là một trong những mặt hàng chủ chốt xuất khẩu từ nước Mỹ. Tuy nhiên, do rút kinh nghiệm đợt trước, Trung Quốc có thể tính toán để làm sao các nhà sản xuất/doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (đợt trước chủ yếu là của Đức) tại Mỹ không hoặc ít bị vạ lây.

Thứ tư, Trung Quốc có thể nhân đây để kích động tinh thần dân tộc và không muốn bị mất uy tín nhãn tiền trong năm Quốc khánh (Trung Quốc kỷ niệm 70 năm Quốc khánh trong năm nay). Việc kích động tinh thần dân tộc có thể công khai hoặc ngấm ngầm và có thể cho tác dụng rất lớn. Lưu ý là năm kia, khi Hàn Quốc cho Mỹ đặt hệ thống tên lửa THAAD ở nước này đã khiến tinh thần dân tộc Hoa trỗi dậy, hậu quả là Hàn Quốc đã bị giảm tới 50% doanh thu bán ô tô con ở thị trường Trung Quốc trong vòng 1 năm.


Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc là cơ hội để nhiều ngành hàng của Việt Nam “tiếm ngôi” của Trung Quốc
Nguồn: ITN

Thứ năm, các kịch bản Trung Quốc tiếp tục phá giá NDT và/hoặc bán ồ ạt trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ từ Chính phủ, doanh nghiệp Mỹ có thể có song xác suất không lớn. Lý do bởi điều này gây thiệt hại cho Trung Quốc không nhỏ, thậm chí lớn hơn Mỹ nhiều vì Trung Quốc hiện đã tự do hóa tài chính khá mạnh, kể cả quốc tế hóa NDT; trong khi USD trong rổ đồng tiền neo tỷ giá của Trung Quốc có tỷ trọng nhỏ hơn nhiều so với trước. Ngoài ra, Trung Quốc có thể có những biện pháp ngầm khác do sự ủng hộ chính trị đối với ông Tập Cận Bình so với ông Donald Trump được kiểm soát và lớn hơn nhiều.

Doanh nghiệp phải chủ động tham gia sâu chuỗi giá trị

Với việc Mỹ áp thuế lên Trung Quốc lần này sẽ hối thúc mạnh hơn những doanh nghiệp còn chần chừ hay chưa kịp đa dạng hóa rủi ro từ đợt xung đột trước, chuyển đầu tư kinh doanh ra ngoài 2 nước này, nhất là thúc đẩy hiệu ứng chuyển ra các nước thứ 3, trong đó có Việt Nam. Mức độ, phạm vi và tốc độ chuyển phụ thuộc vào cách hành xử và phạm vi trả đũa giữa 2 bên. Có thể nói, xu hướng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thương mại vào Việt Nam sẽ còn tăng mạnh, đồng thời lượng hàng hóa “đội lốt” hàng Việt Nam cũng sẽ tăng, ảnh hưởng đến uy tín cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta.

Bên cạnh đó, nếu đợt này Trung Quốc dành ưu đãi thuế quan nhập khẩu nông sản cho Việt Nam (trước đó chúng ta không được hưởng) sẽ tạo cơ hội rất tốt cho xuất khẩu nông sản của nước ta. Tương tự, hàng xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam chắc chắn có cơ hội thâm nhập sâu, nhiều hơn, nhất là các mặt hàng điện tử, điện thoại thông minh…

Vấn đề là Việt Nam nên làm gì để hiện thực hóa cơ hội, đồng thời phát hiện, chặn đứng, giảm thiểu rủi ro, tác động tiêu cực từ việc Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng thương mại lần này?

Việc cần làm đối với Chính phủ là cần theo dõi, nghiên cứu các diễn biến mới và đánh giá chuyên sâu, chuyên nghiệp các mối tác động và lượng hóa chúng để có đối sách phù hợp. Công tác thông tin, truyền thông cần được chú trọng để giúp người dân, doanh nghiệp có được nhận thức, thông tin và phản ứng phù hợp.

 Đối với các luồng đầu tư FDI mới, đây có thể nói là cơ hội tốt nhất, hiếm có để lựa chọn, sàng lọc các dự án phù hợp theo các mục tiêu chiến lược của các ngành, hàng và địa phương cũng như cả nước nói chung, nhất là chiến lược phát triển công nghệ cao và thải loại công nghệ ô nhiễm, tiêu hao năng lượng. Công tác giám sát luồng hàng hóa nhập khẩu “đội mũ” hàng Việt Nam, “lẩn” xuất xứ (nhất là hàng Trung Quốc) cần được đặc biệt chú trọng, đặc biệt có các bước chuẩn bị để hàng xuất sang Mỹ không bị “vạ lây”. Đặc biệt, cần quan tâm tới công tác tìm hiểu thị trường, cơ cấu thị trường sản xuất, xuất khẩu và đánh giá tác động khi việc áp thuế giữa hai bên Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực, từ đó có giải pháp phù hợp cho hàng hóa trong nước, thậm chí là “tiếm ngôi” hàng Trung Quốc (có thể là may mặc, giày dép…).

Đối với doanh nghiệp, chiến lược đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu cũng theo cách tiếp cận trên, với sự giúp đỡ của Nhà nước và sự chủ động của chính mỗi doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội hiếm có để doanh nghiệp trong nước tham gia  sâu, nhiều hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu vốn đang bị lung lay và đứt đoạn từ cơn địa chấn là cuộc chiến tranh thương mại này. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp phải chủ động, tích cực, sáng tạo và nỗ lực “thoát xác” để lớn lên và đi ra toàn cầu.

TS. LÊ XUÂN SANG - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam