Giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Cơ hội và thách thức trong quản lý

- Thứ Sáu, 13/09/2019, 08:09 - Chia sẻ
Cùng với quá trình hội nhập, gần đây, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng qua các năm. Để tăng cường quản lý về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, các cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như ý thức chấp hành của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Điểm đến của nhiều doanh nghiệp

Việt Nam hiện đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI. Theo số liệu tổng hợp của Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 7.2019, có 91.200 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó chỉ có 81.900 người thuộc diện được cấp giấy phép hoạt động. Còn kết quả nghiên cứu “Ứng viên nước ngoài: Kỳ vọng và thách thức khi làm việc tại Việt Nam” do Công ty Cổ phần Navigos Group Việt Nam công bố cho thấy, khi được hỏi đâu là nơi làm việc được mong muốn nhất ASEAN, 30% ứng viên tham gia khảo sát lựa chọn Việt Nam, đứng đầu khu vực, tiếp theo là Singapore, Thái Lan và Malaysia. Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện đang là điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp FDI, bởi nền kinh tế phát triển nhanh, nhiều chính sách thương mại tự do đã được thông qua. Tuy nhiên, tại nhiều lĩnh vực mới trỗi dậy, nguồn nhân lực trong nước chưa kịp đáp ứng được các tiêu chuẩn về số lượng lẫn chất lượng. Dự báo, nhu cầu tuyển dụng ứng viên người nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao ở mức trên 20% trong mỗi năm tới.

Kết quả thống kê cho thấy, việc lao động nước ngoài muốn đến nước ta làm việc là điều đáng mừng, song cũng là thách thức rất lớn trong việc quản lý. Tại Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có công văn gửi các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong những năm qua, cơ quan này được ủy quyền thực hiện một số việc liên quan đến sử dụng lao động nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; cấp, cấp lại giấy phép lao động; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số tổ chức, doanh nghiệp lấy pháp nhân của mình làm thủ tục giấy phép lao động cho người nước ngoài nhưng sau đó lại cung cấp số lao động này cho các đơn vị khác sử dụng; đề nghị chấp thuận những vị trí, chức danh công việc không xuất phát từ yêu cầu tính chất công việc của ngành nghề kinh doanh, cũng như quy mô hoạt động của đơn vị dẫn đến số lượng chấp thuận “ảo” (có doanh nghiệp chỉ có tổng số 8 lao động, đề nghị chấp thuận, cấp giấy phép lao động cho 6 người lao động nước ngoài); nhiều chức danh công việc có tính chất, mô tả công việc tương tự nhau, chỉ khác tên gọi...

Ngoài ra, một số doanh nghiệp giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài không phù hợp với tính chất công việc và ngành nghề sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực A nhưng lại đề nghị chấp thuận vị trí công việc liên quan đến lĩnh vực B do người nước ngoài có bằng cấp phù hợp với lĩnh vực B chỉ nhằm đáp ứng điều kiện cấp giấy phép lao động)…

Siết chặt cấp giấy phép

Không riêng gì Hà Nội, phản ánh từ nhiều địa phương cho biết, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư có một số nội dung chưa thống nhất và phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cho phép người nước ngoài được phép vào Việt Nam làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam và được cấp thị thực ký hiệu doanh nghiệp nhưng theo quy định tại Điểm e, Điều 7, Nghị định số 11 của Chính phủ, đối với người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích hỗ trợ kỹ thuật thì trong 1 năm chỉ được phép tạm trú tối đa không quá 90 ngày và mỗi lần nhập cảnh được phép hỗ trợ kỹ thuật, tạm trú tối đa không quá 30 ngày. Lách kẽ hở của quy định nêu trên, các doanh nghiệp đã sử dụng danh nghĩa bảo lãnh cho người nước ngoài vào hỗ trợ kỹ thuật nhưng thực tế lại làm việc lâu dài và cứ 3 tháng lại bảo lãnh cho người nước ngoài vào làm việc tiếp.

Bên cạnh đó, hiện chưa có chế tài xử lý các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài nhưng không thực hiện thủ tục bảo lãnh nhập cảnh bởi Nghị định số 167 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội chưa được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đánh giá về những thách thức trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quang Trung cho biết, ngày càng nhiều lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc, điều này cho thấy kinh tế cũng như môi trường làm việc ở Việt Nam có nhiều triển vọng song cũng đặt ra những thách thức đối với việc quản lý nhóm lao động này cũng như bảo hộ việc làm. Cũng theo ông Trung, có nhiều trường hợp lao động nước ngoài khi đến Việt Nam không tuân thủ pháp luật như theo quy định khi vào Việt Nam phải được cấp giấy phép trước khi làm thủ tục visa. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều lao động vào Việt Nam rồi mới được cấp giấy phép lao động. Những trường hợp này đều phải xử phạt vi phạm hành chính, còn trường hợp nào chưa có giấy phép lao động thì trục xuất theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, cơ quan tổ chức tại Việt Nam đang sử dụng lao động người nước ngoài. Tiếp theo đó là sự tuân thủ pháp luật của lao động nước ngoài khi đến và làm việc tại Việt Nam.

“Để được sử dụng lao động nước ngoài, doanh nghiệp hoặc tổ chức phải có báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nhóm này đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được với UBND tỉnh, nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Sau đó, UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho người sử dụng lao động về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc. Chính vì vậy, ở các địa phương  phải kiểm soát rất chặt việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như ý thức chấp hành của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam” - ông Trung nhấn mạnh.

Thái Yến