Cơ hội vàng cho mối quan hệ Mỹ - Ấn

- Thứ Ba, 07/07/2020, 05:45 - Chia sẻ
Trong ba thập kỷ kể từ khi Ấn Độ mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc vẫn là thỏi nam châm có sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ấn Độ đã tụt lại phía sau Trung Quốc, kể cả trong tăng trưởng GDP lẫn xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt, cơ hội vàng cho quan hệ Mỹ - Ấn đang tới.

Kế hoạch B

Theo Real Clear World, Covid-19 là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự định hình lại mối quan hệ của thế giới doanh nghiệp với Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ - Ấn có thể được hưởng lợi nhất. Vì vậy, theo các nhà kinh tế, Ấn Độ phải hành động nhanh chóng để mở cửa và thực hiện đầy đủ các cải cách kinh tế và cấu trúc cần thiết từ lâu.

Nguồn: indiaexpress.com

Ông Tim Roemer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ cho biết, các công ty đa quốc gia, vốn luôn cảnh giác với chi phí ngày càng tăng của Trung Quốc, đang đẩy nhanh kế hoạch tìm nguồn cung mới do rủi ro chính trị và chiến lược tăng cao. Ở Washington, Quốc hội Mỹ hiện nỗ lực xây dựng luật pháp khuyến khích các công ty Mỹ tách khỏi Trung Quốc, do lo ngại Mỹ đã phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh cho các sản phẩm chiến lược như thuốc, kim loại đất hiếm và các loại chip máy tính. Quá trình “reshoring” của các công ty về Mỹ sẽ trở thành chủ đề chiến dịch (reshoring là quá trình trả lại sản xuất và sản xuất các mặt hàng về nước gốc của công ty). Các quốc gia khác, đặc biệt ở Đông Nam Á cũng đang theo đuổi các công ty toàn cầu này, cố gắng thu hút chuỗi cung ứng của họ.

Trong năm bầu cử ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump không chỉ coi Trung Quốc là đối thủ, mà còn là nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu và đang thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với Bắc Kinh. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden cũng không phải có ý định mềm mỏng mà thậm chí còn đề xuất sự thay đổi mô hình trong mối quan hệ với đất nước Gấu trúc.

Trong môi trường chính trị phát triển nhanh chóng đó, một số công ty Mỹ đã lên kế hoạch đưa Ấn Độ trở thành một phần của Kế hoạch B. Nhìn về mặt tích cực, họ nhận định quốc gia đông dân thứ hai thế giới là thị trường cực kỳ rộng lớn, có tầng lớp trung lưu đang phát triển. Bên cạnh đó, lực lượng lao động Ấn Độ được giáo dục tốt và thông thạo tiếng Anh. Không những thế, chi phí vận hành ở đây tương đối thấp và hệ thống chính trị được Mỹ công nhận là dân chủ.

Apple Inc., một trong những hãng sản xuất lớn nhất tại Trung Quốc, được cho là đang lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng sản xuất sang Ấn Độ và trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất của nước này.

Thực tế, Thủ tướng Narendra Modi và nhiều lãnh đạo bang của Ấn Độ đã ráo riết trải thảm đỏ mời các công ty đa quốc gia và công ty Mỹ trong nỗ lực đưa họ ra khỏi Trung Quốc. Hồi tháng 4, Thủ tướng Modi đã viết, Ấn Độ với sự pha trộn đúng đắn giữa thực và ảo có thể nổi lên như một trung tâm trí tuệ toàn cầu của chuỗi cung ứng đa quốc gia hiện đại, tinh vi trong thế giới hậu Covid-19.

Trong khi Chính phủ liên bang Ấn Độ gần đây hạ thuế suất doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo bang cũng vạch ra nhiều bước để nâng cấp cơ sở hạ tầng và sửa đổi luật pháp về đất đai và lao động, vốn từng làm suy giảm nghiêm trọng đầu tư nước ngoài trong quá khứ. Một số bang còn đưa ra các ưu đãi tài chính để thu hút những dự án thâm dụng vốn mà Trung Quốc có truyền thống thống trị.

Trong một dấu hiệu chào mừng khác gửi đến các nhà đầu tư nước ngoài, New Delhi và các bang Ấn Độ đang cố gắng hài hòa chính sách của mình để củng cố thương mại. Trong lịch sử, chính quyền trung ương và địa phương tồn tại nhiều quy trình làm việc bị chồng chéo, khiến đầu tư bên ngoài gặp khó khăn do vướng phải mê cung thuế, giấy phép và luật lao động.

Các bang công nghiệp hóa như Maharashtra, Tamil Nadu và Karnataka đã vạch ra kế hoạch tiếp cận đầu tư mới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, một số bang nông thôn nghèo hơn cũng tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, bang Uttar Pradesh ở miền Bắc nỗ lực hợp tác với nhiều công ty Mỹ để tạo ra hành lang thương mại tập trung vào sản xuất vũ khí và các thiết bị quốc phòng.

Dược phẩm là một trong những lĩnh vực hợp tác Mỹ - Ấn đầy hứa hẹn, ít nhất trong ngắn hạn. Các công ty Ấn Độ sản xuất tới 40% các loại thuốc generic được sử dụng tại Mỹ (generic là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ). Thực tế, các nhà sản xuất thuốc của Mỹ đang chuyển sang tiểu lục địa Ấn Độ để thử nghiệm và tăng tốc độ sản xuất vaccine chống Covid-19. Trong những tuần gần đây, công ty Gilead Science Inc., California đã công bố hợp tác với 6 công ty Ấn Độ nhằm đăng ký, sản xuất và bán thuốc điều trị thử nghiệm Remdesivir trên thị trường quốc tế.

Trở ngại không nhỏ

Mặc dù triển vọng hợp tác Mỹ - Ấn khá khả quan nhưng các yếu tố gây cản trở cũng rất đáng kể. Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay do các hoạt động phải ngừng vì đại dịch Covid-19, trước khi có khả năng tăng trưởng trở lại vào năm tới. Bên cạnh đó, một số người nhận xét, nước này vốn vang danh quốc tế như là “cơn ác mộng quan liêu”, ví dụ như thay đổi chính sách thuế, khiến cho nhiều nhà đầu tư chùn bước vì cảm thấy không được khuyến khích.

Hơn nữa, quan điểm chính trị khác biệt giữa Washington và New Delhi về nhiều vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm, bao gồm cả các thỏa thuận với Iran và Nga, có thể khiến một công ty Ấn Độ vướng phải các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mùa Đông năm ngoái, Ấn Độ và Mỹ cũng từng thất bại trong việc hoàn tất thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt mà Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Modi đích thân bảo vệ để củng cố quan hệ song phương. Thất bại trong tiến trình đó cho thấy, chủ nghĩa dân túy chính trị và chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở cả hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, đồng thời phơi bày những hạn chế tiềm năng đối với hội nhập kinh tế.

Tuy nhiên, các mảng kiến tạo đang dịch chuyển trên toàn cầu. Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường mối quan hệ đối tác trong nhiều năm qua bằng thỏa thuận hạt nhân dân sự, sự chia sẻ thông tin tình báo lịch sử và hợp tác quốc phòng, và mối quan hệ tốt đẹp giữa người dân hai bên. Hơn nữa, nếu cả hai quốc gia có thể tạo ra cấu trúc thương mại song phương mới, cắt giảm thuế quan và tránh quan liêu, thì mô hình trên có thể là dấu hiệu về một trật tự mới sau đại dịch Covid-19. Các nhà phân tích của cả Ấn Độ lẫn Mỹ cho rằng, thương mại kinh tế cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, chứ không phải một chiều như khi nghiêng hẳn về Bắc Kinh.

Các công ty Ấn Độ có thể được khuyến khích đầu tư vào xứ sở cờ hoa và kích thích tăng trưởng việc làm cho người Mỹ. Xu hướng này rất đáng khích lệ trong bối cảnh các công ty như Tata Group, Infosys và Wipro gần đây đã bơm 18 tỷ USD/năm vào Mỹ và tạo ra hơn 100.000 việc làm. Sự phục hồi của Mỹ khỏi “tình trạng hôn mê kinh tế” vì Covid-19 sẽ cần các công việc dịch vụ và sản xuất mới để giải quyết tỷ lệ thất nghiệp.

Cựu Đại sứ Tim Roemer cho rằng, Mỹ và Ấn Độ đã đạt được bước đột phá lịch sử trong mối quan hệ chiến lược song phương kéo dài hai thập kỷ qua. Cả hai xây dựng được mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi để thúc đẩy tầng lớp trung lưu của mình.

Thái Anh