Báo cáo đánh giá tác động chính sách

Cơ sở quyết định chất lượng văn bản pháp luật

- Thứ Tư, 29/07/2020, 05:39 - Chia sẻ
Để có được các báo cáo đánh giá tác động chính sách pháp luật tốt, có chất lượng, nước Anh đặc biệt chú trọng việc xây dựng hệ thống kiểm soát, giám sát, kiểm định chất lượng các báo cáo. Đây có thể là một gợi ý cho Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng đánh giá tác động chính sách.

Báo cáo cho đủ thành phần hồ sơ (!)

Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Chất lượng các báo cáo đánh giá tác động chính sách ở Việt Nam còn nhiều hạn chế đã dẫn đến chưa tạo được cơ sở để cho các cơ quan thẩm định, thẩm tra, phản biện, góp ý... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tập huấn kỹ năng xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách là việc cần ưu tiên

Vương quốc Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống xếp hạng chất lượng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách; từ đó rà soát, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, nâng cao chất lượng văn bản, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam Gareth Ward

 

Đồng tình với thực tế nêu trên, Trưởng phòng Chính sách pháp luật, Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Trần Văn Lợi cho biết thêm: Đánh giá tác động chính sách là quy trình bắt buộc trong quá trình xây dựng chính sách hiện nay. Nhưng, số lượng các báo cáo đạt yêu cầu và bảo đảm chất lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhiều báo cáo thực hiện cho có, cực kỳ sơ sài, rất ít báo cáo có số liệu chứng minh, đánh giá của báo cáo cũng chủ quan... Ngay cả báo cáo đánh giá các thủ tục làm văn bản quy phạm pháp luật - báo cáo của chính người làm luật cũng được đánh giá rất sơ sài, chỉ có 1 - 2 trang, không có bảng biểu, tính toán chi phí...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý thì hiện quy trình xây dựng pháp luật của nước ta theo rất rườm rà, yêu cầu đối với báo cáo đánh giá tác động chính sách rất cao, tài liệu hướng dẫn xây dựng báo cáo lại rất kinh điển khiến những người mới bắt đầu làm công tác xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Mặt khác, do nguồn nhân lực xây dựng chính sách còn yếu; kinh phí dành cho công tác đánh giá tác động chính sách còn hạn hẹp (chỉ có 8 triệu/ báo cáo đánh giá tác động), “kinh phí này thì chi phí cho họp 2 buổi là hết”.

Ông Trần Văn Lợi cho rằng, muốn cải thiện, nâng cao chất lượng các báo cáo đánh giá tác động chính sách pháp luật, cần phải có biện pháp để đánh giá về chất lượng của báo cáo đánh giá tác động của chính sách nhằm giúp các cơ quan, tổ chức có cái nhìn khách quan, toàn diện và xác định thế nào là một báo cáo có chất lượng; tài liệu hướng dẫn xây dựng báo cáo cần được lượng hóa theo hướng cầm tay chỉ việc.

Nhìn từ kinh nghiệm của nước Anh

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thực hiện các báo cáo đánh giá tác động chính sách tại Anh, chuyên gia Rachel Holloway (Cục Thực thi quy định quốc tế, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh) nêu quan điểm, đánh giá tác động của chính sách có ý nghĩa quan trọng, giúp cơ quan có thẩm quyền lựa chọn được những chính sách tối ưu nhất, phù hợp thực tiễn.

"Chính vì vậy, để có được các báo cáo đánh giá tác động chính sách pháp luật tốt, có chất lượng, nước Anh đặc biệt chú trọng việc xây dựng hệ thống kiểm soát, giám sát, kiểm định chất lượng các báo cáo. Đơn cử, chúng tôi có một Ủy ban Điều tiết chính sách (RPC) tham mưu cho chính phủ bằng cách cung cấp các ý kiến đánh giá độc lập, từ bên ngoài về các đề xuất xây dựng quy định pháp luật hoặc bãi bỏ quy định pháp luật mới. Điều này, giúp xây dựng được các quy định pháp luật có chất lượng và dựa trên bằng chứng mạnh mẽ," - bà Rachel Holloway chia sẻ.

Kinh nghiệm từ nước Anh cũng cho thấy, vai trò của Ủy ban Điều tiết chính sách Anh chính là Ủy ban này có thể thẳng thắn chất vấn các nhà làm chính sách; phản biện, đưa ra các ý kiến từ góc độ bên ngoài về các tác động của chính sách một cách phù hợp. Qua đó hạn chế tối đa sự chủ quan trong báo cáo đánh giá tác động chính sách.

Đơn cử, một trong những báo cáo đánh giá có chất lượng được Ủy ban này thực hiện phải kể đến đó là báo cáo đánh giá tác động nghiên cứu tình huống "cấm hút thuốc lá tại Anh”. Cụ thể, tháng 7.2007, lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng và nơi làm việc có hiệu lực tại Anh trong khuôn khổ Đạo luật Sức khỏe 2006. Mặc dù, lệnh cấm ban đầu gặp phải sự phản đối của một số nhóm vận động hành lang và các doanh nghiệp, song báo cáo đánh giá tác động chính sách này đưa ra lập luận khá đầy đủ, độc lập, rất chi tiết các biện pháp kiểm soát việc hút thuốc lá nhằm cải thiện sức khỏe của cộng đồng, cuối cùng lệnh cấm đã được thực thi và tuân thủ trên cả nước.

Ngoài ra, để kiểm soát, bảo đảm các báo cáo có chất lượng, giúp cho quy trình làm luật thực sự có hiệu quả, ở Anh cũng có những cơ quan giám sát việc thực hiện báo cáo. Các cơ quan giám sát này thường thực hiện quyền giám sát bằng cách kiểm soát chất lượng, hay còn được gọi là kiểm soát quy trình (cơ quan nào chịu trách nhiệm); kiểm soát nội hàm - nghĩa là xác định các lĩnh vực chính sách mà việc áp dụng quy định có thể mang lại hiệu quả cao hơn; kiểm soát hệ thống -  là cải thiện tính hệ thống của các chính sách và quy định; kiểm soát bằng cách phối hợp (thống nhất cách tiếp cận của các cơ quan quản lý); và kiểm soát bằng cách hướng dẫn, tham mưu và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan quản lý... 

Bài và ảnh: Bảo Hân