Chính sách và cuộc sống

Có luật chưa phải đã xong

- Thứ Tư, 21/08/2019, 07:51 - Chia sẻ
Bất chấp sự sốt ruột của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục duy trì tốc độ ì ạch, 7 tháng qua mới đạt hơn 31% kế hoạch Quốc hội giao (khoảng 135 nghìn tỷ đồng), thấp nhất so với cùng kỳ những năm gần đây. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hôm 19.8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phải thốt lên rằng tình hình cấp bách, nóng bỏng lắm rồi, giải ngân đầu tư công chậm đã trở thành áp lực nội tại.

Áp lực này tồn tại trên nhiều phương diện. Một mặt, không giải ngân được vốn đầu tư công sẽ không có tăng trưởng. Trái phiếu Chính phủ huy động dù chưa tiêu đến, chưa tiêu được, thì ngân sách vẫn phải trả lãi không thiếu một đồng. Đối với vốn vay nước ngoài, chậm giải ngân có thể dẫn đến vi phạm thỏa thuận đã ký kết. Và dù là nguồn vốn nào đi chăng nữa, giải ngân chậm đều có thể làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả dự án.

Mặt khác, độ mở của nền kinh tế nước ta ngày một lớn, tỷ trọng giữa thương mại và GDP xấp xỉ 200% nên dễ tổn thương trước những biến động quốc tế, ví dụ chiến tranh thương mại hay khủng hoảng nợ. Trong bối cảnh nội lực kinh tế chưa đủ mạnh, cần phải có bệ đỡ để giảm thiểu những tác động xấu đến nền kinh tế và đầu tư công là một công cụ nước ta có thể sử dụng (cùng với tỷ giá linh hoạt).

Nếu chi đúng mục đích và tiến độ, đầu tư công không chỉ kích thích kinh tế ngắn hạn mà còn tạo ra nền tảng tăng trưởng dài hạn qua đầu tư vào con người, năng lực công nghệ và hạ tầng.

Giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là vướng mắc về tổ chức thực hiện phân bổ, giao vốn chậm, giải phóng mặt bằng kéo dài, năng lực thi công của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu... Cho đến nay vẫn thiếu vắng cơ chế, chính sách đền bù mặt bằng, tái định cư công bằng, phù hợp, tuân theo quy luật thị trường. Bởi vậy, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án thường xuyên gặp phải sự phản đối của người dân, dẫn đến chậm tiến độ. Nhiều dự án phải thi công kiểu “cuốn chiếu”, tức là giải phóng mặt bằng đến đâu thì triển khai đến đó. Việc hợp tác, trao đổi thông tin giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành khác và các địa phương chưa chặt chẽ, làm cho quá trình lập, giao và triển khai các kế hoạch đầu tư mà Quốc hội và Chính phủ đề ra bị chậm trễ và sai lệch. Nhưng đáng quan ngại nhất chính là sự thiếu vắng trách nhiệm, mà không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn vào việc 46/54 bộ, ngành và 53/63 địa phương không chấp hành chế độ báo cáo tiến độ giải ngân là rõ. Những báo cáo ít ỏi mà Bộ Tài chính nhận được cũng rất sơ sài, kiểu cho có.

Sau nhiều cuộc họp bàn, thúc giục, vài ngày tới, Thủ tướng tiếp tục có Công điện đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và giữa tháng 9 Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này. Tiến độ giải ngân những tháng cuối năm chắc chắn sẽ được cải thiện như thường thấy, nhưng ở đây cũng cần nói thêm rằng, việc tăng tốc giải ngân một lượng vốn lớn trong thời gian ngắn có thể để lại hệ lụy, rủi ro khó lường.

Năm tới, căn bệnh kinh niên mang tên chậm giải ngân vốn đầu tư công liệu có chấm dứt hay không, khi mà Luật Đầu tư công - được sửa đổi chính là nhằm tháo gỡ những vướng mắc, trục trặc của luật để thúc đẩy giải ngân - sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1.1.2020. Câu trả lời còn phụ thuộc vào tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn ra sao. Và tất nhiên, có luật, có văn bản hướng dẫn chưa phải đã xong, đã đủ để giải ngân đầu tư công không chậm trễ nữa. Cùng với khuôn khổ pháp luật hoàn chỉnh, tinh thần xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, có sai phạm mới chính là yếu tố quyết định tiến độ và chất lượng giải ngân đầu tư công.

Hà Lan